Tên lửa mạnh nhất phát nổ trong lần bay thử đầu tiên

Tên lửa Starship phát nổ trên bầu trời Texas không lâu sau khi rời khỏi bệ phóng trong chuyến bay đầu tiên vào không gian.

Tên lửa Starship phát nổ giữa không trung. Video: SpaceX

Tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo cất cánh từ cơ sở Starbase của SpaceX ở bãi biển Boca Chica, nam Texas, vào 9h33 ngày 20/4 giờ địa phương (21h33 ngày 20/4 giờ Hà Nội). Với chiều cao 120m, Starship phóng lên quỹ đạo sau khi khai hỏa 33 động cơ Raptor ở tầng đầu tiên. Tên lửa bay lên cao dần với phần thân bằng thép không gỉ sáng bóng trên bầu trời Texas.

Theo dự kiến, tầng trên cao 50m của Starship sẽ tách khỏi tên lửa đẩy Super Heavy ở tầng đầu tiên khoảng 3 phút sau khi cất cánh, nhưng điều đó không xảy ra. Hai phương tiện vẫn gắn liền, bắt đầu chao đảo và cuối cùng phát nổ chỉ 4 phút sau khi phóng. Theo SpaceX, bộ đôi phương tiện “tách rời nhanh không theo lịch trình”.

Tuy nhiên, các nhân viên tập trung ở trụ sở SpaceX tại Hawthorne, California để theo dõi quá trình phóng vẫn reo hò với những gì đạt được sau lần phóng đầu tiên. Hệ thống phương tiện khổng lồ đạt độ cao tối đa khoảng 39 km, theo dữ liệu từ SpaceX. Đây là nỗ lực thứ hai của SpaceX nhằm phóng Starship. Lần thử đầu tiên hôm 17/4 kết thúc đột ngột do một van bị đóng băng.

Theo kế hoạch bay hôm nay, Super Heavy sẽ quay trở lại Trái Đất, đáp xuống vịnh Mexico khoảng 8 phút sau khi phóng. Trong khi đó, tầng trên sẽ khai hỏa 6 động cơ Raptor để tới đích và bay một phần quanh Trái Đất. Mục tiêu của SpaceX là đưa Starship tới độ cao tối đa 233 km, sau đó trở lại khí quyển Trái Đất và hạ cánh xuống Thái Bình Dương, cách không xa đảo Kauai của Hawaii khoảng 90 phút sau khi rời bệ phóng.

Tuy nhiên, SpaceX không kỳ vọng mọi thứ diễn ra trôi chảy. Những tên lửa mới thường thất bại trong lần bay thử đầu tiên. Starship lớn và phức tạp hơn phần lớn phương tiện phóng. Chuyến bay hôm nay nhằm thu thập dữ liệu và phản ứng tốt với bất kỳ điều gì xảy ra, theo đại diện công ty.

Starship bao gồm tên lửa đẩy ở tầng đầu tiên mang tên Super Heavy và tầng trên cũng mang tên Starship. Cả hai phương tiện đều được thiết kế để tái sử dụng hoàn toàn, đột phá chủ chốt giúp bay tới sao Hỏa. Hai bộ phận của Starship phóng hôm nay là nguyên mẫu Booster 7 của Super Heavy và tầng trên có tên gọi Ship 24 sẽ không bay lần nữa bởi SpaceX không có kế hoạch thu hồi phương tiện trên biển. Động cơ Raptor mới của SpaceX hoạt động bằng methane và oxy lỏng. Đó là hai nhiên liệu có thể sản xuất trên hành tinh đỏ, cho phép Starship phóng hiệu quả từ sao Hỏa cũng như Trái Đất.

Musk hình dung các tàu Starships sẽ bay nhiều lần mỗi ngày trên Trái Đất. Tên lửa đẩy Super Heavy trực tiếp quay trở lại bệ phóng sau mỗi lần cất cánh để kiểm tra nhanh, nạp nhiên liệu và phóng tiếp. Việc tăng cường tái sử dụng có thể giảm chi phí mỗi nhiệm vụ của Starship xuống vài triệu USD, theo Musk. Starship có thể chở 165 tấn lên quỹ đạo Trái Đất trong mỗi nhiệm vụ ở cấu hình tái sử dụng. 33 động cơ Raptor của Super Heavy tạo ra khoảng 16,5 triệu tấn lực đẩy khi cất cánh, gần gấp đôi siêu tên lửa giữ kỷ lục trước đó là Hệ thống phóng không gian của NASA, bay lần đầu hồi tháng 11 năm ngoái trong nhiệm vụ Mặt Trăng Artemis 1.

Theo VNE

Đọc thêm

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.