Ở nước ta, ngày Tết Đoan Ngọ thường rơi vào thời điểm nắng nóng kéo dài, sâu bọ phát triển nhiều. Cho nên, ngày lễ này được người Việt quen gọi với tên tết nửa năm, tết diệt sâu bọ, được diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm.
Tết Đoan ngọ 2023 rơi vào thứ năm, ngày 22/6 dương lịch. (Ảnh minh họa)
Theo quan niệm của người xưa, Tết Đoan Ngọ là thời điểm kết thúc vụ mùa, người dân làm lễ dân hương để tạ ơn trời đất, tổ tiên và mừng mùa vụ thắng lợi. Bên cạnh đó, lễ cúng Tết Đoan Ngọ người dân còn gửi gắm hy vọng vào mùa vụ sau sẽ tươi tốt, mầm bệnh bị tiêu diệt, cây trái sinh sôi nảy nở, cùng mong ước con người luôn mạnh khỏe, không bệnh tật.
Với người miền Nam, vào ngày Tết Đoan Ngọ, người ta thường mua bánh ú nước tro, có thể kèm lá xông và trái cây về cúng. Người miền Trung có nơi mua vịt quay, có nơi rủ nhau đi tắm biển hoặc tắm nước múc lên từ giếng vào lúc đúng 12 giờ trưa. Người miền Bắc thì thường ăn cơm rượu, quả vải, có mận… cho trẻ con ăn ngay khi ngủ dậy.
Trong đó, bánh ú nước tro thường có hình chóp, to bằng nắm tay được bán khắp các chợ và dọc đường vào ngày Tết Đoan Ngọ. Ngày trước, người ta dùng lá tre để gói bánh, nhưng ngày nay một số nơi đã thay lá tre bằng lá chuối. Bánh thường dùng để cúng hoặc làm quà cho người quen trong dịp này.
Ở một số vùng quê, đến ngày nay vẫn còn lưu truyền tục hái lá thuốc vào giờ Ngọ của ngày mùng 5/5 vì tin rằng đây là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm. Người ta thường hái bất kỳ các loại lá gì có sẵn trong vườn, có thể phơi khô, để dành trị bệnh.
Ngày trước, Tết Đoan Ngọ người ta còn nhuộm móng tay cho trẻ con. Mang áo trẻ lên chùa để xin con dấu, vẽ bùa vì cho rằng trẻ mặc các áo này sẽ không bị tà ma quấy nhiễu.