Chị Nguyễn Thị Ngọc (thực tập sinh tại tỉnh Chiba - Nhật Bản): "Có món ăn truyền thống là có hương vị tết quê nhà"
Dịp tết Dương lịch, người Nhật đã có một kỳ nghỉ dài nên tết Âm lịch, hầu hết các công ty không có chế độ nghỉ riêng cho người Việt. Chúng tôi thường cắt vài ba ngày phép vào dịp tết Âm lịch để có thời gian nghỉ ngơi và tổ chức các hoạt động.
Thường thì vào ngày cuối cùng của năm cũ, chúng tôi sẽ tập trung tại nhà của một thành viên rồi chuẩn bị bàn tiệc, mâm cỗ cúng giao thừa với những lễ vật truyền thống. Năm nay, dịch bệnh phức tạp, gần như ai đón tết nhà nấy nên không có bữa tiệc tưng bừng bên những người bạn đồng hương. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lên mạng đặt lá dong, lá chuối và nguyên liệu rồi tự tay gói bánh chưng, làm các món ăn truyền thống. Khi tự tay chuẩn bị, thưởng thức những món ăn đó, tôi cảm giác như được sống trong không khí tết ở quê nhà.
Anh Nguyễn Quốc Nhân (Bang Massachusetts - Hoa Kỳ): "Tết ấm áp, ý nghĩa vì gia đình được đoàn viên nơi đất khách quê người"
Dù 8 năm sinh sống tại đây, năm nào vợ chồng tôi cũng được đón tết Việt, ăn món ăn Việt, đi lễ chùa đầu năm nhưng chúng tôi vẫn luôn cảm thấy một sự thiếu vắng vì không có nhiều người thân bên cạnh.
Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, người Việt ở đây phải đón một cái tết đặc biệt khi hoạt động vui chơi đông người không thể tổ chức được, gần như ai ở yên nhà nấy. Với gia đình tôi, tết năm nay lại đặc biệt theo một cách khác. Chúng tôi sẽ đón thêm thành viên nhí là đứa con thứ hai chào đời; trước đó, mẹ tôi cũng từ Việt Nam sang thăm con cháu. Thế nên, dù không có những hoạt động vui chơi sôi động cùng cộng đồng người Việt, nhưng lại là cái tết ấm áp nhất, đủ đầy nhất với vợ chồng tôi - tết của tình thân.
Chị Lê Cúc Phương (du học sinh Đại học Gyeongsang - Hàn Quốc): "Thực hiện nghiêm quy định để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng".
Tết của người Việt nói chung, sinh viên Việt Nam ở Hàn Quốc nói riêng khá nhộn nhịp. Đây là dịp để bạn bè gần xa gặp gỡ, tụ họp, giao lưu văn nghệ, thể thao, cùng nhau đón một năm mới vui tươi, sôi động.
6 năm đón tết ở Hàn Quốc, đây có lẽ là năm đầu tiên tôi không có được cảm giác tất bật cùng các bạn trong hội đồng hương chuẩn bị chương trình đón năm mới. Chỗ tôi ở, dịch còn diễn biến phức tạp, việc tụ tập đông người bị hạn chế. Dù hơi buồn khi không khí tết năm nay trầm lắng nhưng vì an toàn cho bản thân và cộng đồng, chúng tôi đều thực hiện nghiêm túc quy định của chính quyền. Hy vọng dịch sớm qua nhanh để tất cả mọi người có cơ hội tập trung hàn huyên, tâm sự.
Chị Trần Thị Lý (định cư tại thành phố Speyer - bang Rheinland - Pfalz - CHLB Đức): "Tết là dịp để nói với các con về nguồn cội và tình yêu quê hương".
Gia đình nhỏ của chị Lý ở CHLB Đức
Gia đình chúng tôi ở trong vùng “báo động đỏ” về dịch bệnh nên chính quyền phải ra lệnh đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu. Công việc kinh doanh, buôn bán của người Việt tại đây trong năm qua bị ảnh hưởng rất nhiều, nguồn thu sụt giảm đáng kể. Tết thường là dịp mua sắm và gặp gỡ, đoàn tụ của các gia đình nhưng năm nay khó khăn nên mọi hoạt động đều không diễn ra như thường lệ.
Thay vì đi thăm bạn bè, người thân thì dịp tết này, chúng tôi ai ở nhà nấy, gửi những lời chúc tốt đẹp mừng năm mới qua điện thoại. Tết “mùa Covid” tôi có thời gian dành trọn cho gia đình, không bị chi phối bởi các hoạt động bên ngoài. Vợ chồng tôi tranh thủ dịp này kể cho các con nghe về những tập tục, truyền thống của tết Việt để các cháu hiểu hơn về nguồn cội và bồi đắp tình yêu quê hương.