Thạch Mỹ - vùng quê xứng danh anh hùng

(Baohatinh.vn) - Với những đóng góp to lớn trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thạch Mỹ (Lộc Hà, Hà Tĩnh) xứng đáng được đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, ngày nay, Thạch Mỹ tiếp tục nỗ lực vươn mình để sánh ngang với các địa phương khác trong thời kỳ đổi mới...

Thạch Mỹ - vùng quê xứng danh anh hùng

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, lực lượng dân quân Thạch Mỹ luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, huấn luyện giỏi, diễn tập tốt, khả năng SSCĐ cao.

Là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, Nhân dân giàu lòng yêu nước nên Thạch Mỹ có chi bộ Đảng khá sớm với Chi bộ Đa Hoạch được thành lập ngày 28/8/1930 (có 7 đảng viên) và Chi bộ Hữu Ninh thành lập ngày 22/9/1930 (có 10 đảng viên).

Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, các tổ chức quần chúng như: “Phụ nữ giải phóng”, “Thanh niên cộng sản đoàn”, “Nông hội đỏ”... đã sớm được thành lập và phát huy sứ mệnh lịch sử của mình trong phong trào đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930-1931. Nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh đã được lưu vào sử sách, danh tiếng nhiều vị tiền bối cách mạng kiên trung sống mãi cùng quê hương như: Phan Đương, Lê Dực, Phan Cửu, Nguyễn Cang, Trần Vỹ, Võ Hà, Tô Viện...

Thạch Mỹ - vùng quê xứng danh anh hùng

Sớm thành lập Chi bộ Quân sự xã Thạch Mỹ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QS-QP địa phương trong tình hình mới.

Trong những năm đầu có Đảng dẫn đường, xã Thạch Mỹ đã tổ chức 35 cuộc biểu tình lớn, nhỏ đấu tranh với bọn thực dân, phong kiến để bãi bỏ sưu thuế nặng nề, giảm địa tô chính, chấm dứt địa tô phụ, chia lại công điền, công thổ và hoãn các khoản nợ cho dân nghèo.

Các cuộc đấu tranh, biểu tình đã thu về được 1.021 quan tiền, 403 đồng bạc Đông Dương, 242 hộc lúa (tương đương 2.420 kg), 14 mẫu ruộng... Tài sản thu được đem chia cho dân nghèo, một phần giữ lại để mua sắm vũ khí và xây dựng phong trào.

Thạch Mỹ - vùng quê xứng danh anh hùng

Phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo hậu phương quân đội đã được thực hiện thường xuyên, có sức lan tỏa lớn.

Tuy phong trào cách mạng những ngày tiền khởi nghĩa bị chính quyền thực dân, tay sai đàn áp dã man, nhưng cơ sở Đảng và Nhân dân Thạch Mỹ vẫn không hề nao núng, các hoạt động đấu tranh vẫn âm ỉ diễn ra theo phương thức vừa bí mật, vừa công khai, tập trung dưỡng sức dân và chuẩn bị mọi mặt cho ngày khởi nghĩa.

Tháng 8/1945, hòa chung với khí thế cách mạng sục sôi của cả nước, Nhân dân xã Thạch Mỹ đã nổi dậy đấu tranh và sáng 18/8 đã cướp chính quyền thành công, khắp làng quê rợp bóng cờ hoa và khẩu hiệu mừng chiến thắng.

Thạch Mỹ - vùng quê xứng danh anh hùng

Người dân xã Thạch Mỹ phá bỏ vườn tạp để mở đường

Giai đoạn 1945-1954, thực hiện lời kêu gọi của ban kháng chiến địa phương, chính quyền và Nhân dân toàn xã đã tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào “Diệt giặc dốt, giặc đói”, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực thực hiện phong trào bình dân học vụ và tập trung khắc phục những khó khăn khi chính quyền còn non trẻ.

Quân và dân Thạch Mỹ tích cực tham gia “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Công phiếu kháng chiến”, “Áo ấm mùa đông binh sĩ”... đã giúp quyên góp được gần 0,58 kg vàng, hơn 8,4 kg bạc, 1.169 kg đồng, 1.100 kg thiếc, 2.000 kg gạo phục vụ kháng chiến. Ngoài ra, Thạch Mỹ còn giúp đỡ, vận chuyển nhiều lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men hỗ trợ đồng bào Bình Trị Thiên.

Thạch Mỹ - vùng quê xứng danh anh hùng

Với tinh thần yêu lao động, nông dân Thạch Mỹ luôn có những mùa vàng bội thu (Ảnh tư liệu).

Tham gia kháng chiến chống Pháp, quân và dân Thạch Mỹ đã mưu trí, dũng cảm phối hợp với các xã lân cận đánh trả, đẩy lùi 2 trận càn lớn do địch đổ bộ từ đường biển đi vào địa bàn (vào tháng 6/1951 và tháng 8/1953), tiêu diệt và bắt sống 18 tên giặc. Để đánh đuổi giặc Pháp, địa phương đã có 200 thanh niên tình nguyện nhập ngũ, 750 lượt người tham gia dân công hỏa tuyến và TNXP phục vụ chiến đấu tại các chiến trường Tây Bắc, Điện Biên, Trung Lào, Thượng Lào, Bình Trị Thiên...

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Thạch Mỹ đã anh dũng đứng lên đấu tranh. Đảng bộ và Nhân dân Thạch Mỹ luôn nêu cao tinh thần “chắc tay súng, vững tay cày”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trên địa bàn luôn lan tỏa các phong trào: “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”, “Phụ lão 2 giỏi”, “Thiếu nhi Nghìn việc tốt”, 4 trung đội dân quân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trực chiến (trong đó có chiến công vang dội khi tham gia phối hợp bắn chìm tàu chiến vào ngày 26/5/1966 tại Cửa Sót), mặt trận giao thông luôn thông suốt, tạo “lá chắn” chở che 2 đại đội chủ lực về dưỡng quân và 2 trường học về sơ tán...

Thạch Mỹ - vùng quê xứng danh anh hùng

Cơ sở dầu lạc Lý Úy ở xã Thạch Mỹ ngày càng phát triển

Đặc biệt, trong 10 năm chiến tranh phá hoại của Mỹ (1965-1975), toàn xã đã động viên được 1.250 người lên đường đánh giặc, có 257 người tham gia dân công hỏa tuyến, TNXP, lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ tham gia gần 10.000 ngày công trực chiến và phục vụ chiến đấu. Cả xã cũng đã huy động được 1.250 tấn lúa, 2.100 tấn khoai, 950 tấn thịt các loại, 450 tấn rau, củ, quả cung cấp cho tiền tuyến và ủng hộ bộ đội đóng quân trên địa bàn; sử dụng trên 2,5 triệu cây cối làm hầm, bắc cầu, sửa chữa đường, rào làng chiến đấu...

Trong chặng đường chiến đấu gian khổ, ác liệt của các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả, Nhân dân và LLVT Thạch Mỹ đã đóng góp nhiều công sức, mồ hôi, xương máu. Toàn xã có 156 người con đã anh dũng hy sinh, có 14 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 227 người là thương binh, bệnh binh các hạng. Ghi nhận sự cống hiến, hy sinh đó, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như: 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 4 cờ thi đua xuất sắc; 1.303 tập thể, cá nhân và 79 gia đình được Nhà nước tặng huân chương, huy chương các loại.

Thạch Mỹ - vùng quê xứng danh anh hùng

Công tác đảm bảo an sinh xã hội luôn được ưu tiên để “không có ai bị bỏ lại phía sau”.

Không chỉ anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, Thạch Mỹ còn để lại dấu ấn nổi bật trong thời kỳ đổi mới. Vượt qua mọi đau thương, mất mát, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Thạch Mỹ đã đoàn kết bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, chăm lo người có công và gia đình chính sách.

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, Nhân dân và LLVT xã Thạch Mỹ đã khẩn trương vào cuộc, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mùa vụ, phát triển ngành nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập gắn với chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và đảm bảo an sinh xã hội...

Thạch Mỹ - vùng quê xứng danh anh hùng

Đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân xã Thạch Mỹ không ngừng được nâng lên.

Dưới ánh sáng của Đảng, bức tranh nông thôn Thạch Mỹ ngày nay hiện lên đầy khởi sắc với nhiều điểm nhấn nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt khoảng 10,6%, diện tích gieo trồng đạt 920 ha/năm với sản lượng lương thực 3.980 tấn, nuôi trồng thủy hải sản 78 ha với sản lượng 117 tấn/năm, đàn trâu bò 2.200 con, đàn lợn 4.860 con, đàn gia cầm 32.000 con.

Hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. QP-AN được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,56%, đời sống văn hóa được nâng lên, chất lượng giáo dục được cải thiện, sức khỏe của Nhân dân được chăm sóc tốt. Năm 2019, xã đạt chuẩn NTM và đang nỗ lực phấn đấu để năm 2025 đạt chuẩn NTM nâng cao.

Bí thư Đảng ủy xã Thạch Mỹ

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.