Trong phạm vi bài viết nhỏ này, tôi chỉ muốn nói đến ý thức chưa tốt của người tham gia các trang mạng xã hội, trong đó có cán bộ, đảng viên.
Không còn chuyện cá nhân
Các trang mạng xã hội ngày càng phát triển nhiều như Facebook, Zalo, Twitter, Google+… nhưng phổ biến nhất hiện nay vẫn là Facebook. Từ chỗ là tài khoản cá nhân để bày tỏ những vui buồn, nhận xét, kinh nghiệm sống… riêng tư, với tính chất liên kết, chia sẻ rộng rãi, Facebook (sau đây gọi tắt là face) không chỉ gói gọn trong những cảm xúc, suy nghĩ nhất thời của một người mà đã trở thành đề tài của rất nhiều người và về một góc độ nào đó, nó có ảnh hưởng tới tâm tư tình cảm của cộng đồng.
Một trong nhưng tài khoản Facebook có nhiều thông tin tốt, gợi mở nhiều vấn đề quản lý hàng không, giáo dục... được giới trí thức đánh giá cao.
Đó là khi face đề cập đến những vấn đề lớn thuộc về chủ quyền đất nước, Tổ quốc, nhân dân, vấn đề môi trường sống, đặc biệt là trong sự cố cá chết ở biển miền Trung vừa qua v.v... Điều đó cũng dễ hiểu vì mỗi cá nhân đều không thể tách rời cộng đồng xã hội, vì “mỗi con người là một hạt hồng cầu đỏ chói” (Huy Cận) trong cơ thể lớn của đất nước.
Tuy nhiên, vì cho là chuyện cá nhân nên nhiều người, trong đó có một số cán bộ, đảng viên đã sử dụng face một cách thiếu ý thức, vô tình gây nên những “cơn bão” trong cộng đồng mạng, gây hiệu ứng xã hội không tốt. Không thiếu diễn đàn, không thiếu điều kiện để trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí, gia đình, song nhiều người chỉ chú tâm đăng tải thái độ bất bình của mình, những nhận định, đánh giá một cách thiên lệch, thậm chí là hồ đồ về nhiều mặt của đời sống chính trị xã hội.
Bên cạnh những người có động cơ cá nhân không tốt thì cũng không thiếu những người do vô tình muốn thể hiện bản ngã cá nhân, say sưa với những Comnent, những like lên tới hàng trăm, hàng chục nghìn mà đã góp phần tạo nên sự hoang mang, hiểu lầm trong một bộ phận công chúng khi bày tỏ thái độ tiêu cực với xã hội. Điều đáng buồn là những chính sách, chủ trương kịp thời và đúng đắn của Đảng, Nhà nước, những hoạt động chính trị, xã hội rất đáng biểu dương của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, những bài báo hay, những tác phẩm văn học nghệ thuật có tác dụng thẩm mỹ cao, những thông tin khoa học có hàm lượng chất xám lớn, có tác dụng tham khảo rất tốt lại ít được cán bộ, đảng viên đưa lên face cá nhân vì cho rằng như thế “nặng nề quá, chính trị quá!”.
Chuyện nhỏ, chuyện lớn đều lên Face
Ngoài việc biến face thành cuốn nhật ký hình ảnh, đưa lên đó tất cả mọi chuyện hàng ngày của mình, từ ăn uống, trang phục, mua sắm thực phẩm, đi đâu, vui chơi, gặp gỡ ai… một cách thái quá, không ít người đã sa vào bình phẩm đồng nghiệp, chuyện cơ quan, chuyện làng xóm, bạn bè… một cách thiếu ý tứ. Gần đây nhất là chuyện một cán bộ văn phòng huyện V. đã đăng hình ảnh phản cảm của đồng nghiệp trong một chuyến du lịch và bị cộng đồng mạng “ném đá” dữ dội.
Rồi phát ngôn của một lãnh đạo huyện thời điểm nhạy cảm cá chết miền Trung, bài thơ “gây bão” và những bình luận về thời cuộc một cách thiên lệch, bi quan của một đảng viên là giáo viên… Dẫu biện minh là “phát ngôn cá nhân, riêng tư” nhưng những cách thức đăng tải lên face cá nhân với sự chia sẻ, liên kết và tốc độ lan truyền rộng rãi đã gây ra những hiệu ứng không tốt, nhất là trong thời điểm tình hình đất nước và tỉnh nhà đang gặp khó khăn.
Sử dụng mạng xã hội một cách thiếu ý thức, vô tình gây nên những “cơn bão” dư luận, gây hiệu ứng xã hội không tốt
Không ít cá nhân sử dụng những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa hoặc tải những câu chuyện dung tục lên face. Do tốc độ gõ ký tự trong thời gian hạn hẹp, ngôn ngữ tiếng Việt bị làm cho méo mó, mất đi những nét đẹp trong sáng vì thiếu chữ cái, ghép tự, viết tắt vô lối… không thể chấp nhận được.
Đảng viên phải thể hiện văn hóa Face
Văn hóa là gốc rễ của mỗi con người. Người có văn hóa sẽ sử dụng face một cách có văn hóa, biết phát huy những tác dụng tốt của mạng xã hội và góp phần ngăn chặn cái xấu, cái độc hại trên internet. Hơn ai hết, cán bộ, đảng viên phải thông qua cách phát ngôn, đăng tải, cách bình phẩm, cách like của mình để thể hiện quan điểm, chính kiến xây dựng xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, vun đắp tình yêu Tổ quốc, quê hương, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy và hướng con người tới chân, thiện, mỹ.
Ngoài những cảm xúc đẹp, những hình ảnh giàu tính thẩm mỹ, những khoảnh khắc quý giá của tình bạn, tình yêu, tình gia đình, đồng nghiệp trong cuộc sống được đưa lên face, đảng viên còn phải có ý thức phản bác các thông tin phiến diện, sai trái, những luận điệu xuyên tạc nhằm gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây mất lòng tin trong nhân dân.
Và điều quan trọng nhất, đảng viên chúng ta phải là con người hành động trong thời điểm tỉnh nhà và đất nước gặp nhiều khó khăn, đừng vô tình biến mình thành “nô lệ” của mạng xã hội, thành những “anh hùng bàn phím”. Thời điểm này, mỗi người cần tỉnh táo lựa chọn cho mình cách thức sử dụng mạng xã hội một cách có văn hóa, tích cực góp sức mình vào sự phát triển chung của đất nước và tỉnh nhà. Đó cũng chính là thực hiện tốt 19 điều đảng viên không được làm theo Quy định 47-QĐ/TW của Trung ương.