Phan Đình Phùng (1847-1895) hiệu là Châu Phong, sinh ra ở làng Đông Thái, huyện La Sơn (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ). Sau khi thi đỗ Đình nguyên Tiến sỹ, ông được bổ nhiệm làm tri huyện Yên Khánh thuộc tỉnh Ninh Bình. Về sau, ông được cử làm ngự sử của Viện Đô Sát tại Kinh Thành. Năm 1883, ông trở về quê không làm quan nữa do bất bình thời cuộc. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông đã tham gia ngay từ đầu, tập hợp các sỹ phu, văn thân vùng Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình khởi nghĩa. Ông trở thành lãnh tụ của phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp trong hơn 10 năm trời (1885-1895), lấy khu căn cứ Vũ Quang làm đại bản doanh. Trong lúc cuộc chiến đấu còn tiếp diễn, do bị thương nặng, Phan Đình Phùng hy sinh tại đại bản doanh của khu căn cứ Vũ Quang vào ngày 28/12/1895. Phan Đình Phùng trở thành lãnh tụ kiệt xuất của phong trào khởi nghĩa Cần Vương, là anh hùng dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam noi theo. Ghi nhớ công lao của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng, gia đình, dòng họ và Nhân dân địa phương đã lập nhà thờ để thờ phụng, tôn vinh người anh hùng quê hương đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Di tích nhà thờ Phan Đình Phùng tại làng Đông Thái được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 59/2006/QĐ- BVHTT ngày 29/5/2006. |
Từ ngã tư thị xã Hồng Lĩnh đi theo Quốc lộ 8A về phía Tây gần 20km là đến địa bàn xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Nhà thờ Đình nguyên tiến sỹ Phan Đình Phùng ở làng Đông Thái.
Khuôn viên khu nhà thờ rộng khoảng 3ha được xây tường bốn phía.
Cổng vào nhà thờ gồm các cột nanh; thân vuông khối cạnh.
Bước vào sau cổng chính là sân chầu và hạ điện. Ngay sau hạ điện là thượng điện - nơi thờ Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng.
Hạ điện thờ các quân và tướng lĩnh Phan Đình Phùng.
Ở 2 bên hạ điện còn có 2 ngôi nhà nhỏ gọi là tả vu và hữu vu.
Bên trong hạ điện có 3 gian được bày trí 2 bàn thờ với đôi hạc đồng, lư hương, lọng, câu đối...
Hạ điện cũng lưu giữ một chiếc chuông bằng đồng với chiều cao khoảng 1m.
Gian thờ chính thượng điện được làm bằng gỗ lim và mít, đến nay còn giữ được nguyên bản. Các đuôi xà ngang đều được chạm nổi hoa văn trang trí tinh xảo.
Theo các cụ cao tuổi dòng họ Phan Đình làng Đông Thái kể lại, nhà thờ Phan Đình Phùng nguyên là nhà ở của gia đình cụ Phan Đình Tuyển, sau khi cụ Tuyển qua đời để lại cho con là cụ Phan Đình Phùng.Sau khi cụ Phan Đình Phùng hy sinh, ngôi nhà được sử dụng làm nơi thờ tự. Năm 2004, nhà thờ được tu bổ, tôn tạo lại trên cơ sở giữ nguyên bản.
Bên trong thượng điện là ngai thờ với bức tượng đồng chân dung cụ Phan Đình Phùng khuôn mặt thanh tao.
Trước tượng thờ cụ Phan Đình Phùng được đặt 2 con hạc và lư hương bằng đồng. Theo quan niệm của người xưa, hạc là loài chim quý, có khí phách của bậc tiên nhân đạo sỹ, thường xuất hiện bên các vị thần tiên. Đây cũng là biểu trưng cho sự trường tồn, thanh cao, thoát tục.
Bên trên lư hương có một con nghê chầu mang ý nghĩa hộ vệ.
Hai bên bàn thờ đặt bộ bát bửu sơn son thiếp vàng gồm: mâu, đao, thương, kích, chấp, chùy, trượng, mác.
Nhà thờ Phan Đình Phùng hiện do Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Đức Thọ trực tiếp quản lý và chăm sóc.
Cách nhà thờ 3km đi về phía Đông Bắc là di tích mộ Phan Đình Phùng. Mộ cụ Phan nằm trên ngọn đồi Nê Sơn, cạnh quốc lộ 8A, cũng thuộc làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Năm 1965, khu mộ Phan Đình Phùng được tôn tạo lại khang trang như hiện nay, gồm 2 phần chính là khu mộ và bia.
Bia làm bằng chất liệu đá Thanh có kích thước rộng 0,95 m; cao 1,59 m và dày 1,2 m. Trán bia có hình bán nguyệt, mặt trước và sau được chạm trổ mặt hổ. Bia được khắc hai mặt bằng chữ quốc ngữ nêu cuộc đời sự nghiệp và ca ngợi cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo, đức hy sinh cao cả của ông; ca ngợi Nhân dân 4 tỉnh Thanh, Nghệ, Hà, Quảng đã tích cực hưởng ứng cuộc khởi nghĩa.
Mộ Phan Đình Phùng được ghép bằng đá Thanh màu xanh dài 2,58m; đỉnh cao mộ được tạo hình chóp nón, trên có hình bông sen; mặt trước thân mộ được tạo lõm hình vòm cuốn và chạm biển đề: Phan Đình Phùng (1847 - 1895). Đây được coi là một trong những ngôi mộ đá có kiến trúc đẹp hiếm có trên địa bàn Hà Tĩnh.
Cách đó chừng 10m về phía bên phải phần mộ cụ Phan còn có mộ của ông bà nội Phan Đình Phùng.
Vào các dịp lễ, tết, ngày cuối tuần, Di tích nhà thờ Phan Đình Phùng là địa chỉ đón các đoàn khách tham quan và các em học sinh dã ngoại, học lịch sử địa phương.
Phát huy truyền thống vùng quê khoa bảng, Tùng Ảnh (Đức Thọ) đã trở điểm sáng trong chương trình xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh.