Chiều 1/12, Ban Pháp chế HĐND tỉnh họp thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa XVII. Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thông qua các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết về quy định chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố.
Thông qua kế hoạch biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hội và hợp đồng lao động năm 2021; việc sáp nhập và đặt tên thôn, tổ dân phố tại TX Kỳ Anh và các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc và Nghi Xuân.
Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa trình bày nội dung báo cáo, tờ trình liên quan dự kiến trình kỳ họp thứ 18.
Theo tờ trình đề nghị thông qua nghị quyết quy định chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố, UBND tỉnh đề xuất bổ sung phụ cấp cho các chức danh: thôn đội trưởng, nhân viên y tế thôn; hỗ trợ bồi dưỡng theo chính sách đặc thù của tỉnh đối với chức danh công an viên thôn, tổ dân phố.
Tờ trình đề nghị thông qua kế hoạch biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hội và hợp đồng lao động năm 2021 nêu rõ: Kế hoạch biên chế công chức giao năm 2021 là 2.261 biên chế; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo giao năm 2021 là 26.530.
Theo tờ trình về việc sáp nhập và đặt tên thôn, tổ dân phố tại TX Kỳ Anh và các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc và Nghi Xuân, phương án sáp nhập và đặt tên thôn, tổ dân phố là toàn tỉnh điều chỉnh, sáp nhập 26 thôn, tổ dân phố để thành lập 14 thôn mới, tổ dân phố mới. Như vậy, toàn tỉnh sẽ giảm từ 1.977 xuống còn 1.965 thôn, tổ dân phố.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã nghe đề án thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Trần Hậu Tám – thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh: Đề nghị Sở Nội vụ có thẩm tra, kiểm tra lại việc sáp nhập, đặt lại tên thôn, tổ dân phố với quy trình chặt chẽ, đảm bảo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết; đồng thời trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề như: việc sáp nhập thôn, tổ dân phố; số lượng biên chế, việc tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; tham mưu tuyển dụng công chức, viên chức…
Nguyên Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái – thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh: Các báo cáo, tờ trình cơ bản đã đảm bảo quy định của Đảng, Nhà nước; cần xem xét, cân nhắc thêm ý kiến của các đại biểu đóng góp.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu góp ý một số nội dung trong tờ trình về: mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; kế hoạch biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính…
Kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đánh giá cao sự chuẩn bị của các sở, ngành, đơn vị và ý kiến đóng góp của các đại biểu. Việc Sở Nội vụ báo cáo các tờ trình, các đại biểu tham gia ý kiến là hết sức cần thiết để Ban pháp chế HĐND tỉnh thẩm định, soát xét, hoàn thiện các nội dung.
Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đề nghị các sở, ngành tiếp thu ý kiến thành viên Ban Pháp chế để hoàn thiện các nội dung.
Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban pháp chế HĐND tỉnh để sớm bổ sung, hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp đảm bảo chất lượng, đúng thời gian.