Thắng lợi của cách mạng Việt Nam khẳng định sự đóng góp to lớn của các thế hệ tiền bối

(Baohatinh.vn) - Trong suốt quá trình lịch sử 94 năm lãnh đạo đất nước của Đảng có sự đóng góp vô cùng to lớn của các thế hệ tiền bối và chiến sĩ cách mạng. Sự xuất hiện kịp thời, đúng lúc của các vị lãnh tụ, các bậc tiền bối, chiến sĩ cách mạng trong từng thời điểm lịch sử đã giúp Đảng ta, dân ta làm tròn sứ mệnh cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ quốc tế mẫu mực đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc, sau này là lãnh tụ Hồ Chí Minh là người Việt Nam yêu nước đầu tiên tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Là người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đứng đầu, trực tiếp lãnh đạo Đảng và Nhân dân ta làm cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng tập trung sức lực, trí tuệ chỉ đạo cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam; khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh, đưa miền Bắc tiến lên XHCN, chi viện đắc lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 (Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia/nguồn: Website Đảng Cộng sản Việt Nam).

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn giành tâm huyết cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền... Những cống hiến vĩ đại về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường, dẫn dắt sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong quá trình đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm đầu thành lập, Đảng ta còn trong trứng nước, đồng chí Trần Phú ở tuổi 26 đã trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam. Luận cương Chính trị do đồng chí dự thảo được Hội nghị BCH Trung ương thông qua tháng 10/1930 là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, cùng những luận điểm cơ bản trình bày trong “Chính cương vắn tắt” và “Sách lược vắn tắt” do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, đã được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Với công lao và đóng góp to lớn cho Đảng, đồng chí được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, tháng 10/1930. Bị địch bắt, tra tấn dã man, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, với lời nhắn nhủ bất hủ tới đồng chí, đồng bào trước lúc hy sinh: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh tư liệu

Thời kỳ những năm từ 1936-1940, Đảng ta xuất hiện những nhà lãnh đạo tài năng, kiên trung, có tầm lý luận xuất chúng, đó là các Tổng Bí thư Hà Huy Tập và Lê Hồng Phong.

Sau sự thoái trào của Xô-viết Nghệ Tĩnh, cách mạng Việt Nam gặp vô vàn khó khăn, thử thách, đồng chí Lê Hồng Phong đã khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng, khôi phục phong trào, giữ vững ý chí chiến đấu cho đảng viên, cho Nhân dân, giữ vững niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng. Trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã cống hiến trí tuệ và tâm huyết của mình cho cách mạng Việt Nam, góp phần to lớn làm cho Quốc tế Cộng sản dần dần hiểu rõ hơn phong trào cách mạng Việt Nam và Đảng Cộng sản Đông Dương, khẳng định Đảng ta là một bộ phận của Quốc tế Cộng sản. Đồng chí Lê Hồng Phong là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, giữ trọn lý tưởng cộng sản, quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Dù trong gian lao thử thách, kể cả trước cái chết, đồng chí vẫn giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của Đảng.

Với 35 tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng, gần 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã có những đóng góp to lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí là người chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng lần thứ I. Đại hội đã thông qua Báo cáo Chính trị, Điều lệ Đảng, Điều lệ của các tổ chức quần chúng và nhiều văn kiện quan trọng khác, đã cử ra một BCH Trung ương và một Ban Thường vụ của Đảng, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng lãnh đạo kéo dài suốt 4 năm liền (tháng 4/1931 - 3/1935). Đồng chí đã cùng BCH Trung ương khôi phục được các cơ quan lãnh đạo của cả 3 xứ ủy và nhiều tỉnh ủy ở các địa bàn trọng điểm trong cả nước, tạo cơ sở về tổ chức và lực lượng để Đảng ta vững bước tiến lên trong các giai đoạn sau. Sự tàn bạo của kẻ thù không thể khuất phục được ý chí kiên cường của người cộng sản. Trước tòa, đồng chí đã bác lại lời cầu xin của trạng sư bào chữa, khảng khái tuyên bố “Tôi chẳng có gì hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn tiếp tục hoạt động”.

Kế tiếp sự nghiệp của Tổng Bí thư Hà Huy Tập là đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho Đảng và Nhân dân ta một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng cao đẹp. Trên cương vị Tổng Bí thư, với tư duy chính trị nhạy bén, đồng chí đã có những quyết sách chỉ đạo thay đổi chiến lược, tạo ra bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam. Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương (6/11/1939) đã chủ trương tập trung mọi lực lượng của dân tộc vào nhiệm vụ chủ yếu là chống đế quốc và ách thống trị của phát xít thuộc địa; tiến hành thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ không còn thích hợp; quyết định thay đổi chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai, từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang.

Là người được giao trọng trách Tổng Bí thư của Đảng trong những thời điểm rất quan trọng (1941-1951; 1951-1956; tháng 7/1986 - 12/1986), đồng chí Trường Chinh đã khẳng định vai trò nhà lãnh đạo kiệt xuất trong những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã cùng Bác Hồ và Đảng ta với tư duy chiến lược, tư duy quân sự nhạy bén trong chọn, nắm bắt và chớp thời cơ, tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc đúng lúc, giành thắng lợi rực rỡ, làm kẻ địch trở tay không kịp. Trong cuộc chống Mỹ cứu nước, đồng chí cùng tập thể Bộ Chính trị, Trung ương Đảng có những đóng góp quan trọng vào việc đề ra những quyết sách chiến lược đúng đắn, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng chí là người lát những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho sự nghiệp vĩ đại đó. Những quan điểm đổi mới tư duy mà đồng chí là người đầu tiên đề xuất đã trở thành nền tảng phương pháp luận cho việc nhận thức và giải quyết các vấn đề lý luận, thực tiễn của công cuộc đổi mới ở nước ta.

Là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn là nhà chiến lược cách mạng, nhà thao lược quân sự với những phẩm chất và tài năng kiệt xuất. Suốt 15 năm trên cương vị Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (1960-1976), trong hoàn cảnh đất nước trải qua nhiều khó khăn, thử thách cực kỳ nghiêm trọng và tình hình quốc tế diễn biến vô cùng phức tạp, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Bộ Chính trị và BCH Trung ương Đảng kiên trì giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên CNXH. Hơn 10 năm từ khi đất nước thống nhất (1976-1986), trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị và BCH Trung ương Đảng lãnh đạo Nhân dân ta giành được những thành tựu quan trọng trong công cuộc khôi phục, cải tiến, phát triển kinh tế, văn hóa theo đường lối xây dựng CNXH và tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta đã gắn bó gần 5 thập kỷ với miền Nam đó là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. 15 tuổi, Nguyễn Văn Linh đã bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, 2 lần bị địch bắt đày ra Côn Đảo; hơn 10 năm bị địch giam cầm, tra tấn tại địa ngục trần gian Côn Đảo. Ngay sau khi ra tù, đồng chí lại lao vào hoạt động cách mạng, gây dựng lại phong trào. Với trách nhiệm là Phó Bí thư, Bí thư Trung ương Cục, đồng chí đã chỉ đạo, lãnh đạo, phát động quần chúng nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, xây dựng căn cứ cách mạng, xây dựng lực lượng đánh bại các chiến lược chiến tranh cục bộ, chiến tranh đặc biệt, Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968), giành toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội (Ảnh tư liệu).

Với cương vị là Tổng Bí thư của Đảng (1986-1991), đồng chí đã trăn trở, tìm tòi các giải pháp để giúp Bộ Chính trị và BCH Trung ương Đảng đi đến quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế mới có nguyên tắc. Những năm này, tình hình quốc tế vô cùng phức tạp, các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Đất nước ta bị bao vây, cấm vận, KT-XH khủng hoảng nghiêm trọng, đời sống Nhân dân vô cùng khó khăn. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng nước ta vượt qua mọi hiểm nguy, đưa sự nghiệp đổi mới thu được những thành tựu quan trọng, tạo tiền đề cơ bản để đất nước phát triển nhanh trong những giai đoạn tiếp theo.

Đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng (1991-1997) là thời điểm cực kỳ khó khăn về KT-XH và do tác động tiêu cực của quốc tế, đồng chí Đỗ Mười đã nêu bật tấm gương về lập trường cách mạng kiên định, đạo đức cách mạng trong sáng, tinh thần tấn công mãnh liệt, chiến đấu không mệt mỏi, không lùi bước trước khó khăn, thử thách nào. Đồng chí đã cùng BCH Trung ương Đảng hoạch định đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc tìm tòi con đường đưa nước ta từ một nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN. Chính đồng chí là người khởi xướng xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế, tiến trình CNXH và hướng đi lên của nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta.

55 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua nhiều cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước, giữ vững trọng trách Tổng Bí thư từ khóa XI đến nay (khóa XIII), đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: TTXVN)

Là ngọn cờ lý luận của Đảng, đồng chí đặc biệt quan tâm xác định tầm nhìn chiến lược của Đảng và dân tộc, coi tổng kết thực tiễn để không ngừng bổ sung, hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta.

Là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí đã quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, cán bộ và hệ thống chính trị. Nhờ vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta những năm qua đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, tăng thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Toàn cảnh Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Qua mỗi thời kỳ cách mạng, sự đóng góp có thể khác nhau, nhưng các lãnh tụ cao nhất của Đảng, từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các Tổng Bí thư: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và hiện nay là đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đã góp phần hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đồng chí là những hạt nhân tiêu biểu, cùng với Đảng ta lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi khó khăn, sóng gió, kiên trì công cuộc đổi mới toàn diện, đưa nước nhà tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, hội nhập.

Chủ đề 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói