Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, hy sinh ngày 6/9/1931 tại Sài Gòn. Từ một thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, là học trò xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đồng chí đã trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng trong những năm tháng sục sôi cách mạng; là tấm gương cộng sản bất tử “đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”(2).
Đồng chí Trần Phú đã có nhiều đóng góp to lớn về xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức quần chúng. Đồng chí là người khởi thảo “Luận cương chính trị” được Hội nghị BCH Trung ương thông qua tháng 10/1930. Đây là văn kiện quan trọng của Đảng, vận dụng những nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê-nin và những luận điểm cơ bản trong “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.
“Luận cương chính trị” năm 1930 đã đặt cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương trong mối quan hệ chặt chẽ với cục diện cách mạng thế giới với thời đại mới. Đó là xác định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương là tiến hành cách mạng tư sản dân quyền, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. “Luận cương chính trị” đã xác định rõ động lực chính của cách mạng; vai trò lãnh đạo của Đảng, phương pháp cách mạng.
Tuy tuổi đời và thời kỳ giữ chức Tổng Bí thư Đảng của đồng chí Trần Phú không dài, nhưng đã hoàn thành một khối lượng công việc có ý nghĩa to lớn. Đồng chí là tấm gương sáng chói về chí khí cách mạng và tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản. Những tháng ngày sống trong nhà tù đế quốc, dù bị tra tấn dã man, đồng chí vẫn kiên cường, luôn bình tĩnh, sáng suốt truyền niềm tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng đến các đồng chí của mình. Đồng chí đã cùng với các bạn tù tổ chức nhiều cuộc đấu tranh vạch mặt chế độ lao tù man rợ, vô nhân đạo của kẻ thù; tổ chức những buổi huấn luyện chính trị ngay trong nhà tù đế quốc Pháp.
Khi bị bệnh nặng ở Nhà thương Chợ Quán, tới lúc lâm chung, đồng chí nắm tay một đồng chí bạn tù cùng nằm ở nhà thương dặn lại: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em: Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”(3).
Dù đã cách xa chúng ta gần thế kỷ, nhưng câu nói bất hủ ấy vẫn luôn vang vọng! Chiến đấu ở đây là chiến đấu cho lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc. Chí khí chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản được bắt nguồn từ niềm tin vào lý tưởng cách mạng. Chỉ có giữ vững được niềm tin son sắt vào Đảng, dân tộc và Nhân dân mới có được dũng khí như vậy! Trong hoàn cảnh nghiệt ngã của sự sống, cận kề sự hy sinh trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, Tổng Bí thư Trần Phú vẫn luôn giữ vững niềm tin chiến thắng. Đó là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và cách mạng, khí phách hiên ngang trước kẻ thù của người cộng sản mẫu mực.
“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”, lời căn dặn của Tổng Bí thư Trần Phú là lời nhắn gửi các thế hệ những người cộng sản tiếp sau hãy luôn “đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình”(4); hãy kiên định lý tưởng, kiên trì mục tiêu luôn vững vàng trên con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Cách mạng có lúc thăng trầm, lúc thuận lợi, khi khó khăn. Kẻ thù luôn có âm mưu xảo quyệt, không từ một thủ đoạn nào, khi hung bạo lúc ngọt ngào đưa đến những viên kẹo bọc đường, hòng mua chuộc, dụ dỗ… tất cả đều muốn làm lung lay ý chí chiến đấu, bản lĩnh, niềm tin của người chiến sĩ cách mạng. Nhưng niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng luôn là động lực, sức mạnh, vũ khí để các anh chiến thắng mọi kẻ thù.
“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”, là lời nhắn nhủ, niềm mong ước các thế hệ tiếp nối không bao giờ khuất phục trước trở ngại, trước mọi hiểm nguy. Dù hôm nay không phải đối diện trực tiếp với kẻ thù, không phải chịu cảnh bắt bớ tù đày, một mất một còn như những năm tháng “nước mất, nhà tan”… nhưng còn đó kẻ thù từ trong ta, đang đối diện với ta hàng ngày, hàng giờ và phải đấu tranh liên tục để chiến thắng, trước hết là chính mình.
Khi nghĩ về câu nói bất hủ này, nhà báo Hữu Thọ đã viết: “Cuộc chiến đấu để chiến thắng chính mình bao giờ cũng là cuộc chiến đấu khó khăn nhất. Chiến thắng mọi sức ép của các thế lực cường bạo của thế kỷ; chiến thắng mọi sự mua chuộc, lừa phỉnh, chiến thắng sự ham muốn không chính đáng của chính mình… là cuộc chiến đầy gian khổ mà chúng ta phải vượt qua, đòi hỏi chí khí chiến đấu rất dũng cảm của một chiến sĩ cách mạng với lòng tin khoa học vào chân lý cách mạng, định hướng phát triển của đất nước”(5).
Tấm gương chói sáng của Tổng Bí thư Trần Phú đã hội tụ nhiều giá trị phẩm chất cao quý của người cộng sản kiên trung. Niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng ở đồng chí mãi mãi là những bài học sâu sắc cho chúng ta hôm nay và mai sau.
“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” luôn trở thành khẩu hiệu hành động, đấu tranh hằng ngày của tất cả chúng ta. Đó là không nao núng, sa ngã trước mọi cám dỗ của cuộc sống, giữ vững lập trường, bản lĩnh, nhiệt huyết với công việc của người cán bộ, không ngừng học tập, rèn luyện; phát huy vai trò gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở, xử lý nghiêm cán bộ, công chức thờ ơ, vô cảm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, trì trệ, sợ trách nhiệm, sợ sai không dám làm, nhất là ở người chịu trách nhiệm chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Lời hiệu triệu và lý tưởng sống của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú cách đây gần thế kỷ cũng là lý tưởng cách mạng của Đảng và Nhân dân ta tiếp tục vượt qua thử thách, khó khăn trên con đường cách mạng để đi đến thắng lợi to lớn hơn.
“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đã trở thành thông điệp mạnh mẽ cho thời đại, cổ vũ, động viên thôi thúc mọi người dân Hà Tĩnh, Việt Nam đoàn kết một lòng, cùng chung chí hướng, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, luôn đi đầu bước trước, nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, tạo các phong trào thi đua yêu nước rộng khắp, ra sức xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước cường thịnh, Nhân dân hạnh phúc.
(1). Theo 180 ca khúc Hà Tĩnh. NXB Âm nhạc 2011, trang 256.
(2), (4). Theo Hồ Chí Minh toàn tập - đĩa CD ROM, tập 11, trang 602, 603.
(3), (5). Theo Trần Phú - Tổng Bí thư của Đảng, một tấm gương bất diệt. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 4/2004, trang 103-105.