Thành viên hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội sẽ được HĐND tỉnh Hà Tĩnh xem xét chính sách hỗ trợ tại Kỳ họp thứ 8

(Baohatinh.vn) - Người cao tuổi, trẻ em, người không có khả năng lao động là thành viên hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội mà không có lương hưu, không trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng ở Hà Tĩnh sẽ được HĐND tỉnh xem xét hỗ trợ về thu nhập để có thể đảm bảo cuộc sống.

Bị khuyết tật thần kinh tâm thần nên dù đã 34 tuổi nhưng anh Phan Trọng Tuân vẫn phải có mẹ chăm sóc.

Tuổi già, sức yếu, bà Lê Thị Thuyết (SN 1956), thôn Thanh Mỹ, xã Phù Lưu (Lộc Hà) chưa bao giờ có lấy phút thảnh thơi. Chồng mất, một người con trai bỏ đi biệt tích, người còn lại là anh Phan Trọng Tuân bị khuyết tật thần kinh tâm thần dù đã 34 tuổi nhưng vẫn một tay bà chăm sóc.

Nhiều lúc phát bệnh, anh Tuân đuổi đánh cả mẹ mình và đập phá đồ đạc trong nhà. Căn nhà cũ nát vốn tuyềnh toàng lại càng thêm tan hoang sau những trận phá phách của đứa con trai bệnh tật.

Anh Tuân thường đi lang thang khiến bà Thuyết nhiều lần vất vả đi tìm.

Bà Thuyết bộc bạch: “Con bệnh tật nên hầu hết thời gian tôi phải ở nhà chăm sóc, trông nom. Cố gắng lắm tôi làm được 2 sào ruộng nhưng vì điều kiện không thể chăm bón nên lúc được mùa lúc mất, thu hoạch không đáng là bao. Lâu nay mọi chi tiêu cuộc sống 2 mẹ con chỉ trông chờ vào chế độ của Nhà nước dành cho người khuyết tật của con trai với mức hỗ trợ 720 nghìn đồng/tháng. Lúc hàng xóm thương thì bữa cơm mẹ con còn có thêm thức ăn, còn không thì cơm nhạt qua ngày”.

Cũng là hộ nghèo của thôn, ông Trần Văn Xin (82 tuổi, thôn Xuân Triều, xã Bình An, Lộc Hà) và vợ là bà Nguyễn Thị Đỏ (78 tuổi) chỉ biết nương nhờ vào nhau với khoản hỗ trợ của ông (trợ cấp bảo trợ xã hội dành cho người từ đủ 80 tuổi trở lên - PV) trị giá 360 nghìn đồng/tháng.

Căn nhà ông Xin ở đã xuống cấp, được cơ quan chức năng rà soát hỗ trợ làm nhà ở cũng không thể thực hiện được bởi không có nguồn đối ứng.

Thế nên, dù mắt mờ chân chậm nhưng ngày ngày ông Xin, bà Đỏ vẫn phải xới đất trồng cây rau, hoa màu những mong kiếm thêm nguồn thu nhập. Cũng bởi hoàn cảnh khó khăn nên khi căn nhà xuống cấp, được cơ quan chức năng rà soát hỗ trợ làm nhà ở ông bà cũng không thể thực hiện được bởi không có nguồn đối ứng.

Bà Nguyễn Thị Minh - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà chia sẻ: “Trên địa bàn huyện có gần 2.000 hộ nghèo, trong đó có đến gần 700 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.

Trong những hộ này, ngoài những người được hưởng chính sách bảo trợ thì các thành viên hộ đều hết sức khó khăn do không có khả năng lao động, bên cạnh đó họ còn phải chăm sóc, hỗ trợ cho đối tượng. Bởi vậy, rất cần được hỗ trợ một phần thu nhập để đảm bảo mức sống tối thiểu”.

Phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà và xã Bình An rà soát hoàn cảnh gia đình ông Xin.

Cùng với những hoàn cảnh khó khăn trong các gia đình hộ nghèo đang chăm sóc người khuyết tật, hay có người không còn khả năng lao động, trên địa bàn cũng còn nhiều gia đình hộ nghèo thuộc chính sách xã hội có chủ hộ là người đơn thân nuôi con nhỏ đang đi học.

Thuộc diện hộ nghèo, vợ mất, anh Nguyễn Văn Duẩn (SN 1985, ở thôn 7, xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên) phải một mình chèo chống nuôi 3 người con nhỏ, đứa bé nhất mới chỉ 3 tuổi, đứa lớn nhất 11 tuổi. Trước đây, cuộc sống gia đình anh Duẩn đã vô cùng khốn khó bởi bản thân anh và vợ sức khỏe yếu. Cuộc sống thêm phần vất vả, bởi sau khi vợ mất, anh Duẩn càng luẩn quẩn trong vòng quay chăm sóc con nên thời gian đi làm không nhiều.

Vợ mất, một mình anh Duẩn chèo chống nuôi 3 người con nhỏ đang tuổi đi học.

Ông Hoàng Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan cho biết: “Với hoàn cảnh của anh Duẩn, mỗi tháng anh được nhận 720 nghìn đồng trợ cấp bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Thế nhưng với khoản thu nhập như thế, trong khi các con còn nheo nhóc, dẫu nỗ lực đến bao nhiêu anh Duẩn cũng không thể lo toan nổi cho gia đình.

Để phần nào hỗ trợ gia đình, chúng tôi chỉ có thể dành các suất quà khi có dịp, về lâu dài, mong rằng cấp trên quan tâm chính sách hỗ trợ thêm phần nào để bố con ổn định cuộc sống”.

Cán bộ xã Cẩm Quan thăm hỏi, động viên gia đình anh Duẩn.

Theo số liệu tổng điều tra hộ nghèo cuối năm 2021, toàn tỉnh hiện có 10.310 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội với 14.421 nhân khẩu. Trong đó có 11.662 người thuộc đối tượng người cao tuổi đơn thân là hộ nghèo và người không có khả năng lao động hưởng chính sách trợ giúp xã hội với mức trợ cấp bình quân là 400 nghìn đồng/người/tháng; 2.759 người là thành viên hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp hàng tháng khác. Hầu hết những người chưa được hưởng trợ cấp xã hội còn lại là trẻ em đang trong độ tuổi đi học, người không có khả năng lao động.

Ông Đặng Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh chia sẻ: “Mặc dù Hà Tĩnh chưa phải là tỉnh phát triển, nhưng đối với việc thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội Hà Tĩnh luôn nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Đến nay, đã có trên 81% thành viên hộ nghèo thuộc chính sách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh đã được hưởng thụ các chính sách hỗ trợ của nhà nước và hỗ trợ từ ngân sách sách tỉnh. Đặc biệt, 100% thành viên hộ người có công với cách mạng và 100% thành viên người cao tuổi thuộc hộ nghèo hàng năm được ngân sách tỉnh bố trí từ 20-22 tỷ đồng/năm để hỗ trợ thu nhập theo Nghị quyết số 151/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh.

Để phấn đấu thực hiện chỉ tiêu bao phủ 100% thành viên hộ nghèo thuộc chính sách xã hội được hỗ trợ thu nhập, thời gian qua Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức rà soát, đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình đời sống, thu nhập của các hộ nghèo thuộc chính sách xã hội, trên cơ sở đó tham mưu đề xuất chính sách.

Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu chính sách “Hỗ trợ thu nhập cho thành viên hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp hàng tháng khác” trong dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025 trình tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII diễn ra vào giữa tháng 7/2022 tới đây.

Ông Dũng bày tỏ: “Với ý nghĩa nhân văn của chính sách, mong rằng nội dung này sẽ được thông qua và đi vào thực hiện để phần động viên, chia sẻ với những đối tượng khó khăn; giúp họ có thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống”.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói