Thế giới bước sang năm mới 2021 trong phong tỏa COVID-19

Ngày 31/12, toàn thế giới chào đón Năm mới 2021 trong bối cảnh những lễ hội sôi động nhất hành tinh, vốn được hàng tỷ người háo hức chờ đợi, phải hủy bỏ hoặc thay đổi hình thức tổ chức nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19.

Thế giới bước sang năm mới 2021 trong phong tỏa COVID-19

Mặc dù các lễ kỷ niệm sẽ bớt sôi động vì những biện pháp hạn chế virus lây lan, nhiều người trên thế giới hy vọng năm 2021 sẽ khác biệt. Ảnh: AFP

Sau một năm ròng rã chứng kiến ít nhất 1,7 triệu người chết vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hàng loạt làn sóng lây nhiễm mới trên khắp thế giới đã dẫn đến các đợt phong tỏa mới, buộc những người thích tiệc tùng tiếp tục phải theo dõi sự kiện từ ghế sofa như vẫn thấy trong năm 2020.

Khắp nơi phong tỏa

Theo hãng thông tấn AFP, từ Sydney đến Rome, các màn bắn pháo hoa, đốt đống lửa và biểu diễn âm nhạc trực tiếp được phát sóng trực tuyến hoặc trên truyền hình nếu như không bị hủy bỏ. Những tia sáng đầy háo hức đầu tiên của năm 2021 chiếu xuống các quốc gia vùng Thái Bình Dương là Kiribati và Samoa vào lúc 10h GMT. Trong khi đó, các đảo Howland và Baker không có người sinh sống của Mỹ là nơi đón Năm mới muộn nhất, sau đến 26 giờ.

Mặc dù các hòn đảo ở Thái Bình Dương đã không phải là nơi chịu tác động nặng nề của đại dịch, các biện pháp hạn chế biên giới, lệnh giới nghiêm và đóng cửa ở đây đồng nghĩa với việc đêm Giao thừa năm nay vẫn có chút khác biệt.

Tại khu nghỉ mát Taumeasina rợp bóng cọ gần thủ đô Apia của Samoa, người quản lý Tuiataga Nathan Bucknall vui vẻ mở cửa không giới hạn lượng khách. Tuy nhiên, do tình trạng khẩn cấp đại dịch gây ra, khu nghỉ mát sẽ dừng phục vụ rượu từ 11h đêm.

Tại thành phố lớn nhất của Australia là Sydney, pháo hoa vẫn thắp sáng bến cảng với một màn trình diễn rực rỡ, song chỉ có ít người được phép theo dõi trực tiếp tại chỗ. Các kế hoạch cho phép tụ tập đông người tại Sydney đã bị loại bỏ sau khi ở thành phố này ghi nhận thêm 150 ca nhiễm mới. Việc đến và đi từ Sydney đều bị hạn chế nghiêm trọng.

Ngay cả đề xuất mời 5.000 nhân viên tuyến đầu đến dự lễ hội pháo hoa trên bến cảng, thay vì đón du khách, như lời cảm ơn đến họ cũng bị hủy bỏ. Hầu hết người dân Sydney sẽ xem lễ bắn pháo hoa qua TV, trong khi các cuộc tụ họp bị giới hạn không quá 5 người.

Thế giới bước sang năm mới 2021 trong phong tỏa COVID-19

Sydney vẫn tổ chức lễ bắn pháo hoa nổi tiếng song có một số thay đổi về khán giả theo dõi. Ảnh: AAP

Tương tự, giới chức Italy phát trực tuyến lễ đốt đống lửa khổng lồ tại trường đua xe ngựa cổ Circus Maximus của thành phố Roma. Sự kiện kéo dài 2 tiếng này bao gồm hoạt động biểu diễn ca nhạc và chiếu sáng nghệ thuật.

Italy, từng khiến cả thế giới bừng tỉnh về mức độ nghiêm trọng của đại dịch với hình ảnh các nhà xác tạm bợ và đội ngũ nhân viên y tế kiệt sức, đang bị phong tỏa trên phạm vi toàn quốc cho đến ngày 7/1/2021. Ngoài ra, lệnh giới nghiêm vẫn được áp dụng từ 10h tối.

Từ Pháp đến Latvia hay Brazil, cảnh sát và binh sĩ quân đội đang được triển khai để đảm bảo lệnh giới nghiêm vào ban đêm hoặc giải tán các đám đông tụ tập trái phép.

Tại thủ đô London bị ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, nữ danh ca Patti Smith, 74 tuổi, người Mỹ đánh dấu mốc mừng Năm mới với lời tri ân các nhân viên Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) bị tử vong do COVID-19. Sự kiện được chiếu trên màn hình tại giao lộ Piccadilly và phát trực tiếp trên Youtube.

Tụ tập xã hội

Một nơi mà người dân có thể ăn mừng Năm mới mà không cần xem qua màn hình điện tử chính là New Zealand. Một số thành phố vẫn tổ chức bắn pháo hoa song ra quy định hạn chế nhất định.

Và ở Dubai, hàng nghìn người tham dự một buổi trình diễn pháo hoa và chiếu tia laser tại Burj Khalifa - tòa tháp cao nhất thế giới – cho dù quốc gia Trung Đông này vừa ghi nhận nhiều ca mắc mới. Tất cả những người tham dự sự kiện - dù ở địa điểm công cộng, khách sạn hay nhà hàng - sẽ phải đeo khẩu trang và đăng ký bằng mã QR.

Thế giới bước sang năm mới 2021 trong phong tỏa COVID-19

Màn bắn pháo hoa tại tháp Burj Khalifa. Ảnh: ITP

Tại Beirut, thành phố này vẫn đang quay cuồng vì vụ nổ bến cảng ngày 4/8, giới chức trách cũng đang cắt giảm hoạt động. Lệnh giới nghiêm ban đêm đã được lùi lại đến 3h sáng. Các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm đều đã mở cửa trở lại cũng như rầm rộ quảng cáo tổ chức bữa tiệc lớn để đánh dấu thời khắc chuyển giao của năm.

Các mạng xã hội đã tràn ngập hình ảnh và video về các câu lạc bộ và nhà hàng chật kín, khiến các nhà chức trách cảnh báo về một lệnh phong tỏa mới có thể có hiệu lực sau kỳ nghỉ lễ. Nỗi sợ hãi về tình trạng say xỉn vào Năm mới đang lan rộng. Có những dấu hiệu đáng ngại cho thấy các chủng virus mới có thể khiến những tháng tới đây thậm chí còn khó khăn hơn bây giờ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 31/12 đã sử dụng thông điệp chúc mừng Năm mới của bà để cảnh báo người dân về một cuộc khủng hoảng dịch bệnh lịch sẽ kéo dài sang năm 2021, ngay cả khi một số loại vaccine tiềm năng xuất hiện cùng với niềm hy vọng.

Tại Brazil, nơi ghi nhận trên 193.000 ca tử vong vì COVID-19, các nhân viên y tế đang lo sợ về một làn sóng lây nhiễm mới. Những ngày gần đây, mạng xã hội tràn ngậm các đoạn clip cho thấy người dân không đeo khẩu trang đi chơi buổi tối. Các kênh truyền hình thậm chí còn chiếu trực tiếp cảnh tượng cảnh sát đóng cửa các quán bar chật kín người.

“Cao điểm của đại dịch trước đây rơi vào khoảng giữa tháng 5 và tháng 7. Khi đó người dân không đi lại nhiều và chúng ta quan tâm đến bản thân nhiều hơn. Bây giờ số ca mắc đang cao còn mọi người lại hành động như thể không có đại dịch”, ông Luiz Gustavo de Almeida, nhà vi sinh vật học tại Đại học Sao Paulo nói.

Theo Baotintuc

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.