Thế giới chưa rút ra được bài học từ đại dịch COVID-19

Dù đã trải qua đại dịch COVID-19 trong gần 2 năm, thế giới dường như vẫn chưa rút ra được bài học cũng như chưa có những biện pháp đủ mạnh để ứng phó hiệu quả với căn bệnh nguy hiểm này.

Thế giới chưa rút ra được bài học từ đại dịch COVID-19

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Dù đã trải qua đại dịch COVID-19 trong gần 2 năm, thế giới dường như vẫn chưa rút ra được bài học cũng như chưa có những biện pháp đủ mạnh để ứng phó hiệu quả với căn bệnh nguy hiểm này.

Trong một báo cáo được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế toàn cầu diễn ra ở Berlin (Đức), Ủy ban Giám sát ứng phó toàn cầu (GPMB) - một cơ quan độc lập do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) thành lập, đã chỉ ra những thất bại liên tiếp trong nỗ lực chống đại dịch COVID-19.

Báo cáo nhận định: "Nếu năm đầu tiên của đại dịch COVID-19 được đánh dấu với sự thất bại chung trong việc chuẩn bị nghiêm túc và hành động nhanh chóng trên cơ sở khoa học, thì năm thứ hai lại được đánh dấu bởi sự bất bình đẳng sâu sắc và sự thất bại của các nhà lãnh đạo thế giới trong việc hiểu rõ sự kết nối lẫn nhau và đưa ra hành động phù hợp.” Báo cáo kết luận đại dịch COVID-19 đã phơi bày một thế giới “bất bình đẳng, chia rẽ và vô trách nhiệm” khi “hệ sinh thái y tế khẩn cấp phản ánh một thế giới vụn vỡ” và điều này đòi hỏi “sự cải cách lớn.”

Trong lời mở đầu của bản báo cáo, đồng chủ tịch GPMB Elhadj As Sy viết: "Tiến bộ khoa học trong thời kỳ dịch COVID-19 , đặc biệt là tốc độ phát triển vaccine, xứng đáng để chúng ta cảm thấy tự hào. Tuy nhiên, chúng ta phải cảm thấy xấu hổ trước nhiều bi kịch – việc tích trữ vaccine, tình trạng thiếu oxy tàn phá ở các nước thu nhập thấp, một thế hệ trẻ em không nhận được sự giáo dục đầy đủ, sự tan vỡ của các nền kinh tế và hệ thống y tế mỏng manh.”

Ông cho rằng điều đáng buồn là có rất ít bằng chứng cho thấy thế giới đang rút ra được những bài học đúng đắn từ đại dịch này. Hàng nghìn người vẫn tiếp tục ra đi mỗi ngày trong khi nhiều người vẫn hành động như thể đại dịch đã kết thúc.

Báo cáo trên được GPMB đưa ra trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 đã lên tới gần 5 triệu người. Nếu tính đến tỷ lệ tử vong có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến COVID-19, WHO ước tính tổng số người không qua khỏi có thể cao hơn từ 2 đến 3 lần. Điều đáng nói là thế giới đang chứng kiến sự phân hóa rõ rệt về tỷ lệ tiêm chủng giữa những khu vực giàu hơn và nghèo hơn.

Đầu tháng này, Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã chỉ ra rằng trong số hơn 6 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng trên toàn thế giới, chỉ 1,4% người dân ở các nước nghèo đã được tiêm chủng đủ liều.

Được ra mắt vào năm 2018, GPMB đã tích cực theo dõi và đánh giá mức độ sẵn sàng của các chính phủ và tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới để ứng phó với các dịch bệnh và các cuộc khủng hoảng liên quan đến sức khỏe khác.

Ngoài việc phát hiện và cảnh báo các vấn đề và thiếu sót, GPMB cũng cung cấp các khuyến nghị cho lãnh đạo chính phủ, các tổ chức và những cá nhân có thẩm quyền ra quyết định. Trong báo cáo năm 2020, GPMB cho biết đại dịch đã bộc lộ một thực tế rằng thế giới đã thiếu sự tập trung trong công tác chuẩn bị để ứng phó với các thảm họa bất chấp những cảnh báo rằng việc đại dịch bùng phát là điều không thể tránh khỏi./.

Theo Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.