Các quốc đảo Samoa, Tonga và Kiribati ở châu Đại Dương là những nơi bước sang năm mới 2022 đầu tiên trên thế giới vào 0h ngày 1/1 (17h ngày 31/12 giờ Hà Nội), do nằm ở múi giờ GMT+14.
Hàng triệu người trên khắp thế giới đang chuẩn bị cho đêm giao thừa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành với biến chủng Delta và Omicron. Thế giới tuần qua trung bình mỗi ngày ghi nhận hơn một triệu ca nhiễm mới, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ hủy lễ đón năm mới 2022 do lo ngại biến chủng Omicron sẽ lây lan khi dân chúng tụ họp.
Tuy nhiên, Australia quyết định tổ chức bắn pháo hoa mừng năm mới 2022. Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi dân chúng tận hưởng buổi tối, còn thủ hiến bang New South Wales Dominic Perrottet nói mọi người “hãy ra ngoài và đón mừng năm mới”.
Giới chức Hàn Quốc hủy lễ đánh chuông truyền thống vào giao thừa 2022, đây là năm thứ hai liên tiếp họ đưa ra quyết định này. Hàn Quốc thông báo gia hạn quy định về giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn để đối phó đợt gia tăng ca nhiễm.
Trong khi đó, Triều Tiên được cho đang chuẩn bị cho lễ đón năm mới với màn bắn pháo hoa và trình diễn ca nhạc trên quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng. Triều Tiên kiểm soát biên giới chặt chẽ từ khi Covid-19 xuất hiện và tới nay chưa ghi nhận ca nhiễm nào.
Trong năm 2021, nhiều loại vaccine Covid-19 được phê duyệt và chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng trở thành xương sống cho chiến lược ứng phó đại dịch với gần 4,8 tỉ mũi đã được triển khai. Tuy nhiên, Covid-19 khiến gần 287 triệu người nhiễm và 5,4 triệu người tử vong, trở thành một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại sau dịch cúm năm 1918.
Giới hoạch định chính sách cùng các nhà khoa học cảnh báo Covid-19 sẽ tiếp tục làm thế giới đau đầu trong năm 2022 và xa hơn nữa, cho đến thời điểm miễn dịch toàn cầu đủ lớn để nó trở thành bệnh đặc hữu.
Pháp sư làm lễ tiên tri cho năm mới 2022 tại Lima, Peru ngày 29/12. Ảnh: AFP