Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. (Ảnh: New York Times)
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Trump: Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions, ngày 07/11 đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Donald Trump.
Quyết định của ông Sessions được thông báo chỉ 1 ngày sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ. Trong thư gửi Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cho biết ông đã đệ đơn xin từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Trump.
Quyền Bộ trưởng Tư pháp Matthew Whitaker sẽ phụ trách mọi vấn đề liên quan tới Bộ Tư pháp bao gồm cả cuộc điều tra Nga hiện đang do thứ trưởng Rod Rosenstein giám sát.
Việc ông Sessions từ chức được dự báo là khởi đầu của một loạt sự ra đi của các quan chức cấp cao trong nội các của Tổng thống Trump trong thời gian tới. Ông Trump dự kiến sẽ cải tổ đội ngũ Nhà Trắng nhằm mục đích tái tranh cử vào năm 2020.
Lính danh dự rước cờ qua lễ đài trong cuộc duyệt binh. (Ảnh: Reuters)
Nga kỷ niệm 77 năm Cuộc duyệt binh huyền thoại trên Quảng trường Đỏ: Ngày 7/11, tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga diễn ra một loạt các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày diễn ra Cuộc duyệt binh huyền thoại năm 1941.
Cuộc diễu binh năm nay có 12 nghìn người tham gia với 3.500 quân nhân đến từ các đơn vị vũ trang và học viên trường quân sự tại thủ đô Moscow cùng các loại thiết bị quân sự đã làm nên lịch sử trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại năm 1941 như pháo vác vai Katyusha, xe tăng T-34, xe bọc thép, xe máy...
Cuộc diễu binh đã tái hiện sinh động và chân thực sự kiện diễn ra 77 năm về trước cả về trang phục, vũ khí, khí tài, phối cảnh, âm nhạc... Đây cũng là lần đầu tiên tại cuộc diễu binh hàng năm nay bản sao lá cờ chiến thắng tung bay trên Quảng trường Đỏ. Ngay sau cuộc diễu binh, các khí tài quân sự tham gia sự kiện này được trưng bày trên Quảng trường Đỏ để mọi người đến tham quan và chụp ảnh kỷ niệm.
Ông Kim Yong-chol (trái) và Ngoại trưởng Pompeo trong cuộc gặp tại New York cuối tháng 5/2018. (Ảnh: BNG Mỹ)
Ngoại trưởng Mỹ hoãn cuộc gặp với quan chức cấp cao Triều Tiên: Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/11 thông báo cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức Triều Tiên ấn định vào ngày 8/11 tại New York đã bị hoãn và sẽ được sắp xếp lại khi điều kiện cho phép.
Hiện chưa rõ nguyên nhân chính xác của việc hoãn cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ và các quan chức Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ dự định hội đàm với quan chức cấp cao Triều Tiên Kim Yong Chol với hi vọng mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cũng như đạt được tiến triển trong vấn đề phi hạt nhân hóa.
Bà Annegret Kramp-Karrenbauer. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng Thư ký CDU tuyên bố ứng cử vào chức chủ tịch đảng: Ngày 7/11, Tổng Thư ký đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Annegret Kramp-Karrenbauer chính thức tuyên bố sẽ ra ứng cử vào vị trí Chủ tịch CDU tại đại hội của đảng này, dự kiến diễn ra ở thành phố Hamburg vào tháng 12 tới.
Chủ tịch đảng CDU hiện nay là Thủ tướng Angela Merkel. Việc bà Kramp-Karrenbauer quyết định ra ứng cử chức Chủ tịch CDU diễn ra sau khi Thủ tướng Merkel hôm 29/10 vừa qua tuyên bố sẽ không tiếp tục tham gia tranh cử vào vị trí này.
Trước đó, cựu lãnh đạo nhóm nghị sỹ liên đảng CDU/CSU trong Quốc hội liên bang, ông Fiedrich Merz, 62 tuổi, đã chính thức tuyên bố ứng cử vào vị trí Chủ tịch CDU. Ngoài ra, còn một ứng viên khác cho vị trí này là Bộ trưởng Y tế Jens Spahn (Gien Xpan).
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)
Đảng Dân chủ Mỹ giành Hạ viện, đảng Cộng hòa giữ Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ: Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11 đã chứng kiến chiến thắng của đảng Dân chủ ở hạ viện, trong khi đảng Cộng hòa tiếp tục nắm quyền kiểm soát thượng viện.
Với kết quả này, đảng Dân chủ đã hoàn thành mục tiêu đề ra ban đầu là giành lại hạ viện để ngăn cản các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đảng Dân chủ sẽ nắm trong tay quyền điều tra thuế của Tổng thống Trump và những xung đột lợi ích tiềm tàng, đồng thời thách thức các chính sách mà Trump theo đuổi trong mối quan hệ với Triều Tiên, Nga hay Arab Saudi.
Khi đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát hạ viện, ông Trump sẽ phải đối diện với nguy cơ bị luận tội nếu có đủ bằng chứng cho thấy chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông thông đồng với Nga. Tuy nhiên, quốc hội không thể phế truất ông Trump nếu 2/3 thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát không đồng tình.