Thế giới ngày qua: Đảng đối lập Zimbabwe tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử

(Baohatinh.vn) - Đảng đối lập Zimbabwe tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử; Cục trưởng Hàng không Malaysia từ chức sau báo cáo vụ mất tích máy bay MH370... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 31/7 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Zimbabwe vẫn đang chờ đợi kết quả bầu cử chính thức. (Ảnh: Daily Express)

Đảng đối lập Zimbabwe tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử: Quan chức cấp cao thuộc đảng đối lập Phong trào vì Sự thay đổi Dân chủ (MDC) Tendai Biti của Zimbabwe ngày 31/7 thông báo, lãnh đạo của MDC, ông Nelson Chamisa đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tại nước này, đồng thời cho biết những kết quả đang bị các quan chức cố tình trì hoãn công bố.

Ông Biti nêu rõ: "Những kết quả cho thấy, sau sự nghi ngờ có cơ sở, chúng tôi đã chiến thắng và Tổng thống tiếp theo của Zimbabwe là ông Nelson Chamisa."

Cuộc bầu cử được tiến hành trong bối cảnh Zimbabwe đang đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng, đồng tiền mất giá, đất nước kiệt quệ, nghèo đói và tỷ lệ thất nghiệp ước tính 90%.

Ông Azharuddin Abdul Rahman. (Ảnh: AFP)

Cục trưởng Hàng không Malaysia từ chức sau báo cáo vụ mất tích máy bay MH370: Ngày 31/7, Cục trưởng Hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman đã từ chức sau khi báo cáo điều tra về máy bay MH370 mất tích của Hãng hàng không Malaysia Airlines cho thấy có sai sót tại trung tâm kiểm soát không lưu ở Kuala Lumpur.

Trước đó, trong báo cáo dài 495 trang công bố ngày 30/7, các nhà điều tra cho biết các chức năng điều khiển máy bay dường như đã điều chỉnh có chủ đích để khiến máy bay đi chệch hướng so với lộ trình, song họ không thể xác định được ai là người chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh đến sai sót của cơ quan kiểm soát không lưu. Báo cáo nêu rõ các nhân viên kiểm soát không lưu đã không thực hiện các bước khẩn cấp tiêu chuẩn, cũng như không có ghi nhận nào cho thấy họ đã hành động để cảnh báo lực lượng không quân hay theo dõi sát sát sao màn hình radar.

Phái đoàn quân sự Hàn Quốc và Triều Tiên tại bàn đàm phán tại Panmunjom ngày 31/7. (Ảnh: Yonhap)

Triều Tiên và Hàn Quốc đàm phán quân sự cấp tướng: Triều Tiên và Hàn Quốc ngày 31/7 tổ chức cuộc đàm phán quân sự cấp tướng tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở khu phi quân sự (DMZ) nằm giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi Mỹ thông báo phát hiện dấu hiện cho thấy Triều Tiên nối lại hoạt động tại một nhà máy tên lửa ở nước này.

Đây là cuộc đàm phán quân sự lần thứ 2 kể từ tháng 6/2018. Phái đoàn mỗi nước gồm 5 thành viên, do thiếu tướng Hàn Quốc Kim Do-gyun và trung tướng Triều Tiên An Ik-san dẫn đầu.

Cuộc đàm phán tập trung thảo luận các biện pháp nhằm xuống thang căng thẳng và loại bỏ một cách thiết thực nguy cơ chiến tranh tại bán đảo.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. (Ảnh: Reuters)

Thái Lan yêu cầu Anh dẫn độ cựu Thủ tướng Yingluck: Theo BBC, trong thông tin được công bố với báo chí hôm 31/7, Đại sứ quán Thái Lan tại thủ đô London, Anh ngày 5/7 đã gửi một công hàm đính kèm với các tài liệu tòa án và lệnh bắt giữ, yêu cầu chính quyền Anh dẫn độ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra về Thái Lan.

Việc đưa ra yêu cầu dẫn độ dựa trên hiệp ước dẫn độ được ký giữa Anh và Xiêm (tên trước kia của Thái Lan) vào năm 1911 về việc gửi các công dân phạm tội chạy trốn về nước.

Trong công hàm của Đại sứ quán Thái Lan gửi đi nêu rõ về hành vi của bà Yingluck sau khi bị toà tối cao luận tội. Bà Yingluck bị phạt tù 5 năm theo Bộ luật hình sự năm 1999 của Thái Lan.

Cây cầu Kerch nối liền Nga với bán đảo Crimea trước lễ khánh thành ngày 15/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

EU áp đặt trừng phạt 6 công ty Nga liên quan bán đảo Crimea: Liên minh châu Âu (EU) ngày 31/7 công bố đóng băng tài sản đối với 6 công ty Nga tham gia vào việc xây dựng cây cầu đường bộ và đường sắt mới nối Nga với Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga từ năm 2014, một quyết định mà EU coi là bất hợp pháp.

Trước đó, tháng 5 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố kế hoạch xây dựng cây cầu Kerch trị giá 3,6 tỷ USD nối liền Nga với bán đảo Crimea.

Quyết định này bị EU chỉ trích và coi là vi phạm chủ quyền của Ukraine.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói