Thế giới ngày qua: Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến Triều Tiên

(Baohatinh.vn) - Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến Triều Tiên; Hơn 3 triệu cử tri Anh ký đơn kiến nghị phản đối Brexit... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 22/3 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới ngày qua: Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến Triều Tiên: Theo Reuters, ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã ra lệnh rút lại những biện pháp trừng phạt có liên quan đến Triều Tiên do Bộ Tài chính Mỹ công bố gần đây.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: "Những lệnh trừng phạt quy mô lớn do Bộ Tài chính công bố hôm nay đã được bổ sung vào những lệnh trừng phạt đã tồn tại từ trước nhằm vào Triều Tiên. Hôm nay, tôi đã ra lệnh rút lại những lệnh trừng phạt bổ sung đó."

Hiện chưa rõ chính xác ông Trump đề cập tới những biện pháp trừng phạt nào.

Tuy nhiên, chiều 21/3 (giờ Mỹ), Washington đã liệt 2 công ty tàu biển của Trung Quốc vào danh sách đen, với cáo buộc hỗ trợ Triều Tiên né tránh các lệnh trừng phạt của Washington có liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời đưa ra một bản danh sách tư vấn cập nhật về 67 tàu thuyền liên quan tới các giao dịch xăng dầu hoặc được cho là đã nhập than của Triều Tiên.

Thế giới ngày qua: Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến Triều Tiên

Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: CNN)

Hơn 3 triệu cử tri Anh ký đơn kiến nghị phản đối Brexit: Tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu lâm vào bế tắc, trong 2 ngày 21 và 22/3, có hơn 3,1 triệu người đã ký vào đơn kiến nghị trên mạng phản đối Brexit.

Chỉ cần vượt ngưỡng 100.000 chữ ký, vấn đề có thể được đưa ra tranh luận tại Nghị viện Anh. Thành công của lá đơn kiến nghị do một công dân Anh kêu gọi và đăng trên website của Nghị viện Anh là một minh chứng rõ ràng cho thấy mức độ lo ngại ngày càng tăng của người dân Anh đối với tương lai của tiến trình Brexit, cũng như của đất nước.

Theo kết quả một cuộc trưng cầu ý dân công bố cũng trong ngày 22/3, cứ 10 người dân Anh được hỏi thì 4 người cho biết họ cảm thấy tức giận, bất lực hoặc lo lắng khi thời hạn Anh chính thức rời Liên minh châu Âu đang tới gần.

Trước đó, tối 21/3, Thủ tướng Theresa May đã chấp nhận 2 kịch bản mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với yêu cầu lùi thời hạn Brexit. Theo đó, Anh sẽ rời Liên minh châu Âu sớm nhất là vào ngày 12/4 hoặc là vào ngày 22/5 trước khi Liên minh châu Âu bước vào các cuộc bầu cử quan trọng.

Thế giới ngày qua: Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến Triều Tiên

Người biểu tình "Áo vàng" tập trung tại thủ đô Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cảnh sát Pháp cấm biểu tình "Áo vàng" tại Đại lộ Champs-Elysees: Ngày 22/3, cảnh sát Paris tuyên bố không có cuộc biểu tình "Áo vàng" được phép diễn ra trên Đại lộ Champs-Elysees vào ngày 23/3, chỉ một tuần sau khi hàng trăm người biểu tình chống Chính phủ Pháp cướp phá khu vực biểu tượng của thủ đô Paris này.

Theo Văn phòng Cảnh sát trưởng Paris, những người biểu tình cũng sẽ bị ngăn xuống đường tại khu vực xung quanh Khải Hoàn Môn, phía đầu của Đại lộ Champs-Elysees, cũng như những khu vực lân cận trong đó có Điện Elysees và Quốc hội.

Trước đó, Chính phủ Pháp đã thông báo sẽ triển khai binh sỹ bảo vệ các cơ sở công cộng, cho phép cảnh sát ngăn chặn và đối phó với các cuộc biểu tình do lực lượng "Áo vàng" tổ chức trong trường hợp lại nổ ra bạo động tại thủ đô Paris và các thành phố khác vào cuối tuần này.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã quyết định hủy chuyến công du vào cuối tuần tới Guiana, vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp nằm trên bờ biển Đại Tây Dương ở phía Bắc của Nam Mỹ, trong tình hình đặc biệt hiện nay.

Thế giới ngày qua: Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến Triều Tiên

Lễ khai trương văn phòng liên lạc liên Triều ở thành phố Kaesong. (Ảnh: Hankyoreh)

Triều Tiên bất ngờ rút nhân viên khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều: Giới chức Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên ngày 22/3 đã đột ngột rút các nhân viên của nước này ra khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều.

Diễn biến mới này có nguy cơ làm tổn hại quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, gây khó khăn cho chính sách ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trước đó, cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 2/2019 tại Hà Nội đã kết thúc mà không có thỏa thuận chung do bất đồng về các biện trừng phạt giữa hai bên.

Theo Bộ thống nhất Hàn Quốc, đại diện phía Triều Tiên đã thông báo cho họ trong cuộc gặp vào ngày 22/3 về việc rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều theo chỉ thị từ các cấp cao hơn. Vẫn chưa rõ việc rút các nhân viên từ phía Triều Tiên chỉ là tạm thời hay lâu dài. Phía Triều Tiên cho biết họ “không quan tâm đến việc đội ngũ nhân viên của Hàn Quốc sẽ rời khỏi hay tiếp tục làm việc tại văn phòng” và sẽ thông báo cho Seoul về các vấn đề phát sinh sau đó.

Văn phòng liên lạc liên Triều được mở ở thành phố Kaesong vào tháng 9/2018 như một phần của các bước đi tái hòa giải. Đây cũng là văn phòng liên lạc chung đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 1945. Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc Cho Myong Gyon khi đó gọi đây là "một biểu tượng khác cho hòa bình được kiến tạo bởi miền Nam và miền Bắc".

Thế giới ngày qua: Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến Triều Tiên

Biểu tượng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington DC., Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

IMF không công nhận "tổng thống tự phong" của Venezuela: Ngày 21/3, người phát ngôn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gerry Rice thông báo thể chế tài chính toàn cầu này không công nhận tư cách “tổng thống tạm quyền” tự xưng của nghị sỹ Venezuela Juan Guaidó.

Ông Rice cho biết nguyên nhân là do “vẫn chưa rõ ràng” về quan điểm giữa các thành viên của tổ chức này trong việc công nhận ông Guaido, đồng thời cũng khẳng định Ban Giám đốc điều hành chưa có lịch trình về việc bỏ phiếu cho quyết định liên quan.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) đã trở thành thể chế tài chính đa phương đầu tiên công nhận ông Guaido. IMF và BID đều được cho là có quan điểm thân Mỹ và là nơi Washington, với sự ủng hộ của các đồng minh, có khả năng kiểm soát phiếu bầu được tính theo tỷ lệ đóng góp.

Thủ lĩnh đối lập Guaido, 35 tuổi, tự xưng là "tổng thống lâm thời" từ ngày 23/1 vừa qua và nhận được sự ủng hộ của Mỹ và hơn 50 quốc gia khác. Trong khi đó, ông Nicolas Maduro vẫn là tổng thống chính thức tái đắc cử trong cuộc bầu cử mới nhất năm 2018.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.