Lực lượng an ninh điều tra tại hiện trường vụ nổ bên trong nhà thờ ở Negombo, phía bắc thủ đô Colombo của Sri Lanka, ngày 21/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Số người thiệt mạng trong loạt vụ nổ ở Sri Lanka tăng lên 207: Tổng cộng 8 vụ nổ đã xảy ra trong ngày 21/4 tại các nhà thờ Thiên Chúa giáo và các khách sạn hạng sang ở thủ đô Colombo, thị trấn Batticalao, Negombo và các khu vực ngoại ô thủ đô là Dehiwela và Dematagoda, làm 207 người thiệt mạng và 450 người bị thương, trong đó có ít nhất 35 người nước ngoài.
Chính phủ Sri Lanka đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau, có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài "cho đến khi có thông báo tiếp theo."
Hiện chưa có tổ chức hay cá nhân nào thừa nhận tiến hành vụ việc. Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho hay 8 nghi phạm đã bị bắt. Ông bày tỏ lo ngại bạo lực có thể khiến tình hình kinh tế, xã hội của đất nước trở nên bất ổn.
Trong buổi lễ Phục Sinh tổ chức tại Vatican, Giáo Hoàng Francis đã lên án các vụ tấn công ở Sri Lanka là "hành động bạo lực tàn ác" và bày tỏ sát cánh với cộng đồng Thiên Chúa giáo. Tại Jerusalem, Giáo hội Cơ đốc Giáo bày tỏ chia buồn và "cầu nguyện cho linh hồn của những người thiệt mạng và cầu mong những người bị thương mau chóng bình phục."
Ứng viên Zelensky đang có cơ hội đắc cử Tổng thống Ukraine rất cao. (Ảnh: CNN)
Ukraine bắt đầu bầu cử Tổng thống vòng 2: Ngày 21/4, đông đảo cử tri Ukraine đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 tại nước này, với “màn so găng” quyết liệt giữa hai ứng cử viên hàng đầu là đương kim Tổng thống Petro Poroshenko và người đang dẫn đầu tại vòng một Vlodymyr Zelensky.
Các điểm bỏ phiếu trên khắp Ukraine chính thức mở cửa lúc 8h giờ địa phương và đóng cửa lúc 20h cùng ngày.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất trước thềm cuộc bỏ phiếu vòng 2 đều cho thấy, ứng cử viên Zelensky, một danh hài có tiếng tại Ukraine đang là nhân vật dẫn đầu cuộc đua, với hơn 70% ý kiến ủng hộ. Theo nhiều nhà phân tích, một chiến thắng đang nằm chắc trong tay ông Zelensky, một điều không tưởng cách đây gần 5 tháng khi ông thông báo quyết định tham gia tranh cử.
Diễn ra 5 năm sau các sự kiện trên quảng trường Maidan, dẫn đến việc lật đổ chính quyền hợp tác với Nga để chuyển hẳn sang định hướng thân phương Tây, cuộc bầu cử lần này sẽ quyết định tương lai của Ukraine: tiếp tục hướng Tây hay trở lại thời kỳ hướng Đông.
Cử tri Thái Lan bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Bangkok ngày 24/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Sáu địa điểm thuộc 5 tỉnh của Thái Lan phải bỏ phiếu lại: Truyền thông sở tại đưa tin, ngày 21/4, Thái Lan đã tổ chức bầu cử lại ở 6 địa điểm bỏ phiếu thuộc 5 tỉnh của nước này. Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) đã quyết định tổ chức bỏ phiếu lại tại các địa phương trên sau khi phát hiện số cử tri đi bỏ phiếu và tổng số phiếu thu được không khớp nhau.
Cùng ngày, ông Lertwiroj Kowattana, chuyên viên EC cho biết, cơ quan này nhận được hơn 300 đơn khiếu kiện liên quan đến nghi vấn gian lận bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử ngày 24/3 vừa qua, nhưng hầu hết các khiếu kiện trên không đủ cơ sở để tiến hành bỏ phiếu lại. Theo đánh giá của giới quan sát, kết quả bỏ phiếu lại sẽ không làm thay đổi đáng kể kết quả bầu cử dự kiến được chính thức công bố vào ngày 9/5 tới.
Hàng nghìn người biểu tình tập trung bên ngoài tổng hành dinh quân đội ở thủ đô Khartoum, phản đối Hội đồng quân sự chuyển tiếp điều hành đất nước, ngày 18/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Saudi Arabia và UAE cam kết hỗ trợ Sudan 3 tỷ USD: Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 21/4 thông báo 2 nước này sẽ hỗ trợ 3 tỷ USD cho Sudan, sau khi Tổng thống nước này Omar al-Bashir bị phế truất hôm 11/4 vừa qua.
Theo hãng thông tấn Saudi (SPA), Saudi Arabia và UAE cam kết gửi 500 triệu USD vào Ngân hàng Trung ương Sudan và trợ giúp 2,5 tỷ USD dưới các hình thức cung cấp lương thực, thuốc men và các sản phẩm dầu mỏ.
Quân đội Sudan đã bắt giữ Tổng thống al-Bashir ngày 11/4 vừa qua sau làn sóng biểu tình kéo dài từ cuối năm 2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, đồng thời bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Sau khi phế truất Tổng thống al-Bashir, quân đội Sudan đã lập Hội đồng quân sự chuyển tiếp lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chờ chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tòa án tối cao Afghanistan gia hạn nhiệm kỳ của Tổng thống Ghani: Ngày 21/4, Tòa án tối cao Afghanistan thông báo đã gia hạn nhiệm kỳ của Tổng thống Ashraf Ghani cho đến khi tiến hành cuộc bầu cử tổng thống mới.
Tổng thống Ashraf Ghani sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 22/5 tới. Theo kế hoạch ban đầu, cuộc bầu cử tổng thống mới dự kiến diễn ra vào ngày 20/4. Tuy nhiên, Afghanistan vừa tổ chức bầu cử Quốc hội vào tháng 10/2018 và giới chức bầu cử chưa sẵn sàng để tổ chức một cuộc bầu cử mới nhanh như vậy, do đó ủy ban bầu cử Afghanistan quyết định lùi cuộc bầu cử tổng thống đến ngày 20/7, sau đó tiếp tục lùi đến ngày 28/9 vì vẫn phải chờ một số kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử quốc hội.
Cuộc bầu cử bị trì hoãn trong bối cảnh Mỹ cố gắng đàm phán một thỏa thuận hòa bình với phiến quân Taliban tại Afghanistan và một số ý kiến cho rằng cuộc bầu cử bị trì hoãn nhằm tạo thêm không gian cho các cuộc đàm phán. Các ứng cử viên tổng thống và chính trị gia phe đối lập tại Afghanistan kêu gọi thành lập một chính phủ lâm thời để lấp khoảng chống từ lúc Tổng thống Ashraf Ghani mãn nhiệm đến khi cuộc bầu cử mới diễn ra. Tuy nhiên, tòa án tối cao yêu cầu các ứng cử viên tổng thống tôn trọng quyết định hoãn bầu cử.