Công nhân sửa sang bên ngoài tòa nhà đại sứ quán của UAE ở Damascus hồi đầu tuần này. (Ảnh: almasdarnews)
UAE mở lại đại sứ quán ở Damascus: Ngày 27/12, Đại sứ quán Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã chính thức mở trở lại tại Syria sau 7 năm.
Như vậy, UAE là quốc gia đầu tiên trong Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC) nối lại hoạt động ngoại giao tại Syria.
Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao UAE khẳng định việc mở cửa trở lại cơ quan ngoại giao của nước này tại Syria nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và nhằm giảm thiểu những nguy cơ từ sự can thiệp khu vực đối với "các vấn đề Arab và Syria."
UAE đã đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Syria tại thời điểm các cuộc xung đột bắt đầu nổ ra tại quốc gia Trung Đông này vào năm 2011.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak phát biểu với báo giới tại cuộc họp Ủy ban Giám sát hỗn hợp OPEC và ngoài OPEC (JMMC) lần thứ 10 ở Muscat, Oman ngày 21/1/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nga bác khả năng thành lập một thể chế chung với OPEC: Ngày 27/12, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết nhiều khả năng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu mỏ khác sẽ không thành lập một thể chế chung do lo ngại những thủ tục rườm rà mà thể chế này sẽ tạo ra, cũng như nguy cơ Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan tới tính độc quyền.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Moskva, Bộ trưởng Novak cho biết OPEC và các nước ngoài OPEC nhất trí rằng sẽ không thành lập một thể chế chung bởi một tổ chức như vậy sẽ đòi hỏi một bộ máy hành chính phức tạp liên quan tới vấn đề tài chính và liên minh với phía Mỹ. Ông cho rằng các nước không thuộc OPEC sẽ không đồng ý do không muốn bị áp đặt trừng phạt.
Trước đó, Bộ Năng lượng Nga cho biết Nga và OPEC mà nòng cốt là Saudi Arabia đã đạt được thỏa thuận chung rằng cần thể chế hóa OPEC+ tới ít nhất năm 2019 để giám sát thị trường và đưa ra hành động chung nếu cần.
Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mỹ kiểm tra sức khỏe với mọi trẻ di cư sau cái chết của bé trai người Guatemala: Trong một tuyên bố đưa ra ngày 26/12, Bộ trưởng An ninh nội địa Kirstjen Nielsen nhấn mạnh tất cả trẻ em tại trung tâm giam giữ của lực lượng Tuần tra biên giới Mỹ sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng thể, và quy trình này sẽ được tiến hành sớm nhất có thể sau khi những đứa trẻ này bị bắt giữ dù người lớn đi kèm theo trẻ có yêu cầu hay không. Bộ trưởng Nielsen nhấn mạnh những người di cư, đặc biệt là trẻ em, ngày càng đối mặt với mối đe dọa về y tế và bệnh tật vì họ phải vượt qua quãng đường dài, nguy hiểm.
Quyết định trên được đưa ra sau khi xảy ra vụ một cậu bé người Guatemala bị chết tại một trung tâm giam giữ của lực lượng tuần tra biên giới Mỹ trước đó vài ngày.
Cái chết của bé trai nêu trên xảy ra sau một trường hợp tương tự hồi đầu tháng với một bé gái 7 tuổi người Guatemala khi hai cha con người này bị lực lượng biên phòng giam giữ ở một nơi hẻo lánh cũng thuộc bang New Mexico.
Ảnh minh họa. (Nguồn: KBS News)
Khám xét Văn phòng Cố vấn thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc: Viện công tố Hàn Quốc ngày 26/12 đã tiến hành khám xét hai phòng làm việc thuộc Văn phòng Cố vấn về các vấn đề dân sinh thuộc Phủ Tổng thống.
Đó là phòng làm việc của Thư ký Phòng chống tham nhũng và của Ban Thanh tra đặc biệt Phủ Tổng thống. Cơ quan chức năng đã tiến hành khám xét các máy tính và USB của Thư ký Phòng chống tham nhũng Park Hyeong-cheol và cựu Trưởng Ban thanh tra đặc biệt Lee In-geol.
Quá trình khám xét tập trung vào việc thu giữ các báo cáo của ông Kim Tae-woo, cựu điều tra viên của Ban thanh tra đặc biệt Phủ Tổng thống.
Một nguồn tin từ Cơ quan công tố Hàn Quốc cho biết các công tố viên sẽ xác định xem nội dung báo cáo của điều tra viên Kim Tae-woo có vi phạm pháp luật hay không, và có dính líu tới các quan chức cấp cao thuộc Phủ Tổng thống hay không.
Trước đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 19/12 đã tố cáo ông Kim lên Viện Công tố Hàn Quốc về hành vi làm rò rỉ bí mật công vụ. Viện Công tố sẽ dựa trên kết quả thanh tra để điều tra. Lo ngại ông Kim sẽ bỏ trốn, Viện Công tố Hàn Quốc đã ban lệnh cấm ông này xuất cảnh.
Cựu Thứ trưởng An ninh Mã Kiện trước khi bị "sờ gáy". (Ảnh: SCMP)
Cựu thứ trưởng an ninh Trung Quốc lãnh án chung thân: Tờ China Daily ngày 27/12 đưa tin sau thời gian dài điều tra và xét xử, cựu Thứ trưởng An ninh Quốc gia Trung Quốc Mã Kiện (Ma Jian) đã bị tuyên án tù chung thân vì tội tham nhũng và giao dịch nội gián.
Theo Tân Hoa xã, trước đó, các nhà điều tra chống tham nhũng Trung Quốc đã bắt giữ ông Mã Kiện trong một vụ án tham nhũng được cho là có liên quan đến Tập đoàn công nghệ Phương Chính (Founder Group), một doanh nghiệp công nghệ thuộc quản lý của Đại học Bắc Kinh.
Ông Mã Kiện, một trong những quan chức tình báo cấp cao của Trung Quốc, từng được coi là một ứng cử viên nặng ký cho chức Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia (Bộ Quốc an). Ông có mối quan hệ gần gũi với Giám đốc Điều hành Tập đoàn Phương Chính Lý Hữu. Lý Hữu bị kết tội cung cấp tài chính cho một số người thân của cựu thứ trưởng này để tiến hành các hoạt động mua bán chứng khoán thu nhiều lợi nhuận.