Cái gì đang "giết chết" bóng đá Anh?

Năm 2012 mới chớm hết tháng 3, nền bóng đá Anh đã gặp đại họa toàn diện. Ở cấp độ ĐTQG, họ đang khủng hoảng vị trí HLV khi EURO 2012 đã cận kề.


Tại đấu trường châu lục, những tên tuổi như Man United, Arsenal, Man City, Tottenham đã bị loại. Đến thời điểm này, Premiership chỉ còn đúng Chelsea tại châu Âu.

Tuy nhiên, điều này là sự bất ngờ “rất hợp lý” bởi nó là hệ quả của sự ảo tưởng và sai lầm có hệ thống của người Anh.

1. Sự ảo tưởng được tạo ra bởi truyền thông

Nước Anh có một nền truyền thông cực mạnh. Trong số 100 tờ báo lớn nhất thế giới về số lượng phát hành, quốc gia này sở hữu 7 tờ: The Sun (thứ 9), Daily Mail (11), Daily Mirror (27), Daily Telegraph (63), Daily Express (82), Daily Star (84). Đó chưa phải chi tiết quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là tất cả các tờ báo này, với truyền thống của quê hương bóng đá, đều đặc biệt chú trọng mảng tin tức và bình luận bóng đá với một tỷ trọng lớn.

Sự phát triển quá mạnh của truyền thông Anh khiến bóng đá Anh mắc bệnh ảo tưởng

Sự phát triển quá mạnh của truyền thông Anh khiến bóng đá Anh mắc bệnh ảo tưởng


Chi tiết quan trọng thứ 2 là họ sử dụng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới và dễ dàng gây hiệu ứng dư luận đến phần còn lại của thế giới. Tokyo Sports có thể là tờ báo thể thao lớn nhất thế giới (doanh số kém The Sun chút đỉnh), nhưng có lẽ… rất ít người ngoài biên giới nước Nhật biết nó viết gì.

Điều thứ 3 tạo ra ảnh hưởng đặc biệt của báo chí Anh với bóng đá là văn hóa báo chí: trong số 7 tờ báo thế lực kể trên, thì có tới 3 tờ thuộc loại “lá cải” (tabloid), nghĩa là chuyên tin tức hậu trường, chuyện ngôi sao, tin đồn của thể thao và showbiz là The Sun, Daily Star và Daily Mirror. Đây là mô hình báo chí phổ biến nhất của Vương quốc Anh.

Sự phát triển cực thịnh của báo chí Anh tạo ra một hệ quả tất yếu là ấn tượng về một nền bóng đá lớn, bởi đơn giản là các cầu thủ và CLB của Anh sẽ dễ dàng trở nên nổi tiếng hơn so với các quốc gia không có văn hóa báo chí tương tự. Điều này sẽ tạo ra sự ảo tưởng về sức mạnh của nền bóng đá. Họ có một cái tên nổi tiếng, và nhiều người tin rằng họ hùng mạnh.

CON SỐ:

Có thể dễ dàng nhìn thấy lợi thế của việc mang quốc tịch Anh qua một ví dụ: theo báo cáo của hãng Brand Finance năm 2011, Everton, đội bóng vô địch nước Anh lần gần nhất năm 1987 và đang nợ 50 triệu euro (trong tổng giá trị CLB chưa đầy 100 triệu), được định giá trị thương hiệu tới 38 triệu euro. Trong khi đó, nhà cựu vô địch Serie A Lazio chỉ có thương hiệu trị giá 34 triệu euro, còn ông lớn Bồ Đào Nha Benfica sở hữu cái tên trị giá 36 triệu.

2.Chi tiền không tiếc tay để tìm thành công


Không cần phải nói nhiều về việc các giải bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu Anh (bao gồm cả Premiership và Championship) luôn là những người dẫn đầu châu Âu về sự táo bạo trong chi tiêu. Sự chủ quan đến từ giá trị thương hiệu lớn xuất hiện ở cả những CLB nhỏ của Premiership: các nhà tài trợ luôn hào phóng với nước Anh, cơ hội quá lớn đến từ suất chia BQTH (được phân chia theo thứ bậc), cũng như việc BQTH Champions League của Anh cũng cao hơn so với phần còn lại của châu Âu, khiến cho họ không tiếc tiền trên TTCN để tìm kiếm thành công.

Thủ môn Craig Gordon

Thủ môn Craig Gordon


Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho khả năng “đốt tiền” của các CLB Anh là việc Sunderland sẵn sàng chi ra 9 triệu bảng để mua thủ môn vô danh Craig Gordon từ Hearts (Scotland) năm 2007, cho dù vừa mới lên hạng năm đó. Ở thời điểm đó, Gordon là thủ môn đắt giá thứ 4 trong lịch sử bóng đá thế giới, chỉ sau Buffon, Demirel và Peruzzi. (tính đến trước vụ chuyển nhượng De Gea của Man United)

Không dừng ở đó, họ liên tục phá vỡ mọi kỷ lục về lương bổng để thu hút và giữ chân những ngôi sao tốt nhất thế giới. Điều này tạo ra một cuộc đua ngầm trong nội bộ giải đấu, đẩy lương của cả những cầu thủ bậc trung tại đây lên cao ngất. Trước khi chuyển sang QPR, lương của tiền đạo Bobby Zamora ở Fulham là 45.000 bảng/tuần (53.000 euro), cao hơn cả lương của nhạc trưởng Jeremy Toulalan trong thời cực thịnh của Lyon (48.000 euro/tuần).

CON SỐ:
Từ năm 1995-2000, nghĩa là trước khi Premiership sở hữu hợp đồng BQTH giá trị nhất thế giới với SkySport, bóng đá Anh đã chứng kiến một cuộc đại nhảy vọt của lương bổng, với mức tăng trung bình 28%/năm. Đến nay, tỷ lệ chi phí lương/tổng doanh thu của giải đấu đã lên đến 60%.

3.Nợ nần chồng chất

Để theo đuổi cuộc đua vũ trang, các CLB thường xuyên phải chấp nhận chi nhiều hơn doanh thu, vay nợ với lãi suất cắt cổ. Bản thân họ, cũng như các nhà tín dụng chấp nhận cho vay, có một niềm tin chắc nịch về tương lai: tương lai được đảm bảo bằng hợp đồng BQTH trị giá hàng tỷ bảng với SkySport, và giá trị thương hiệu hàng đầu châu Âu (thứ hoàn toàn là “ảo”).

Vì nợ nần mà Portsmouth đã phải nộp đơn bảo hộ phá sản

Vì nợ nần mà Portsmouth đã phải nộp đơn bảo hộ phá sản


Điều trớ trêu nhất là trong số các CLB Premiership hiện nay, chỉ có Wolves là không nợ. Xếp sau Wolves là Stoke City, CLB chỉ nợ 8 triệu bảng cho đến báo cáo tài chính mùa Hè năm 2011.

Hiện Premiership vẫn đang là giải đấu có tổng số nợ lớn nhất châu Âu. Vụ sụp đổ tín dụng của Premiership đã diễn ra từ thập kỷ trước, với việc Leeds United dù đã lọt vào tới bán kết Champions League, vẫn phải bán tháo cầu thủ và chấp nhận xuống hạng. Nợ liên tục tăng cho đến ngưỡng không tưởng 3 tỷ bảng trong năm 2009. Portsmouth trở thành CLB đầu tiên trong lịch sử giải đấu nộp đơn bảo hộ phá sản. Chính phủ Anh đã lên tiếng gây áp lực bắt FA phải ra tay. Nhưng chưa có nhiều dấu hiệu thay đổi.

4.Khát danh hiệu, chịu áp lực thành tích

Sự đầu tư quá lớn vào TTCN và lương cầu thủ khiến cho áp lực thành công của Premiership lớn hơn bội phần. Sẽ rất khó để một vị chủ tịch hay một HLV xây dựng một chiến lược phát triển bóng đá dài hơi tại giải đấu này. Nếu muốn làm vậy, họ sẽ bị tụt lại như một hệ quả tất yếu, bởi các CLB xung quanh vẫn đang vãi tiền như điên. Cách duy nhất để tồn tại là đuổi theo đám đông.

Các CLB Anh ngày càng chơi rắn để đạt được thành tích

Các CLB Anh ngày càng chơi rắn để đạt được thành tích


Biểu hiện đầu tiên của áp lực thành tích tại Premiership là việc sa thải HLV trở thành một văn hóa. Kể từ khi Premiership được thành lập năm 1992 cho tới trước mùa giải này, có tổng cộng 160 HLV mất việc, trung bình 8 người/mùa giải. Khi mùa giải 2010/11 kết thúc, có tới 50% số CLB chuyên nghiệp của nước này (ở cả 4 hạng đấu) có một HLV tại vị ít hơn 12 tháng. Nghĩa là có một nửa số đội đã thay tướng giữa dòng, vì lý do khách quan hay chủ quan.

Chủ tịch Richard Bevan của Hiệp hội HLV Anh ôm đầu kêu trời: “Nếu các ông chủ muốn đạt được mục đích, điều duy nhất họ cần làm là nhìn vào 25 năm tại vị của Alex Ferguson”. Nhưng dường như có rất ít người muốn nhìn. Họ chịu áp lực của các khoản nợ sắp đến ngày thanh toán, và của một đám đông muốn được chứng kiến dàn cầu thủ đắt tiền trên sân đi lên đỉnh cao.

Biểu hiện thứ 2 của áp lực thành tích là việc lối chơi của các CLB Anh ngày càng trở nên thực dụng và thô bạo hơn. Những cú tắc bóng triệt hạ xuất hiện nhiều hơn, các đội bóng với lối chơi phòng ngự phản công đơn điệu chiếm ưu thế, lý do đơn giản: rất nhiều kẻ đã tự đẩy mình vào cái thế hoặc ở lại Premiership, hoặc phá sản như Portsmouth 2 mùa giải trước. Sự hấp dẫn của Premiership bây giờ lại mang dáng dấp của một cuộc đấu giữa những con dã thú trong tự nhiên.

5.Mất nền tảng, không có thế hệ kế thừa

Biến thành tích trước mắt thành giá trị duy nhất để đeo đuổi, các CLB Anh hoàn toàn lãng quên việc xây dựng nền móng cho CLB. Họ đang đứng trước nguy cơ không có một thế hệ kế thừa, cả với cầu thủ và HLV.

Nước Anh đang thiếu tài năng trẻ trầm trọng

Nước Anh đang thiếu tài năng trẻ trầm trọng


Các lò đào tạo Anh, theo nhận xét của chính những người làm bóng đá Anh, đang tụt hậu cả thập kỷ so với những nền bóng đá phát triển khác tại châu Âu như Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Việc người Anh cuống cuồng cho xây dựng Trung tâm đào tạo trẻ quốc gia St George’s Park theo mô hình Clairefontaine của Pháp chắc chắn không thể bù đắp được sự chểnh mảng ở cấp CLB. “Bệnh thành tích” đã từng chứng kiến ông chủ Roman Abramovich của Chelsea tống cổ giám đốc học viện Frank Arnesen và thế hệ cầu thủ ông này đào tạo ra đường khi họ… vừa chớm nở. Các cầu thủ trẻ sẽ không có cơ hội được cọ sát ở sân chơi lớn, nơi các ngôi sao nước ngoài chiếm ưu thế, và thui chột.

Nước Anh hiện nay cũng đang sở hữu đội ngũ HLV có trình độ thấp bậc nhất tại châu Âu. Theo thống kê năm 2009, số HLV sở hữu bằng “Pro” do UEFA cấp của Tây Ban Nha gần gấp 10 lần Anh (24.000 so với 2.700), còn ở Đức, nơi hệ thống đào tạo được đặc biệt coi trọng, tỷ lệ này lên tới 14 lần. Đây cũng là một phần nguyên nhân quan trọng khiến cho hệ thống đào tạo trẻ ở Anh tụt hậu.

Hệ thống mục rỗng này, tất nhiên tạo ra rất ít cầu thủ để xuất khẩu hay chí ít là tự cung cấp nguồn lực cho giải đấu. Hệ quả tất yếu là họ phải quay lại với phương thức “tự sát” quen thuộc: dùng tiền để theo đuổi thành công.

CON SỐ

Trong mùa giải 2010/11, có trung bình 65% số cầu thủ ra sân ở Premiership là cầu thủ không mang quốc tịch Anh. Trong khi đó, tình hình ở La Liga hoàn toàn ngược lại với 75% cầu thủ là người bản địa. Mục tiêu của FA là tới trước năm 2018, có… 70% số cầu thủ ra sân là người Anh.

Theo Vũ Long (Bóng đá & Cuộc sống)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast