Thi trắc nghiệm THPT quốc gia: Thầy, trò cùng sẵn sàng “nhập cuộc”!

(Baohatinh.vn) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay có 8/9 môn thi theo hình thức trắc nghiệm, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ và Giáo dục công dân. Đây là năm đầu tiên thay đổi hình thức thi của các môn Toán, Lịch sử, Địa lý từ tự luận sang trắc nghiệm. Thế nên, việc điều chỉnh cách dạy - học đang được Sở GD&ĐT và các trường THPT tập trung thực hiện để giúp học sinh làm quen với hình thức thi mới.

Thầy Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Cùng với công tác chỉ đạo, chúng tôi đã kịp thời triển khai tập huấn cho giáo viên, tổ chức biên soạn ngân hàng đề thi bao gồm 70 đề ở các môn thi (mỗi đề 50 câu hỏi) dùng chung cho các trường, đồng thời chỉ đạo các trường biên soạn ngân hàng câu hỏi theo từng chương ở mỗi bộ môn”.

Việc điều chỉnh phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá giúp học sinh làm quen với hình thức thi mới.

Theo thầy Trần Văn Quang - Phó hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên): “Để dạy và học tốt cách làm bài thi trắc nghiệm, giáo viên phải đầu tư bài giảng, dạy đầy đủ chương trình, còn học sinh phải học nhiều hơn, kỹ hơn để bao quát nội dung. Để tạo thuận lợi và hiệu quả hơn cho việc dạy và học trắc nghiệm, chúng tôi đã mua thêm 10 bộ máy chiếu ưu tiên cho các lớp 12. Ngoài ra, việc tăng cường sân chơi ngoại khóa buổi 2 với hình thức rung chuông vàng theo các chủ đề như Tiếng Anh, tổ hợp các môn tự nhiên, xã hội cũng tạo cơ hội để học sinh trau dồi thêm kiến thức”.

Tại Trường THPT Mai Thúc Loan (Lộc Hà), việc dạy và học thi trắc nghiệm không còn bỡ ngỡ đối với giáo viên và học sinh bởi các thầy cô giáo đã phân tích giúp các em hiểu rõ “ma trận” đề, yêu cầu của từng môn học và mức độ kiến thức. Thầy Lê Ngọc Hà - Phó hiệu trưởng Trường THPT Mai Thúc Loan cho biết: “Riêng bộ môn Lịch sử, nhà trường đã tạo không gian mở trao đổi, thảo luận nhóm giữa thầy và trò, trò và trò không chỉ trong các giờ học mà trong cả giờ trả bài kiểm tra để giúp các em bổ sung kiến thức. Khi thi trắc nghiệm, học sinh không phải thuộc lòng quá nhiều mà cần đọc nhiều, hiểu bài và có khả năng tổng hợp, biết kết nối các vấn đề, suy luận để lựa chọn đáp án là có thể hoàn thiện bài thi”.

Thầy Phan Đăng Nhân - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đức Thọ) cho biết: “Đối với môn Toán, trước đây, với thời gian 180 phút, học sinh chỉ phải làm 10 bài toán, nhưng nay 90 phút phải làm đến 50 bài. Chính vì thế, để tạo tâm lý ổn định cho các em, ngoài việc xây dựng chương trình học phù hợp với hình thức thi, chúng tôi đã trang bị một vài kỹ năng để làm bài toán trắc nghiệm như: cần phán đoán, suy luận nhanh nhạy, rèn luyện kỹ năng sử dụng máy tính cầm tay để tiết kiệm thời gian với dạng bài tính giá trị lớn nhất, nhỏ nhất…”.

Môn Giáo dục công dân lần đầu tiên “có mặt” trong kỳ thi quan trọng này. Theo cô Lê Mỹ Châu - giáo viên bộ môn Giáo dục công dân Trường THPT Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh): “Chúng tôi đã đổi mới bằng việc tích hợp kiến thức gắn với giải quyết các tình huống thực tiễn. Ngoài ra, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp bằng hình thức sân khấu hóa, các cuộc thi, tìm hiểu pháp luật…”. Cũng từ việc thay đổi hình thức học tập nên tại Trường THPT Đức Thọ, kỳ thi thử vừa qua, môn Giáo dục công dân được đánh giá là bộ môn đạt điểm số cao nhất với tỷ lệ 70%.

Em Hà Thị Thoan, lớp 12A1 Trường THPT Kỳ Anh cho biết: “Việc điều chỉnh phương pháp dạy, học đi kèm với thực hành bằng cách làm nhiều đề thi thử, các bài tập mẫu để tích lũy kinh nghiệm, giúp chúng em không còn lúng túng khi tiếp cận với cách làm bài thi trắc nghiệm”.

Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các nhà trường cũng đã đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trong các giờ kiểm tra 15 phút, 1 tiết, thi học kỳ… Theo đó, thực hiện hình thức trắc nghiệm môn Toán; đối với các môn xã hội thì chuyển dần theo tỷ lệ 60% trắc nghiệm - 40% tự luận hoặc tỷ lệ 70/30. Sự chủ động trong điều chỉnh phương pháp dạy, học và phương pháp kiểm tra, đánh giá đang giúp học sinh Hà Tĩnh có thể sẵn sàng “nhập cuộc” với hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói