Khung cảnh nhộn nhịp ở Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh.
Theo đánh giá của Cục Thống kê Hà Tĩnh, tình hình hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã dần ổn định sau những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Nhờ vậy, hoạt động bán lẻ cũng khởi sắc hơn. Theo đó, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 24.179 tỷ đồng, tăng gần 12,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng ở tất cả các nhóm hàng hóa.
Khảo sát tại một số đơn vị bán lẻ lớn trên địa bàn cho thấy, nhìn chung, sản lượng khách, doanh số bán hàng đều tăng khá cao so với cùng kỳ 2021.
Lượng khách đến tham quan, mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Trần Đình Chung - phụ trách Marketing Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến tham quan, mua sắm tại siêu thị tăng hơn 40%, doanh số bán hàng tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, nhiều nhóm, ngành hàng có sự phục hồi tốt, sức mua tăng cao. Để thu hút người tiêu dùng, kích cầu mua sắm, thời gian qua, siêu thị thường xuyên tổ chức, hưởng ứng các chương trình khuyến mãi, kích cầu hàng Việt.
Siêu thị Winmart Hà Tĩnh có lượng khách tăng 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Ghi nhận tại Siêu thị Winmart Hà Tĩnh, hoạt động mua sắm của người dân đã tăng khá cao, khác với khung cảnh vắng vẻ khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Được biết, lượng khách đến siêu thị tham quan, mua sắm có mức tăng tăng trưởng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, tháng 5 và 6 vừa qua ghi nhận lượng khách tăng đáng kể.
Tại chợ truyền thống lớn nhất Hà Tĩnh, hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra khá sôi động. Ông Nguyễn Thăng Long, Trưởng BQL Chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ, từ cuối tháng 3/2022 đến nay, hoạt động của chợ đã trở về trạng thái bình thường sau những ảnh hưởng của dịch COVID-19. Số lượng sạp, ki-ốt đang hoạt động tại chợ trung bình từ 80% - 90%.
Số lượng sạp, ki-ốt đang hoạt động tại chợ TP Hà Tĩnh trung bình từ 80% - 90%.
Từ nay đến cuối năm là khoảng thời gian mang đến nhiều triển vọng tăng trưởng cho các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ. Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt vẫn đang khiến các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này “đau đầu”.
Theo phân tích, xăng dầu là chi phí đẩy mạnh nhất cho việc giá hàng hóa tăng lên trong thời gian qua, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng của sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng. Chính vì vậy, các loại nguyên vật liệu, hàng hoá đầu vào tăng cao theo mức tăng của giá xăng dầu khiến các doanh nghiệp chật vật trong bài toán bình ổn giá cả, giữ sức mua của người dân.
6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên toàn tỉnh ước đạt hơn 24.179 tỷ đồng, tăng gần 12,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Để điều chỉnh giá theo xu hướng của thị trường, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, Siêu thị Winmart Hà Tĩnh đang triển khai các giải pháp mang tính lâu dài.
Ông Võ Công Hải – Giám đốc Siêu thị Winmart Hà Tĩnh thuộc Tập đoàn Masan thông tin: “Hiện nay, chuỗi siêu thị đang tập trung vào các sản phẩm do Masan sản suất để hạn chế sự phụ thuộc vào các đầu mối cung cấp từ bên ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trực tiếp nhập khẩu hàng hóa theo từng lô lớn, không qua khâu trung gian để tiết kiệm chi phí nhất có thể…”
Các chương trình khuyến mãi tiếp tục được triển khai để kích cầu tiêu dùng.
Trong khi đó, Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cũng đang triển khai các phương án nhằm nỗ lực giữ giá, bình ổn thị trường như: rút ngắn thời gian khuyến mãi thành nhiều chương trình, tích trữ lượng hàng hóa lớn để tiết kiệm chi phí…
Hiện nay, giá xăng dầu đang có xu hướng giảm đã mang đến tín hiệu vui cho người dân nói chung và các đơn vị sản xuất, kinh doanh nói riêng. Tuy nhiên, người dân vẫn kỳ vọng có mức giảm sâu hơn. Trong trường hợp phải điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thì các đơn vị bán lẻ vẫn nên có mức tăng hợp lý để không ảnh hưởng tới sức mua của thị trường.
Ngoài các mặt hàng thiết yếu có trong chương trình bình ổn giá được triển khai hằng năm, đối với các mặt hàng khác, Sở Công thương cũng kịp thời cung cấp cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các thông tin về thị trường để chủ động phương án kinh doanh hợp lý; tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để đảm bảo thị trường bình đẳng, minh bạch… Trong trường hợp phải điều chỉnh giá, các đơn vị bán lẻ nên có sự điều chỉnh hợp lý để không ảnh hưởng tới sức mua của thị trường.