Thị trường điện thoại di động Hà Tĩnh: “Ông lớn” lên ngôi!

(Baohatinh.vn) - Với sự góp mặt của nhiều “ông lớn”, thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) tại Hà Tĩnh đang ngày càng sôi động. Nhiều cửa hàng buôn bán ĐTDĐ nhỏ lẻ đã nhanh chóng phải đóng cửa hoặc rẽ hướng làm ăn khi không thể cạnh tranh với các siêu thị lớn.

Cửa hàng nhỏ “hẹp đất sống”

Vài năm trở lại đây, hàng loạt “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh ĐTDĐ như Thế giới di động, FPT Shop, Viettel Store, Viễn Thông A... đã thâm nhập sâu vào thị trường Hà Tĩnh. Với các điểm bán, giới thiệu sản phẩm đứng chân tại những vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố, huyện lỵ, kèm theo các chính sách bán hàng, chăm sóc khách hàng hấp dẫn, chu đáo và các chiến dịch quảng cáo rầm rộ…, các “ông lớn” này đang khiến các cửa hàng nhỏ lẻ lao đao.

thi truong dien thoai di dong ha tinh ong lon len ngoi

Các chính sách bán hàng, chăm sóc khách hàng hấp dẫn, chuyên nghiệp của các siêu thị có thương hiệu lớn thu hút nhiều khách hàng.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ cao Hoàng Hải - người có thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh ĐTDĐ ở Hà Tĩnh cho biết, trước đây, trên địa bàn TP Hà Tĩnh có gần 50 cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ, nhưng đến nay chỉ còn trên 10 cửa hàng. Nhiều cửa hàng đã thu hẹp kinh doanh hoặc nghỉ hẳn, một số chuyển sang sửa chữa, buôn bán phụ kiện…

Theo ông Hải, trước đây, kinh doanh ĐTDĐ ăn nên làm ra, đặc biệt, nhiều cửa hàng nhỏ kinh doanh các loại ĐTDĐ xách tay, điện thoại Trung Quốc, loại cũ, giá rẻ kèm theo sim, card có lãi rất cao. Nhưng gần 2 năm nay, việc kinh doanh mặt hàng này nhìn chung gặp rất nhiều khó khăn. Các cửa hàng nhỏ phải thuê mặt bằng với chi phí khá cao, không thể cạnh tranh với các cửa hàng lớn. Doanh số giảm đến 40-50% so với cách đây vài năm. Đỉnh điểm, doanh thu của Công ty Hoàng Hải có khi đạt đến 150 tỷ đồng/năm nhưng hiện nay chỉ ở mức 40-50 tỷ đồng/năm. Hơn nữa, các hãng điện thoại liên tục tung ra các mẫu mới, nếu nhập hàng về không bán được chỉ trong vòng vài tuần có thể bị rớt giá thê thảm, thậm chí, có mẫu lỗi thời, không thể bán được.

Anh Trần Văn Đức (30 tuổi) - một khách hàng chia sẻ: “Bây giờ, phần lớn người dân, đặc biệt là người trẻ như chúng tôi muốn tìm mua các loại điện thoại thông minh, cao cấp, vừa phục vụ công việc cũng như giải trí. Khi bỏ ra số tiền lớn, chúng tôi sẽ lựa chọn những cửa hàng có uy tín để yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm, tránh mua phải các sản phẩm xách tay, hàng dựng hoặc máy cũ, bị tráo phụ kiện… Do đó, các siêu thị điện máy lớn được chúng tôi quan tâm hơn, dù giá có thể cao hơn các cửa hàng nhỏ”.

Chính sách hậu mãi chưa thỏa đáng!

Sự cạnh tranh của thị trường đã giúp khách hàng có thể thỏa mãn nhu cầu với mức giá phù hợp cùng nhiều chính sách chăm sóc đi kèm được đưa ra khi giới thiệu và bán sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, các chính sách bảo hành, chăm sóc khách hàng sau khi mua sản phẩm ở một số nơi vẫn đang khiến không ít người tiêu dùng chưa thể hài lòng.

Đơn cử, cách đây chưa lâu, anh Chiến (Hương Khê) mang đến siêu thị Viettel Store (số 160 đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) sản phẩm điện thoại HTC One E9 (sản phẩm mới mua 20 ngày) gặp lỗi sập nguồn, không thể khởi động lại. Theo chính sách đổi trả của siêu thị, những sản phẩm gặp lỗi phần cứng sẽ được đổi sản phẩm mới trong 30 ngày. Khi tiếp nhận máy, nhân viên Viettel Store đề nghị giữ lại máy để gửi ra hãng HTC (tại Hà Nội) xác định lỗi của sản phẩm.

thi truong dien thoai di dong ha tinh ong lon len ngoi

Sau khi tiếp nhận điện thoại HTC One E9 từ cửa hàng Viettel Store (160 Hà Huy Tập), khách hàng phát hiện số số IMEI trên máy không trùng với IMEI trên vỏ hộp.

10 ngày sau, anh Chiến quay lại thì được nhân viên giao một máy HTC One E9 đã được cài lại toàn bộ chương trình, mất hết các dữ liệu trước đó, số IMEI trên máy không trùng với IMEI trên vỏ hộp. Nhân viên Viettel Store giải thích do bị lỗi về pin nên hãng đã kích pin lên, tuy nhiên, không giải thích được vì sao máy bị mất dữ liệu. Tiếp đó, Viettel Store đã xác nhận pin thuộc về phần cứng và chấp nhận đổi sản phẩm mới. Anh Chiến yêu cầu được nhận máy mới nguyên hộp (còn niêm phong của nhà sản xuất) thì được nhân viên đề nghị chờ. Sau đó 4 ngày, anh Chiến quay lại, nhưng chỉ nhận được câu trả lời, không thể cung cấp máy nguyên hộp?!

Cũng tại cửa hàng Viettel Store, khách hàng Hà Văn Huy (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Tôi mua sản phẩm Samsung A5 mới được 7 ngày, nhưng máy chạy rất nóng, cứ nghĩ với chính sách đổi trả trong 30 ngày như quảng cáo, tôi đến xin trả máy, nhưng phíaViettel yêu cầu phải chịu mất 20% giá trị máy, yêu cầu đổi máy không được chấp nhận do máy chưa hỏng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù chính sách hậu mãi, chăm sóc khách hàng được các siêu thị, cửa hàng ĐTDĐ đưa ra hết sức hấp dẫn, song khi sản phẩm gặp sự cố thì việc đổi trả, bảo hành mất khá nhiều thủ tục, thời gian (thường từ 10-20 ngày). Thậm chí, nhiều trường hợp khách hàng không được hưởng các quyền lợi như đơn vị bán hàng đã cam kết. Đây là những hạn chế mà các nhà SXKD sản phẩm cần khắc phục để đảm bảo quyền lợi, uy tín đối với khách hàng. Về phần mình, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu kỹ những thỏa thuận, cam kết khi mua sản phẩm để tránh những phiền toái không đáng có.

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.