Tại Khánh Hòa, lương của cầu thủ bị cắt giảm và điều trớ trêu họ đang đối diện với tương lai mịt mờ.
Đầu giải, khi hay tin nhà tài trợ muốn thoái lui, dù lương chậm, thưởng mờ mịt nhưng họ vẫn cắn răng thi đấu với hy vọng, thành tích sẽ thay đổi tương lai. Đến giờ thì Sanna.KH vẫn phải sống trong sự thấp thỏm.
Các cầu thủ hạng Nhất vốn có chế độ đãi ngộ thấp nhưng vẫn bị cắt giảm. Điều họ mong muốn nhất lúc này là giải đấu diễn ra để mức lương, mức lót tay khiêm tốn ấy được duy trì hòng nuôi sống gia đình.
Người ta bảo, bóng đá mang lại sự giầu sang cho rất nhiều người. Điều đó không sai, một chia sẻ trên trang cá nhân của các cầu thủ thuộc diện sao số ở ĐTQG có giá hàng chục triệu đồng. Và dù hưởng mức lương hàng chục ngàn USD/tháng, nhưng ông Park Hang Seo có thu nhập lớn hơn từ các hợp đồng quảng cáo.
Bóng đá giúp nhiều người đổi đời nhưng đó không phải là tất cả. Nhiều cầu thủ trẻ ở Nam Định, Nghệ An, Đồng Tháp, thậm chí cả HAGL nhận mức lương khiêm tốn. Nếu bóng đá không diễn ra, hoặc giải đấu bị hủy thì khoản thu nhập ít ỏi đó sẽ tiếp tục bị cắt giảm.
Có vị Chủ tịch CLB lập luận rằng, nếu hủy giải, đội bóng của ông sẽ bớt được tiền lót tay, tiền lương và nhiều khoản chi khác cho cầu thủ. Đội bóng vì thế mà bớt gánh nặng.
Nên nhớ, một vị chủ tịch sống bằng lương từ ông bầu, việc giải có diễn ra hay không chẳng ảnh hưởng đến thu nhập. Thế nhưng, cầu thủ và gia đình của họ lại trông cả vào giải đấu.
Họ muốn được nhận lương, họ muốn có tiền lót tay và thưởng cho từng trận đấu. Và không phải cầu thủ nào cũng nhận được lời đề nghị quảng cáo trên trang cá nhân. Họ mưu sinh bằng bóng đá. Họ chỉ có nguồn thu duy nhất từ bóng đá.
Họ đánh đổi cả tuổi thanh xuân cho sân chơi này với hy vọng đổi đời. Đội bóng và giới chủ có thể khó khăn nhưng thay vì lựa chọn giải pháp an toàn, dễ nhất cho mình, họ nên nghĩ đến việc cân bằng các mối quan hệ, thực hiện đối với những người đã trao gửi niềm tin cho mình.