Toàn cảnh Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng LHQ ở New York ngày 19/9. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Phát biểu trước hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh Tuyên bố New York thể hiện quyết tâm của Liên hợp quốc hợp sức với tất cả các đối tác thực hiện những cam kết chung bao gồm Bảo vệ quyền con người của tất cả những người di cư và tị nạn; Tăng cường hỗ trợ những quốc gia bị làn sóng di cư và tị nạn ảnh hưởng nặng nề nhất; Trợ giúp những người dân đang tuyệt vọng trong các cuộc khủng hoảng kéo dài; Đảm bảo trẻ em di cư tị nạn được đi học; Cải thiện các hoạt động tìm kiếm và giải cứu người di cư và tị nạn; Tăng cường ngân sách viện trợ nhân đạo và tái định cư cho người tị nạn.
Tuyên bố New York nếu được thực thi nghiêm túc sẽ tạo ra được một cơ chế ổn định, có trách nhiệm hơn để các quốc gia thành viên Liên hợp quốc chung tay góp sức giải quyết tình trạng người di cư và tị nạn ồ ạt trên thế giới.
Theo Văn phòng của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, tính tới cuối năm 2015 thế giới có 65,3 triệu người không có nhà cửa, và tăng mạnh so với con số 5 triệu người hồi năm ngoái và là con số cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới II. Trong số này có 21,3 triệu người tị nạn, 3,2 triệu người đang xin tị nạn, và 40,8 triệu người di cư.
Hầu hết những người phải rời bỏ quê hương ra đi đều bị đe dọa tính mạng khi trên đường tháo chạy: bị chết đuối trên biển, chết dần chết mòn hay bị bóc lột tàn bạo.
Trong số những người may mắn sống sót, đến được một nơi nào đó để trú ngụ, nhiều người thường xuyên phải sống trong sự sợ hãi, bị bài ngoại, bị tấn công bạo lực, bị vi phạm nhân quyền và không được tiếp cận cách dịch vụ cơ bản.
Với việc thông qua Tuyên bố New York, Liên hợp quốc đã chính thức phát động một chiến dịch mới có tên “Cùng nhau - Tôn trọng, An toàn và Phẩm giá cho tất cả mọi người.”
Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tham gia chiến dịch này và cam kết cùng nhau bảo vệ quyền và phẩm giá của tất cả những con người vì hoàn cảnh phải rời bỏ quê hương đi tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo của Liên hợp quốc và Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) về việc chính thức tiếp nhận IOM làm một cơ quan trực thuộc hệ thống Liên hợp quốc./.