Những đám đông khổng lồ hôm nay đổ về thủ đô Colombo của Sri Lanka để biểu tình, khoét sâu thêm tình trạng bất ổn vốn đã rất nghiêm trọng tại đảo quốc Ấn Độ Dương, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có của đất nước. Trong ảnh, những người biểu tình leo lên một chiếc xe chuyên dụng của cảnh sát khi họ tiến về phủ tổng thống.
Dòng người đổ về con phố dẫn đến dinh thự của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa. Đám đông yêu cầu ông Rajapaksa từ chức vì năng lực quản lý yếu kém, khiến đất nước tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng.
Cảnh sát phun vòi rồng và hơi cay để giải tán những người biểu tình tụ tập trên một con phố dẫn đến phủ tổng thống.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng trong tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài cùng lạm phát phi mã do chính phủ cạn kiệt ngoại tệ để nhập khẩu các loại hàng hóa quan trọng. Nền kinh tế bên bờ vực cùng cuộc sống thiếu thốn khiến nhiều người dân cảm thấy giận dữ.
Một người biểu tình ném trả lựu đạn hơi cay về phía cảnh sát.
Hàng nghìn người phản đối chính phủ đã phớt lờ lệnh không ra khỏi nhà của cảnh sát và thậm chí buộc cơ quan đường sắt điều hành các chuyến tàu đưa họ đến Colombo biểu tình vào hôm nay.
Đám đông biểu tình tràn vào dinh thự của Tổng thống Rajapaksa.
Khi đám đông kéo đến cổng phủ tổng thống, quân đội bảo vệ khu dinh thự đã bắn chỉ thiên để kiềm chế họ cho đến khi ông Rajapaksa được đưa ra ngoài an toàn.
Trước đó, những người biểu tình đã cắm trại suốt nhiều tháng bên ngoài văn phòng bên bờ biển của Tổng thống Rajapaksa để yêu cầu ông từ chức.
Cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán đám đông gần dinh thự tổng thống.
Giới chức cho biết họ đã điều động gần 20.000 binh sĩ và cảnh sát để triển khai chiến dịch an ninh bảo vệ Tổng thống.
Người biểu tình tụ tập bên ngoài phủ tổng thống Sri Lanka.
Các kênh truyền hình tư nhân phát một số video cho thấy đoàn xe chở Tổng thống Rajapaksa đã đến sân bay quốc tế chính của đảo quốc, song chưa có thông tin về việc ông đã rời đất nước hay chưa.
Lạm phát tại Sri Lanka hiện chỉ đứng sau Zimbabwe và có thể lên tới 60% vào cuối năm. Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 80% người dân quốc đảo phải bỏ bữa vì không thể mua thực phẩm.
Người biểu tình tập trung bên trong khuôn viên phủ tổng thống.
Theo hình ảnh trên các trang mạng xã hội, sau khi vượt qua cổng dinh thự, người biểu tình đã lùng sục khắp các căn phòng bên trong. Một số người còn nhảy xuống hồ bơi của khu phức hợp.
Do không thể trả khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỷ USD, chính phủ Sri Lanka hồi tháng 4 tuyên bố vỡ nợ và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đảm bảo một gói cứu trợ. Colombo phải trả nợ trung bình 5 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2026.