Thủ tướng Sri Lanka từ chức

Thủ tướng Sri Lanka Rajapaksa từ chức hôm nay, không lâu sau các vụ đụng độ giữa người ủng hộ và chống chính phủ khiến 78 người bị thương.

Rohan Weliwita, phát ngôn viên của Thủ tướng Sri Lanka, hôm nay thông báo ông Mahinda Rajapaksa đã trình đơn từ chức tới em trai là Tổng thống Gotabaya Rajapaksa nhằm mở đường cho “một chính phủ đoàn kết mới”.

Thủ tướng Sri Lanka từ chức

Thủ tướng Rajapaksa trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Colombo hôm 9/8/2020. Ảnh: Reuters

Động thái diễn ra sau khi 78 người phải nhập viện vì các cuộc đụng độ giữa phe ủng hộ Thủ tướng Rajapaksa và người biểu tình chống chính phủ. Cảnh sát phải dùng hơi cay và vòi rồng giải tán hai bên, đồng thời ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn bộ hòn đảo 22 triệu dân.

Bạo lực bắt đầu sau khi hàng nghìn người ủng hộ Thủ tướng Rajapaksa từ các vùng nông thôn lên xe buýt tới gần dinh thủ tướng. Ông Rajapaksa đã nói chuyện với khoảng 3.000 người ủng hộ, cam kết “bảo vệ lợi ích quốc gia”.

Người ủng hộ sau đó kéo đổ lều của người biểu tình cắm trại trước dinh thủ tướng từ 9/4 và đốt biểu ngữ chống chính phủ. Họ tiếp tục đến khu vực trước biển Galle Face, phá hủy lều của những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Sri Lanka từ chức.

Tổng thống Rajapaksa sau đó lên án mạnh mẽ “các hành vi bạo lực do những người xúi giục và tham gia thực hiện, dù họ nhân danh lòng trung thành”, đồng thời nhấn mạnh bạo lực không giải quyết được vấn đề hiện tại.

Chính phủ Sri Lanka hôm 6/5 tuyên bố tình trạng khẩn cấp, trao quyền cho quân đội truy bắt và giam giữ người dân có hành động gây rối. Bộ Quốc phòng Sri Lanka hôm 8/5 cho hay những người biểu tình chống chính phủ đã hành xử “khiêu khích và đe dọa”, làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu.

Tổng thống Rajapaksa không xuất hiện trước công chúng từ khi hàng chục nghìn người cố gắng xông vào tư dinh của ông ở Colombo hôm 31/3. Đảng đối lập lớn nhất đất nước tuyên bố không tham gia bất kỳ chính phủ nào do thành viên trong gia tộc Rajapaksa lãnh đạo.

Sri Lanka đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ khi độc lập. Hồi tháng 4, chính phủ tuyên bố vỡ nợ, không thể trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD. Người dân sống trong cảnh mất điện, thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men nghiêm trọng suốt nhiều tháng.

Khủng hoảng bắt đầu sau khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nguồn thu quan trọng từ ngoại tệ và kiều hối, khiến đất nước lâm vào tình trạng thiếu ngoại tệ trả nợ và buộc chính phủ phải cấm nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, hậu quả là tình trạng thiếu hụt càng trầm trọng, lạm phát tăng cao và mất điện kéo dài.

Theo Hồng Hạnh/VNE

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.