Đầu tháng 2, chị Huyền, 34 tuổi, nhận được cuộc gọi từ một điện thoại lạ tự xưng là cán bộ hậu cần của đơn vị quân đội trên địa bàn, đặt giò chả cho dịp liên hoan cuối năm. Người này nhờ chị tư vấn với lượng khách khoảng “300 người, ngồi mâm sáu” nên cân đối số lượng thế nào và còn đặt thêm 20 chiếc “thượng hạng” để biếu.
Được khen “biết nhà chị nổi tiếng làm giò chả ngon nên mới đặt”, chị Huyền dù mới làm nghề hai năm nghe vậy rất phấn khởi. Đơn hàng gần 8 triệu đồng, được “quân nhân” này hẹn sẽ thanh toán ngay khi nhận hàng.
Chị cho biết, với khách hàng quen, lấy số lượng ít không cần đặt cọc, nhưng khách hàng này chị chưa từng gặp mặt, lại đơn hàng giá trị cao nên chị đề nghị đặt cọc một triệu đồng. “Quân nhân” này cho biết doanh trại không có cơ chế đặt cọc trước, giờ chị yêu cầu vậy sẽ phải giải trình làm sổ sách rất mất thời gian mà chỉ còn hai ngày nữa là liên hoan.
Anh ta cung cấp tên, cho biết là thiếu tá, “dùng duy nhất số điện thoại này”, và dặn chị chỉ cần mang hàng đến cổng, gọi điện sẽ có người ra nhận và xuất tiền trả ngay. Không đợi chị phân vân, vị khách nói “nếu chị không tin tưởng thì để đặt hàng chỗ khác” vì đang gấp. Chị Huyền tin tưởng, nhận lời.
Sáng sớm hai ngày sau, khi 30 chiếc giò lụa đang sắp ra lò, chị Huyền lại nhận được điện thoại của “thiếu tá hậu cần”. Lần này, anh ta nói tiệc phát sinh đột xuất vài món liên quan thịt bò nên đã đặt thêm, nhờ chị nhận hộ để sáng hôm đó mang cùng giò giao cho đơn vị. “Em ứng trước 5 triệu đồng trả tiền thịt hộ anh, nhớ cầm hóa đơn, khi nào lấy giò, anh thanh toán cho em cả thể”, người này dặn rồi lập tức cúp máy.
“Lúc ấy bận tối mắt làm nốt mẻ giò nên mình cũng không để ý, sau đấy mới ngồi nghĩ thấy nó cứ không ổn”, chị Huyền cho biết. Em gái Huyền nghe chuyện vội can “thôi chết, khéo bị lừa đấy, không có trả hộ cái gì hết”.
Người em gái kể vài hôm trước đã xem video cảnh báo trên mạng xã hội thủ đoạn y hệt, giả mạo quân nhân mua hàng để lừa đảo. "Nếu chị nhận lời trả tiền thịt bò hộ, nó sẽ giao một đống bèo nhèo linh tinh đến và bắt trả 5 triệu. Khi chị đến đúng doanh trại, sẽ không có cái ông thiếu tá nào ra nhận giờ nhận thịt của chị đâu. Họ thông đồng lừa chị đấy thôi".
Huyền nghe em gái can, nửa tin nửa ngờ gọi điện lại cho vị khách kia chối “chỉ giao giò, không nhận thịt hộ”, liền bị anh ta bực dọc đáp lại “hỏng hết cả việc”. Ngay sau cuộc gọi này, chị không thể liên hệ với “vị thiếu tá”. Lúc đó, Huyền mới tin đã bị lừa. Đơn vị quân đội cho biết không có cán bộ hậu cần nào tên như trên và không có nhu cầu đặt giò chả cho tiệc tất niên.
30 cái giò hôm đó vừa bán, vừa cho người nhà, nhưng chị Huyền bảo “bị bom hàng vẫn đỡ hơn là vừa bị bom, vừa mất tiền oan”.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ thông tin Truyền thông), mạo danh quân nhân lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những thủ đoạn mới xuất hiện thời gian gần đây, đặc biệt được áp dụng vào dịp cận Tết.
Thống kê của Cục Chính trị Quân khu 7 cho thấy, sáu tháng cuối năm 2023, trên địa bàn đã phát hiện 75 vụ việc mạo danh, giả danh cán bộ, nhân viên quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đơn cử, một chủ cửa hàng phân bón ở huyện Cẩm Mỹ, thành phố Đồng Nai, trong một tháng có đến ba lần bị kẻ mạo danh sĩ quan quân đội gọi điện thoại đặt mua gần 10 tấn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho đơn vị.
Ngoài chiêu lừa gọi điện thoại, Cục An toàn thông chỉ ra “kẻ gian còn mặc quân phục để gọi video khiến nạn nhân tin tưởng, mất cảnh giác”. Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo còn gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn cho người dân, tự xưng là “chỉ huy, quản lý” của con em đang công tác trong quân đội để thông báo liên quan đến hành vi vi phạm kỷ luật và đề nghị người dân chuyển tiền đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả do con em mình gây ra...
Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin căn cước ngân hàng, tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào , không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.
Ngoài mạo danh quân nhân, thời gian trước đây những kẻ lừa đảo cũng thường “đóng vai” những cá nhân thuộc cơ quan, đơn vị Nhà nước như công an, Viện kiểm sát, Bưu điện, bác sĩ, giáo viên... để lừa lấy mật khẩu ngân hàng, chuyển tiền “giải quyết công việc”.
Nhận biết chiêu lừa mạo danh cá nhân có uy tín
- Sử dụng số điện thoại giả mạo, có thể hiển thị số điện thoại của cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc tòa án trên màn hình điện thoại của bạn.
- Đe dọa và áp lực tâm lý để khống chế, hăm dọa, nói dối về việc có liên quan các vụ án đang điều tra để tạo áp lực và đánh vào sợ hãi của bạn.
- Yêu cầu bạn chuyển tiền vào một tài khoản cụ thể hoặc thông tin cá nhân như số thẻ tín dụng, số căn cước công dân, mã số bảo mật và các thông tin nhạy cảm khác.
- Tạo áp lực thời gian, sẽ cố gắng thuyết phục bạn rằng không có thời gian để suy nghĩ hay tham khảo người khác.
Biện pháp phòng tránh
- Giữ bình tĩnh, không bị đánh lừa bởi áp lực tâm lý và đe dọa.
- Xác minh thông tin của người gọi bằng cách gọi lại vào số điện thoại chính thức của cơ quan đó hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan qua các kênh chính thức.
- Không cung cấp thông tin cá nhân hay tiền bạc qua điện thoại, email hoặc các phương tiện truyền thông khác.
- Báo cáo sự việc cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn.
Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không yêu cầu bạn chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin nhạy cảm qua điện thoại một cách đột ngột mà không có văn bản thông báo trước.
* Tên nhân vật đã thay đổi