Thôn Yên Sơn, xã Sơn Trung được xem là “thủ phủ” lá dong của huyện Hương Sơn với gần 50 hộ trồng. Những ngày gần tết, mọi người dân đều cảm nhận được không khí rộn ràng, khẩn trương của mùa thu hoạch.
Vườn lá dong xanh mướt của gia đình chị Trần Thị Anh ước tính có hơn 12.000 lá. Để đảm bảo thu hoạch nhanh, chị Anh phải huy động cả 3 người trong gia đình tập trung cắt lá, bó lá cho thương lái nhập hàng.
Chị Anh cho biết: Năm nay lá dong được mùa, lá đẹp hiện có giá dao động từ 60 - 70 nghìn đồng/100 lá. Sau khi cắt, chúng tôi thường xếp mỗi bó 50 lá để sẵn trong nhà chờ các thương lái đến mua.
Vừa thu hoạch được hơn 1.000 lá từ ngoài vườn về, bà Nguyễn Thị Hà trải ra giữa sân nhà để phân loại. Lá dong ở đây khá sạch, có chiều dài từ 50 - 60 cm, rộng 25 - 35 cm, phù hợp kích cỡ để người dân gói bánh chưng, bánh tét.
“Sau khi thu hoạch chúng tôi phải loại bỏ những lá bị sâu ăn, hay bị rách, chọn những lá lành, cột thành từng bó đủ số lượng. Làm như vậy mới giữ được uy tín với các khách hàng. Họ chỉ đến nhìn qua là trả tiền và chở về bán ra thị trường” - bà Hà chia sẻ.
Được biết, những vườn lá dong xanh bạt ngàn đã gắn bó với người dân nơi đây hàng chục năm qua. Họ tận dụng đất bãi bồi ven sông Ngàn Phố và trồng trong vườn nhà. Cây lá dong dễ trồng, ít sâu bệnh, đặc biệt vào vụ tết, người dân có được nguồn thu nhập đáng kể, bình quân từ 7 - 15 triệu đồng/vụ.
Bắt đầu từ 15/12 đến 25/12 (âm lịch), người dân trong thôn tiến hành thu hoạch lá dong để bán cho các cơ sở làm bánh chưng và nhập cho các tiểu thương trong tỉnh. Đây được xem là “thời điểm hái ra tiền” của người trồng cây lá dong.
Những bó lá dong theo những chuyến xe xuôi ngược tỏa đi khắp mọi nơi, đem hương xuân sớm tới mọi nhà.
Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng thôn Yên Sơn cho hay: Mỗi dịp tết đến xuân về, trên những mâm cỗ cúng gia tiên của các gia đình người Việt không thể thiếu những chiếc bánh chưng xanh. Để gìn giữ nét đẹp cổ truyền của dân tộc có sự góp phần không nhỏ của người dân làng lá dong Yên Sơn.