Thủ tướng Pakistan mất chức

Thủ tướng Pakistan Imran Khan bị bãi nhiệm hôm nay do thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, sau nhiều tuần bất ổn chính trị.

Quyền chủ tịch Hạ viện Sardar Ayaz Sadiq rạng sáng nay cho biết 174 trong 342 nghị sĩ Hạ viện đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Imran Khan, do đó ông đã bị bãi nhiệm.

Chưa có thủ tướng Pakistan nào phục vụ đủ nhiệm kỳ, nhưng ông Khan, 69 tuổi, là người đầu tiên mất chức do bỏ phiếu bất tín nhiệm. Hiện chưa rõ khi nào thủ tướng mới được bổ nhiệm, song Shehbaz Sharif, 70 tuổi, người đứng đầu Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-N (PML-N), gần như chắc chắn sẽ được chọn để lãnh đạo quốc gia 220 triệu dân.

Ông Khan đã nỗ lực bằng mọi cách để duy trì quyền lực, bao gồm giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới, nhưng Tòa án Tối cao tuần trước xem tất cả hành động của ông là bất hợp pháp, lệnh cho quốc hội triệu tập lại và bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Thủ tướng Pakistan mất chức

Thủ tướng Pakistan Imran Khan tại cuộc họp báo ở thủ đô Islamabad tháng 6/2021. Ảnh: Reuters .

Trước thời hạn nửa đêm 9/4 theo lệnh của Tòa án Tối cao, chủ tịch Hạ viện, một người trung thành với ông Khan, đột nhiên từ chức. Quyền chủ tịch Hạ viện được bổ nhiệm và phiên họp kéo dài sang rạng sáng nay.

“Chúng tôi sẽ xoa dịu vết thương của đất nước”, ông Sharif nói ngay sau khi kết quả được công bố.

Khan, người không có mặt trong cuộc bỏ phiếu, đã mất thế đa số trong quốc hội do các đối tác liên minh và thành viên trong đảng của ông rút khỏi liên minh cầm quyền, và phe đối lập chỉ cần 172 phiếu để bãi nhiệm ông.

Phe đối lập cáo buộc Thủ tướng Khan có hành vi tham nhũng và sai lầm trong điều hành kinh tế đất nước, khiến đồng tiền Pakistan suy yếu và gây ra lạm phát cũng như nợ nần chồng chất. Ông Khan phủ nhận mọi cáo buộc.

Trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, Ngoại trưởng Shah Mehmood Qureshi cáo buộc phe đối lập đã dẫn đất nước đi vào con đường nguy hiểm. “Lịch sử sẽ vạch trần tất cả những ai tạo tiền đề cho động thái lật đổ chính phủ này”, ông nói.

Thủ tướng Khan khẳng định ông là nạn nhân của âm mưu “thay đổi chế độ” liên quan đến Mỹ. Theo ông, PML-N và Đảng Nhân dân Pakistan (PPP), hai nhóm tôn giáo thù địch hợp lực để lật đổ ông, đã âm mưu với Mỹ để tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vì ông phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt ở các quốc gia Hồi giáo như Iraq và Afghanistan. Ông cũng cáo buộc phe đối lập mua sự ủng hộ trong quốc hội.

Phe đối lập trước đây cho biết họ muốn có một cuộc bầu cử sớm, vốn được ấn định diễn ra vào tháng 10 năm sau. Việc nắm quyền sẽ cho họ cơ hội để thiết lập chương trình nghị sự riêng và chấm dứt loạt cuộc điều tra mà họ cho rằng ông Khan đã đưa ra để chống lại họ.

Imran Khan trở thành thủ tướng thứ 22 của Pakistan vào năm 2018. Ông sinh ngày 5/10/1952 trong một gia đình khá giả ở Mianwali, bang Punjab, miền bắc Pakistan. Sau này, gia đình ông định cư ở Lahore, thủ phủ của Punjab và Imran Khan trưởng thành ở đây. Thời niên thiếu, Khan là một cậu bé ít nói, hay xấu hổ và đam mê bóng gậy.

Khan tốt nghiệp bằng kinh tế ở Học viện Keble thuộc Đại học Oxford. Ông từng giữ chức đội trưởng đội bóng gậy của Đại học Oxford năm 1974. Khan bắt đầu chơi cho đội tuyển bóng gậy quốc gia Pakistan từ năm 1976. Ông từ giã sự nghiệp khi đang ở đỉnh cao phong độ, sau khi đưa đội tuyển Pakistan giành chiến thắng đầu tiên và duy nhất tại Cúp thế giới ODI năm 1992.

Truyền thông địa phương dẫn lời một quan chức ủy ban bầu cử cho biết sẽ mất ít nhất 7 tháng để chuẩn bị cho bầu cử toàn quốc. Quân đội dường như đang tránh liên quan đến căng thẳng chính trị hiện nay, nhưng từng xảy ra 4 cuộc đảo chính từ khi Pakistan độc lập năm 1947 và đất nước này cũng đã trải qua hơn ba thập kỷ do quân đội lãnh đạo.

Theo Huyền Lê/VnExpress (AFP)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.