Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tại Tòa án tối cao ở Bangkok ngày 21/7/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trả lời báo giới, ông Prayut nhấn mạnh: "Đây không phải là vấn đề trong nước nữa. Tất cả mọi người, kể cả tôi, đều hy vọng bà Yingluck về nước, nhưng điều này còn phụ thuộc vào các nước có liên quan và chúng ta không thể kiểm soát được điều đó."
Ông Prayut cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng bắt được cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - anh trai của bà Yingluck.
Kể từ năm 2008, Thái Lan đã đề nghị 10 nước ở châu Âu và châu Á dẫn độ cựu Thủ tướng Thaksin, nhưng không thành công vì ông này thường rời đi trước khi đề nghị dẫn độ được các nước nói trên xem xét.
Thủ tướng Prayut cũng cho biết London chưa phúc đáp đề nghị của Bangkok về việc xác minh sự xuất hiện của cựu Thủ tướng Yingluck tại nước này.
Mặc dù Thái Lan ký hiệp định dẫn độ với Anh từ năm 1912, song giới chức Bangkok vẫn chưa chính thức đề nghị Anh dẫn độ bà Yingluck do vẫn chưa xác định được tung tích chính xác của bà này.
Hôm 8/1, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai xác nhận việc Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hồi tháng 9/2017 đã thông báo với ông rằng bà Yingluck ở London.
Ông Don nhấn mạnh Bộ Ngoại giao Thái Lan sẽ hợp tác với Bộ Ngoại giao Anh sau khi đã xác nhận là bà Yingluck ở London.
Ông này từ chối đề cập việc liệu Thái Lan có phản đối Chính phủ Anh nếu bà Yingluck xin tị nạn hay không.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Thái Lan, hộ chiếu Thái Lan của bà Yingluck đã bị thu hồi, do vậy chắc chắn bà vào Anh bằng hộ chiếu do một nước khác cấp.
Ông cũng khẳng định việc bà Yingluck có mặt ở London không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Thái Lan và Anh./.