Thủ tướng yêu cầu các tư lệnh ngành không được im lặng với đề nghị của các địa phương

(Baohatinh.vn) - Kết luận hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tư lệnh ngành không được im lặng với đề nghị của các địa phương; cần phong cách làm việc mới để chấn chỉnh nạn quan liêu giấy tờ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng nay, sau phần phát biểu tham luận của các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ đã có những phát biểu quan trọng, đánh giá kết quả điều hành KTXH giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch phát triển KT - XH năm 2021.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, phải kiên quyết thực hiện mục tiêu kép, thực hiện phương châm đã được Chính phủ đề ra. Tiếp tục 3 đột phá chiến lược trên nền tảng khát vọng phát triển. Công tác xây dựng thể chế đòi hỏi phải có đột phá mới, đẩy mạnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, trong đó lưu ý giải pháp một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định.

Về hạ tầng, không chỉ tập trung cho hạ tầng giao thông mà còn có hạ tầng cho các lĩnh vực khác, trong đó có hạ tầng kinh tế số.

Chủ động phòng tránh các vụ khiếu kiện đầu tư, thương mại quốc tế. Cơ chế phối hợp giải quyết các vụ việc này đã được Thủ tướng ban hành, các địa phương cần tập trung xử lý các vướng mắc ngay từ ban đầu, Bộ Tư pháp chủ trì xử lý vấn đề này cho thật tốt.

Đại biểu các bộ ngành, tập đoàn kinh tế, tổng công ty dự họp tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ

Về phòng chống Covid-19, Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài, thì từ nay đến hè sang năm, tình hình vẫn căng thẳng như hiện nay, cho dù có vaccine.

Về các giải pháp kiểm soát người nhập cảnh, xử lý người nhập cảnh trái phép, Thủ tướng đã có ý kiến rất rõ, Phó Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền để các gia đình có người thân ở nước ngoài không để người thân nhập cảnh trái phép, không vì ngại cách ly mà gây họa cho cộng đồng.

Một số nơi chưa thực hiện thật nghiêm việc theo dõi sau khi cách ly, chính quyền địa phương, công an địa phương… phải sát sao, theo dõi kỹ bằng nhiều giải pháp những người sau cách ly.

Giải pháp căn bản hơn là bắt đầu từ các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú… phải tự xác định đã làm tốt các biện pháp chống dịch chưa, cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tư lệnh ngành không được im lặng với đề nghị của các địa phương; cần phong cách làm việc mới để chấn chỉnh nạn quan liêu giấy tờ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chưa bao giờ các ý kiến nhất trí, đồng thuận cao như tại Hội nghị, nhất là về đánh giá kết quả 2020 và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Năm 2020 thành công hơn 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt.

Những kết quả, thành tích đó đã góp phần làm nên những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ khoá XII và thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo Thủ tướng, các ý kiến phát biểu đều tâm huyết, trách nhiệm, cho thấy quyết tâm, khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Các địa phương gửi 319 kiến nghị cụ thể về các vấn đề lớn của đất nước. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết 01, 02 để trình Thủ tướng ký ban hành ngay từ ngày đầu năm 2021.

Với các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu các tư lệnh ngành không được im lặng với đề nghị của các địa phương. Các bộ ngành, địa phương thường xuyên trao đổi, xử lý các vấn đề bức xúc trong sản xuất kinh doanh, không văn bản qua, giấy tờ lại, mất thời gian, mất cơ hội kinh doanh.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói