Vì sao các nhà ga đường sắt tốc độ cao nằm xa trung tâm?

Ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đặt xa trung tâm các thành phố để khai thác tiềm năng quỹ đất, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, theo Bộ Giao thông Vận tải.

Theo quy hoạch hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, nhiều nhà ga không được đặt trong trung tâm thành phố, như ga Ngọc Hồi đặt tại hai xã Liên Ninh và Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, cách nhà ga hiện tại ở trung tâm khoảng 11 km. Ga Ninh Bình đặt tại xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, cách trung tâm TP Ninh Bình và ga Ninh Bình hiện tại 7,5 km về phía nam.

Ga Đồng Hới đặt tại xã Nghĩa Ninh, cách trung tâm TP Đồng Hới khoảng 4,5 km về phía tây nam. Ga Huế đặt tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 20 km. Ga Hòa Vang đặt tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ga Diên Khánh đặt xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, cách trung tâm Nha Trang khoảng 11 km về phía tây.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng ga hành khách nên ở nội đô, nếu ở ngoại ô thì lại phải đầu tư thêm đường giao thông kết nối.

Dự kiến hướng tuyến và 23 ga hành khách của đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đồ họa: Đăng Hiếu
Dự kiến hướng tuyến và 23 ga hành khách của đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đồ họa: Đăng Hiếu

Lý giải vấn đề trên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết kinh nghiệm thế giới có ga đặt ở trung tâm, có ga đặt ở vùng tiếp cận đô thị. Mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng, song việc lựa chọn phải căn cứ vào quy hoạch.

Ga đặt ở trung tâm thường là ở các đô thị đặc biệt lớn, có sẵn cơ sở hạ tầng, diện tích đảm bảo bố trí đủ công năng, đặc biệt không gây ùn tắc giao thông khu vực trung tâm, thuận tiện cho hành khách. Tuy nhiên, giải phóng mặt bằng sẽ lớn và không khai thác được tiềm năng quỹ đất. Trong khi tại các đô thị lớn hiện nay, quỹ đất dành cho các ga thường khó khăn, giải phóng mặt bằng khó khả thi.

Ga đặt ở vùng tiếp cận đô thị có khối lượng giải phóng mặt bằng ít, có khả năng phát triển khai thác, huy động nguồn lực quỹ đất, không gây áp lực hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, chính quyền phải đầu tư hệ thống giao thông công cộng kết nối với trung tâm đô thị. Trong điều kiện của Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa đang thấp, mục tiêu đô thị hóa 50% trong thời gian dài chưa đạt được nên việc khai thác không gian phát triển mới là quan trọng.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao được nghiên cứu, lựa chọn "ngắn nhất có thể" và đáp ứng các nguyên tắc như phù hợp với quy hoạch ngành, quốc gia, địa phương. Các nhà ga được bố trí đảm bảo yêu cầu về chiều dài giữa các ga, đáp ứng kỹ thuật, phù hợp với điều kiện địa hình khu vực tuyến đi qua, hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, xã hội, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh khu đông dân cư.

Các ga đường sắt tốc độ cao đã được nghiên cứu phù hợp với từng địa phương, với quy hoạch hệ thống giao thông đô thị đường bộ, đường sắt. Đến nay, tổng số 20 địa phương đã thống nhất vị trí nhà ga và cập nhật vào các quy hoạch quốc gia, ngành và tỉnh.

Vị trí nhà ga đảm bảo hiệu quả kinh tế

Về ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc cách bố trí các ga cho phù hợp để phát triển đô thị xung quanh ga, thúc đẩy phát triển kinh tế tốt hơn, Bộ Giao thông Vận tải cho biết tuyến đường sắt tốc độ cao đưa vào khai thác có tác động đến kinh tế xã hội rất lớn. Tại Trung Quốc, sau khi tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải khai thác vào năm 2012, GRDP các địa phương dọc tuyến tăng lên gấp đôi sau 10 năm (tăng trưởng trung bình 10%/năm từ 2012 đến 2022).

Tại Nhật Bản, sau 10 năm từ khi tuyến đường sắt tốc độ cao khai thác năm 1964, GRDP các địa phương dọc tuyến tăng trưởng thêm 4-5% so với không có đường sắt tốc độ cao. Giá trị đất xung quanh các khu ga tăng 13-30% sau khi tuyến đường sắt khai thác.

Trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Bắc Nam, vị trí các ga hành khách được lựa chọn bảo đảm khai thác hiệu quả tuyến đường và phát triển đô thị xung quanh ga để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tàu Shinkansen tại Nhật Bản. Ảnh: Tokyo cheapo
Tàu Shinkansen tại Nhật Bản. Ảnh: Tokyo cheapo

Tàu dừng 2 phút tại mỗi ga

Có đại biểu cho rằng với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, tính mỗi ga dừng 5 phút thì việc di chuyển từ Hà Nội vào TP HCM mất hơn 7 giờ, không phải 5,5 giờ như báo cáo trước đó.

Bộ Giao thông Vận tải dẫn Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tàu nhanh nhất chỉ dừng ở 5 ga chính là Ngọc Hồi, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Thủ Thiêm, hành trình Bắc Nam cần khoảng 5,3 giờ. Tàu thường dừng đan xen ở 23 ga, hành trình Bắc Nam khoảng 6,6 giờ. Thời gian này đã bao gồm dừng tàu tại mỗi ga khoảng 2 phút tương tự các nước đang khai thác đường sắt tốc độ cao.

Nguyên tắc bố trí ga là phải bảo đảm cự ly phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện (khoảng cách tăng, giảm tốc). Theo tính toán, cự ly đủ để đoàn tàu từ khi xuất phát đến khi đạt tốc độ khai thác tối đa 320 km/h và giảm tốc độ đến khi dừng là khoảng 16,5 km.

Để nâng cao hiệu quả khai thác, cơ quan tư vấn đề xuất cự ly trung bình giữa hai ga liền kề khoảng 50-70 km, đồng thời tổ chức chạy tàu dừng đan xen ở tất cả ga nên cự ly dừng tàu giữa hai ga thực tế khoảng 100-140 km. Đoàn tàu sẽ không bị hạn chế tốc độ khai thác làm ảnh hưởng đến thời gian tối ưu và bảo đảm thu hút nhu cầu vận tải.

Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được xây mới đường đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác cao nhất 320 km/h đối với tàu đường dài, tối đa 250-280 km/h đối với tàu chặng ngắn. Tàu hàng chạy tốc độ 120-160 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.

Tuyến đường đi qua 20 tỉnh, thành và mỗi tỉnh có ít nhất một nhà ga hành khách. Cự ly trung bình giữa các ga khoảng 67 km, trong đó ga ngắn nhất nằm ở đoạn Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình, cự ly dưới 45 km.

vnexpress.net

Đọc thêm

Sẵn sàng cho lễ thông xe 2 tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh

Sẵn sàng cho lễ thông xe 2 tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh

Sáng 18/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho lễ thông xe kỹ thuật 2 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh.
Linh hoạt vận hành phát điện trong mùa cao điểm

Linh hoạt vận hành phát điện trong mùa cao điểm

Trước tình hình phụ tải điện tăng cao trong mùa nắng nóng, các nhà máy sản xuất điện ở Hà Tĩnh đã chủ động triển khai các giải pháp vận hành hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dồn sức những công đoạn cuối dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Dồn sức những công đoạn cuối dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Sau thời gian thi công, đến nay, Dự án đường bộ Cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn Hà Tĩnh cơ bản hoàn thành. Các nhà thầu đang gấp rút thi công những hạng mục cuối cùng để ngày 19/4 thông xe kỹ thuật theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây Dựng.
Tài chính thị trường ngày 17/4: Vì sao sữa “bẩn” lưu hành nhiều năm trên thị trường mà không bị phát hiện?

Tài chính thị trường ngày 17/4: Vì sao sữa “bẩn” lưu hành nhiều năm trên thị trường mà không bị phát hiện?

Đại diện Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lý giải cụ thể về việc một lượng lớn sản phẩm sữa giả "tuồn" ra thị trường trong thời gian dài mà không bị phát hiện. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 17/4 của Báo Hà Tĩnh.
Hải sản dồi dào trước mùa du lịch biển

Hải sản Hà Tĩnh dồi dào đón mùa du lịch biển

Những ngày qua, thời tiết khá thuận lợi cho hoạt động đánh bắt hải sản. Hải sản dồi dào, giá bán tăng khá nên ngư dân phấn khởi vươn khơi, bám biển. Đặc biệt, hiện nay đang chuẩn bị bước vào mùa du lịch biển nên sức tiêu thụ các loại hải sản cũng bắt đầu tăng.
Mục tiêu tăng trưởng từ 8% (bài cuối): Quyết liệt bứt phá, cùng cả nước vươn mình

Mục tiêu tăng trưởng từ 8% (bài cuối): Quyết liệt bứt phá, cùng cả nước vươn mình

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: “Để về đích mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị lớn đang đặt ra, cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp Hà Tĩnh cùng đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực khai thác tối đa mọi cơ hội...”.