Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin: "Năm 2148 sẽ có nhuận 2 tháng Giêng. Lúc đó, mọi người sẽ được ăn Tết 2 lần".
Điều này khiến cho nhiều người bất ngờ, vì chưa bao giờ chứng kiến tháng Giêng là tháng nhuận. Năm 2148 còn cách hiện tại 123 năm được đánh giá là khoảng thời gian quá dài. Không ai ở thế hệ hiện tại có thể trường thọ để biết cách đón Tết vào thời điểm đó như thế nào?.
Ngoài ra, một số ý kiến bình luận còn khẳng định, tháng Giêng không bao giờ là tháng nhuận. Các quan điểm này đã dấy lên nhiều tranh cãi.
Tài khoản Ngoc Anh viết: "Hơn 100 năm nữa, thế hệ này không ai còn sống. Không biết lúc đó sẽ đón Tết thế nào nếu có 2 tháng Giêng".
"Từ khi tôi sinh ra đã hơn 40 năm chưa bao giờ chứng kiến nhuận 2 tháng Giêng. Chuyện của tương lai cứ để thế hệ sau này trải nghiệm, chúng ta có chờ được đến lúc đó đâu", một người khác bình luận.
Ông Trần Tiến Bình, nguyên cán bộ Phòng Nghiên cứu lịch (Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, đã đọc thông tin trên mạng xã hội nói năm 2148 có nhuận 2 tháng Giêng. Tuy nhiên, mốc thời gian này quá xa, chưa có ai nghiên cứu về vấn đề này.
Khi còn công tác ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ông chỉ tính lịch cho thế kỷ 21 theo đề tài của Viện, không tính lịch cho thế kỷ 22.
"Tôi đã kiểm tra từ một số nguồn, có nhuận 2 tháng Giêng vào năm 2148. Tuy nhiên, việc tính toán trải dài nhiều trăm năm sẽ kém chính xác hơn.
Thực tế, vòng quay Trái Đất không ổn định, vì giữa 2 thang thời gian UT - Universal Time (thang thời gian quốc tế đang sử dụng trên thế giới) và DT - Dynamical Time (thời gian sử dụng trong tính toán chuyển động giữa các thiên thể) dùng trong tính toán luôn cần sự hiệu chỉnh nhất định", ông Trần Tiến Bình nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm về việc đón Tết 2 lần khi có nhuận 2 tháng Giêng, vị chuyên gia cho rằng: "123 năm nữa mới đến ngày đó, không ai có thể rõ được, nhưng có lẽ không ai đón Tết 2 lần cách nhau 1 tháng".
Về thông tin không bao giờ có nhuận 2 tháng Giêng, ông khẳng định, quan điểm này không có cơ sở khoa học.
"Tính toán chuyển động của các thiên thể rất phức tạp nhất là với Mặt Trăng. Lịch Việt Nam thế kỷ 20-21 không có tháng 12 hay tháng Giêng nhuận, nhưng không loại trừ trước đó hoặc thế kỷ 22... sẽ xảy ra", ông nói.
Vì sao cần tháng nhuận trong Âm lịch?
Tháng nhuận đã tồn tại từ lâu đời cùng với cách sử dụng lịch Âm của người Á Đông.
Theo ông Bình, Âm lịch thực ra có tên chính xác là lịch Âm Dương Á Đông. Sở dĩ có tên như vậy, vì lịch vừa tuân theo tuần Trăng lại vừa gắn với chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời.
"Độ dài 12 tháng Âm lịch khoảng hơn 354 ngày (trung bình tháng Âm lịch 29,53 ngày), trong khi đó độ dài năm Dương lịch là hơn 365 ngày. Việc chênh 11 ngày dẫn tới chuyện cứ vài ba năm cần thêm tháng nhuận để cho Âm lịch không quá chênh với năm Dương lịch", ông Bình chia sẻ.
Quy tắc chèn tháng nhuận trong năm Âm lịch?
Quy tắc chèn tháng nhuận trong Âm lịch dựa trên tính chính xác 2 thời điểm Đông Chí của 2 năm kế tiếp nhau. Độ dài giữa 2 điểm Đông Chí tương đương với độ dài năm Dương lịch và chứa 12 Trung khí.
Có 24 vị trí đặc biệt của Trái Đất nằm cách đều nhau 15 độ quanh Mặt Trời được gọi là Tiết khí. Trong 24 tiết khí, người ta dùng 12 điểm gọi là Trung khí để tính toán tháng nhuận.
12 Trung khí gồm Đông Chí (22/12), Đại Hàn (21/1), Vũ Thủy (19/2), Xuân Phân (20/3), Cốc Vũ (20/4), Tiểu Mãn (21/5), Hạ Chí (21/6), Đại Thử (22/7), Xử Thử (24/8), Thu phân (23/9), Sương Giáng (23/10), Tiểu Tuyết (22/11). Các mốc thời gian có thể lệch 1-2 ngày.
"Bình thường giữa 2 Đông Chí có 12 tháng Âm, khi có 13 tháng Âm thì năm đó là năm nhuận. Trong năm nhuận, tháng Âm nào không chứa điểm Trung khí thì tháng đó là tháng nhuận, nếu có 2 tháng Âm cùng không chứa điểm Trung khí thì tháng đầu tiên không chứa Trung khí là tháng nhuận", vị chuyên gia thông tin.
Việc năm nào có tháng nhuận và tháng nhuận (trùng tên với tháng trước đó) rơi vào lúc nào sẽ phụ thuộc vào sự tính toán chính xác các điểm Sóc (Mặt Trăng, Mặt Trời và Trái Đất cùng nằm trên một đường thẳng) và Tiết khí (24 Tiết khí cách nhau khoảng 15 ngày và 12 Trung khí cách nhau chừng 1 tháng).