Đi trong mùa lộc biếc

(Baohatinh.vn) - Tháng Giêng - trong thao thiết gọi mời, hơi ấm từ ngọn gió xuân thức dậy cả đất trời những miền quê Hà Tĩnh, làm thắm tươi những lộc non, chồi biếc, mang theo bao niềm ước vọng về sự thịnh vượng của đất nước, quê hương.

Khi tờ lịch màu đỏ thắm cuối cùng rời khỏi lốc nhường chỗ cho ngày mới, tiếng trống lễ hội năm Ất Tỵ 2025 vang lên, ấy là lúc tôi biết mùa xuân đã về trọn vẹn giữa đất trời quê hương. Đó cũng là lúc cành đào trong vườn xen giữa những nụ hoa tươi thắm là biếc xanh lộc mới. Và câu thơ của Nhà thơ Xuân Diệu bỗng vang vọng trong tôi về thời gian và không gian nơi tôi đang hòa cùng nhịp điệu: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần…”.

bqbht_br_a1.jpg
Tháng Giêng thức dậy những chồi non, lộc biếc. Ảnh: Đồi chè Sơn Kim (Nguyễn Thanh Hải)

Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh nhưng lớn lên cũng đã đi khá nhiều nơi, có những khoảng thời gian sinh sống ở các vùng miền khác nhau của đất nước. Cảm nhận rõ rệt trong tôi về bốn mùa không ở nơi nào sâu đậm như quê hương mình. Miền Bắc, mùa hạ ít có cảnh nắng cháy da, đồng khô hạn nứt nẻ, miền Nam dẫu 2 mùa mưa, nắng nhưng nhiệt độ cũng không chênh nhau bao nhiêu. Hà Tĩnh - nơi “chảo lửa, túi mưa”, mùa hè nắng như đổ lửa, bỏng rát gió Lào, mùa đông mưa gió liên miên, rét có khi như “cắt da, cắt thịt”… Vậy nên, mùa xuân với sự mát lành như là món quà quý giá của thiên nhiên dành cho người dân quê tôi.

Khởi đầu của mùa xuân, tháng Giêng về mang theo những ngọn gió và cơn mưa nồng nàn hơi ẩm, đã thức dậy chồi non trên những cánh rừng đại ngàn dãy Trường Sơn, 99 ngọn non Hồng… Và những cánh đồng, làng quê đồng bằng, cây cối rũ “lớp áo” tàn úa để khoác lên mình chồi non, lộc biếc. Nhờ đó, con người và vạn vật cũng trở nên đầy sức sống.

bqbht_br_a2.jpg
Khí tiết ấm áp mùa xuân mang lại cho vạn vật sự sinh sôi và con người sức sống mới.

Khởi thủy bởi tập quán sinh kế bằng nông nghiệp, trồng lúa, ngô, khoai sắn, chè, bưởi, cam… đến chăn nuôi gia súc, gia cầm.., khí tiết thiên nhiên mùa xuân trở thành thời điểm thuận lợi nhất trong năm đối với người dân Hà Tĩnh. Cũng vì thế, tháng Giêng luôn gieo lên trong mỗi người nông dân niềm hy vọng và động lực lao động sản xuất hướng đến những mùa vàng bội thu.

Những chuyển biến của thiên nhiên đất trời báo hiệu xuân sang có lẽ dễ nhận biết nhất không ở đâu bằng những vùng quê miền sơn cước như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang… Nơi những đồi chè sau ngày đông giá lạnh, bỗng một sớm mai bật tung những chồi non xanh biếc, thức dậy cả một vùng đồi núi thắm tươi; những cánh rừng cao su thay mình trổ lá; những vườn bưởi, cam nhú lên những nụ hoa trắng muốt đợi se duyên kết nụ tạo thành mùa quả tương lai…

Nhiều năm nay, đời sống của người dân thôn Phú Lễ (xã Hương Trạch, Hương Khê) ngày càng đi lên nhờ vào cây bưởi Phúc Trạch. Vì vậy, tháng Giêng đối với người dân nơi đây là mùa của hy vọng.

122d1183013t85134l0.jpg
bqbht_br_a3.jpg
bqbht_br_a4.jpg
Nhiều năm qua, cây bưởi đã mang lại cho người dân thôn Phú Lễ (Hương Trạch, Hương Khê) đời sống khấm khá. Tháng Giêng khi cây bưởi trổ hoa cũng là lúc người dân mang nhiều hy vọng thắng lợi năm mới.

Ông Nguyễn Hữu Sơn - Bí thư Chi bộ thôn Phú Lễ bày tỏ: “Toàn thôn chúng tôi có 25 ha trồng bưởi Phúc Trạch, đây là nguồn thu nhập chính của 123 hộ dân trong thôn. Hằng năm, sau tết Nguyên đán cũng là thời điểm cây bưởi ra hoa, kết nụ. Nhiều năm nay, để cây bưởi cho năng suất cao, chúng tôi áp dụng nhiều kiến thức khoa học công nghệ vào chăm sóc, trong đó không đợi ong đi thụ phấn, bà con chủ động thụ phấn cho hoa bưởi nhằm nâng tỷ lệ đậu quả cao nhất”.

Đối với người dân “thủ phủ” nhung hươu Hương Sơn, mùa xuân còn là mùa “hái lộc” khi đàn hươu trên 42.000 con trên toàn huyện nhờ công dụng dưỡng của người nông dân và khí trời ấm áp, đã cho ra hàng nghìn cặp sừng non đợi người thu hái.

Chị Nguyễn Thu Hiền - Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Nhung hươu Hiền Ngọc (xã Sơn Giang) tâm sự: “Mùa xuân với sự sinh trưởng tươi tốt của cỏ cây, thức ăn cho hươu trở nên phong phú và giàu dinh dưỡng, nhờ đó, đây cũng là thời điểm lộc hươu phát triển mạnh mẽ và có chất lượng tốt nhất. Vì vậy, đối với chúng tôi, tháng Giêng là sự khởi đầu cho mùa thu hoạch chính, sau bao ngày vất vả chăm sóc đàn hươu của mình”.

bqbht_br_a5.jpg
bqbht_br_a6.jpg
Chị Nguyễn Thu Hiền - Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Nhung hươu Hiền Ngọc chăm sóc đàn hươu (ảnh trái) và giới thiệu sản phẩm của cơ sở tại gian hàng quảng bá sản phẩm OCOP trong khuôn khổ Lễ hội chùa Hương Tích năm 2025.

Được biết, kế thừa nghề nuôi hươu truyền thống của quê hương, ban đầu gia đình chị Hiền chỉ nuôi đàn hươu nhỏ lẻ. Nhờ kiến thức tự học hỏi và các khóa tập huấn của các cấp, ngành, cùng sự nỗ lực, vợ chồng chị Hiền đã từng bước mở rộng đàn hươu, thành lập cơ sở chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ nhung hươu, tạo nên thương hiệu nhung hươu Hiền Ngọc nổi tiếng, đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hiện, cơ sở của chị nuôi đàn hươu lấy lộc hơn 200 con và hợp đồng thu mua nhung từ 100 hộ nuôi hươu trên địa bàn. Đến nay, cơ sở đã sản xuất ra thị trường trong và ngoài nước trên 10 sản phẩm chế biến bằng nhung hươu, mang lại lợi nhuận mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng.

Tháng Giêng cũng là lúc những cánh đồng lúa vụ xuân tại các vùng quê đã trải qua thời kỳ mạ non để bước vào chu kỳ sinh trưởng mạnh mẽ. Những năm qua, nhờ chủ trương chuyển đổi ruộng đất, tăng cường áp dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất, nông dân trồng lúa ở Hà Tĩnh gặp nhiều thuận lợi, có nhiều vụ lúa bội thu.

bqbht_br_a7.jpg
Cánh đồng ô thửa lớn sau chuyển đổi ruộng đất ở xã Hồng Lộc (Thạch Hà) vào xuân.

Ông Nguyễn Văn Tý ở xã Hồng Lộc (Thạch Hà) chia sẻ: “Niềm hy vọng về vụ lúa xuân, vụ lúa quan trọng nhất trong năm đối với chúng tôi giờ đã biến thành niềm tin thắng lợi mỗi tháng Giêng về. Bởi, những cánh đồng ô thửa lớn nước luôn ắp đầy, các công việc như làm cỏ, bón phân đều dễ dàng, nhanh chóng. Nhờ những chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, người nông dân thêm tự tin và phấn khởi vun xới ruộng đồng, hướng đến những mùa vàng bội thu”.

Không chỉ trên đất liền, tháng Giêng còn khởi đầu cho một mùa đánh bắt hải sản của ngư dân ven các làng biển. Đây là thời điểm vụ cá Bắc trong năm với nhiều hải sản giá trị như: cá cơm, tôm, mực, các loại ốc, ghẹ… Tháng Giêng khi những đợt gió mùa Đông Bắc dần thưa, nhường chỗ cho những ngày trời trong, biển lặng, cũng là lúc, ngư dân Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh, giong thuyền ra khơi, mang về nhiều “lộc biển”. Ông Lâm Văn Hiệp (ngư dân ở thị trấn Lộc Hà, Thạch Hà) cho biết: “Đầu năm là khoảng thời gian có nhiều ngày trời trong, biển lặng. Vì vậy, chúng tôi luôn chuẩn bị cho những chuyến đi dài ngày khai thác hải sản, do đó thu nhập thường cũng cao hơn”…

bqbht_br_b1.jpg
bqbht_br_b2.jpg
Vào xuân cũng là nhiều ngày "trời yên, biển lặng" thuận lợi cho công việc ra khơi đánh bắt của ngư dân Hà Tĩnh. Ảnh: Ngư dân thị trấn Lộc Hà (Thạch Hà) chuẩn bị ngư cụ cho chuyến đi biển đầu năm (trái) và Ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) thu hoạch "lộc biển" sau chuyến ra khơi đầu năm (ảnh phải).

Đi giữa tháng Giêng, giữa mùa lộc biếc, trong hân hoan của đất nước, quê hương chuyển mình mạnh mẽ vào kỷ nguyên mới, chứng kiến tâm thế tự hào, tự tin nỗ lực lao động của người dân Hà Tĩnh, trong tôi, lời bài hát “Mùa xuân nho nhỏ” được nhạc sỹ Trần Hoàn phổ thơ của nhà thơ Thanh Hải như ngân vang: “Mùa xuân người cầm súng/ Lộc giắt đầy quanh lưng/ Mùa xuân người ra đồng/ Lộc trải dài nương lúa… Đất nước bốn nghìn năm/ Vất vả và gian lao/ Đất nước như vì sao vững vàng phía trước...”.

Mừng xuân mới, tự hào về lịch sử 95 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam càng thức dậy trong tôi niềm tin mãnh liệt về sự trường tồn, hưng thịnh của quê hương núi Hồng - sông La và đất nước Việt Nam trong kỷ nguyên này.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Kẻ sỹ Ngàn Hống - dấu ấn trăm năm

Kẻ sỹ Ngàn Hống - dấu ấn trăm năm

Sau hơn 30 năm đam mê, kiên nhẫn, miệt mài, nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy đã để lại một di sản hàng ngàn trang viết về địa chí, lịch sử, văn hóa, con người… của vùng đất Nghệ - Tĩnh.
Náo nức hội xuân

Náo nức hội xuân

Đến với Hà Tĩnh vào dịp xuân về, du khách sẽ được hòa mình vào không khí rộn ràng của các lễ hội, được khám phá cảnh sắc và nét độc đáo của văn hóa, con người vùng đất núi Hồng - sông La.
Náo nức xuân sang

Náo nức xuân sang

Khi những cành đào bật nụ hồng tươi, mai vàng bung hoa rực rỡ và trên phố phường, đường quê tấp nập người đi lại, ấy là khi ngày tết Nguyên đán cận kề.
Hân hoan “chào” Tết

Hân hoan “chào” Tết

Khi những cây mai, cành đào “đua nhau” xuống phố, cũng là lúc người dân Hà Tĩnh trên mọi miền quê chung niềm háo hức chờ đón xuân mới ấm áp, an lành, hạnh phúc cùng niềm tin thắng lợi mới.
Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen (Hà Tĩnh) hân hoan chào đón năm mới với cờ đỏ sao vàng tung bay, muôn hoa khoe sắc thắm, sắc xuân hiện lên trong từng ánh mắt, nụ cười rạng ngời của người dân.
Gìn giữ phong vị Tết

Gìn giữ phong vị Tết

Với người Việt, phong tục Tết cổ truyền không chỉ là “di sản” văn hóa vô giá mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, giúp mỗi người hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.
Rộn ràng câu hát mùa xuân

Rộn ràng câu hát mùa xuân

Cuối năm âm lịch, khi đào, mai bắt đầu bung nụ cũng là lúc các địa phương Hà Tĩnh dành nhiều tâm sức thực hiện các chương trình văn nghệ để biểu diễn phục vụ Nhân dân trong dịp Tết cổ truyền.
Thú chơi hoa ngày Tết

Thú chơi hoa ngày Tết

Chơi hoa, cây cảnh ngày Tết đối với người Việt, trong đó có người Hà Tĩnh không chỉ là nét văn hóa tao nhã mà còn mang ước muốn hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.