Ngân hàng Hà Tĩnh tăng tốc đẩy vốn ra thị trường dịp cuối năm

(Baohatinh.vn) - Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh dịp cuối năm; các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh đang cung ứng vốn, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển.

2023 là một năm thắng lợi đối với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu khi đơn hàng, doanh thu đều tăng trưởng. Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã đạt doanh thu 143 tỷ đồng, tăng 13 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.

Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp phấn đấu đạt doanh thu trên 150 tỷ đồng và tập trung sản xuất, phục vụ cho các đơn hàng đã ký kết cung ứng đầu năm 2024.

Ngân hàng Hà Tĩnh tăng tốc đẩy vốn ra thị trường dịp cuối năm

Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu chuyên sản xuất gạch không nung, bê tông thương phẩm, ống cống...

Bà Trần Thị Thanh - Kế toán trưởng Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu cho biết: “Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn đã tạo dư địa tăng trưởng doanh thu khá mạnh mẽ cho đơn vị. Hiện nay, đơn hàng của doanh nghiệp rất lớn, đồng nghĩa cần nguồn vốn đầu tư lớn. Doanh nghiệp đang được BIDV Hà Tĩnh, Vietcombank Hà Tĩnh tạo điều kiện tiếp vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh. Không chỉ cung ứng vốn, các “nhà băng” còn liên tiếp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, các ngân hàng đã 3 lần giảm lãi suất (BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh các tháng 10, 11, 12/2023 và Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh các tháng 9, 10, 11/2023) với mức giảm mỗi lần từ 0,2 - 0,3%/năm. Từ đó, giúp doanh nghiệp được tiếp cận lãi suất cho vay giá rẻ (tầm 5%/năm), tạo động lực để mở rộng quy mô hoạt động”.

Ông Trần Đại Dũng - Phó Giám đốc BIDV Hà Tĩnh thông tin, năm 2023, chi nhánh đẩy mạnh triển khai gói tín dụng trung hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng tái tạo, xây dựng khu công nghiệp, xây dựng nhà xưởng cho thuê, kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, sản xuất và chế biến thực phẩm, cơ sở hạ tầng phục vụ logistic, dược phẩm... Với gói tín dụng này, BIDV áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn từ 1 – 1,5% so với lãi suất niêm yết”.

Cũng theo ông Trần Đại Dũng, do ảnh hưởng sau đại dịch COVID19 và suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phải đối mặt cùng lúc các khó khăn như: thị trường bó hẹp, đơn hàng sụt giảm, lượng hàng tồn kho lớn..., BIDV Hà Tĩnh đã chủ động giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ và tạo điều kiện để khách hàng giải ngân mới trong thời gian sớm nhất.

Ngân hàng Hà Tĩnh tăng tốc đẩy vốn ra thị trường dịp cuối năm

BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh 3 lần giảm lãi suất trong các tháng 10, 11, 12/2023.

Tháng cuối năm 2023, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và xây dựng Hải Đăng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, đáp ứng theo yêu cầu của chủ đầu tư. Bởi vậy, ngoài huy động tối đa máy móc, phương tiện, tăng ca làm ngày làm đêm, doanh nghiệp phải chủ động nguồn tài chính để nhập các vật tư, thiết bị cần thiết, phục vụ quá trình thi công các dự án.

Ông Trương Xuân Bính - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xây dựng Hải Đăng chia sẻ: “Đơn vị đang đẩy mạnh thi công 3 dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn với tổng vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng. “Chặng nước rút”, doanh nghiệp đang huy động mọi nguồn lực để đưa các công trình về đích theo hợp đồng đã ký kết. Hiện tại, Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh và MB Chi nhánh Hà Tĩnh tiếp vốn với lãi suất thấp nên doanh nghiệp luôn chủ động tài chính, tạo thuận lợi trong quá trình thi công các dự án”.

Theo ông Dương Quốc Khánh - Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh: Để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, thời gian qua, Vietcombank tiếp tục rà soát, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn quá trình xem xét hồ sơ vay, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ về tín dụng với doanh nghiệp. Vietcombank đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giảm lãi suất cho vay ở mức thấp và ổn định trên thị trường (lãi suất hiện chỉ từ 4,5%/năm). Bên cạnh ưu đãi lãi suất cho vay mới, Vietcombank còn giảm lãi suất cho cả các khoản vay cũ, góp phần giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Đến nay, tổng dư nợ của chi nhánh đạt trên 14.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ doanh nghiệp đạt trên 8.000 tỷ đồng.

Ngoài khối “Big4” là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank Bank, thời điểm này các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn cũng đang chủ động mọi giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng. Việc đẩy nguồn vốn cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh giúp doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thành kế hoạch năm 2023 và chuẩn bị cho các đơn hàng mới trong năm 2024.

Ngân hàng Hà Tĩnh tăng tốc đẩy vốn ra thị trường dịp cuối năm

Dư nợ doanh nghiệp của Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh hiện đạt trên 8.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã thường xuyên quán triệt và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tại địa bàn thực hiện nghiêm túc các chủ trương, cơ chế chính sách của Nhà nước, của ngành và UBND tỉnh có liên quan đến hoạt động ngân hàng. Trong đó, chủ động thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế, nhất là cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng đó, NHNN tỉnh cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường thông tin tuyên truyền chính sách đến các doanh nghiệp; tiếp cận, tìm hiểu, khảo sát, nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong quan hệ tín dụng với ngân hàng. Từ đó, kịp thời có giải pháp thiết thực để hỗ trợ như: cho vay mới, điều chỉnh hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ...

Thực tiễn cho thấy, ngành ngân hàng đã đồng hành để nhiều doanh nghiệp Hà Tĩnh có đủ khả năng tiếp cận các dự án trọng điểm trên địa bàn như: dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam, các dự án đầu tư xuất khẩu, dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao... Tính đến đầu tháng 12/2023, tổng dư nợ doanh nghiệp của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt khoảng 30.243 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 32,02% tổng dư nợ toàn địa bàn.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Hàng tết lên kệ, sức mua chưa như kỳ vọng

Hàng tết lên kệ, sức mua chưa như kỳ vọng

Thời điểm này, tại các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống ở Hà Tĩnh, hàng hóa tết với đa dạng mẫu mã, giá cả đã lên kệ để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân nhưng sức mua còn yếu.