Doanh nghiệp Hà Tĩnh cần vốn, ngân hàng cạn “room”

(Baohatinh.vn) - Cuối năm là thời điểm “nước rút”, nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tăng cao. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh hiện chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu nguồn vốn cho khách hàng do “room” - giới hạn cấp tín dụng cơ bản đã hết.

Công ty CP Xây dựng Ngọc Thịnh (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) chuyên thi công các công trình trong tỉnh. Thời điểm cuối năm, doanh nghiệp này cần thêm nguồn vốn để tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công cũng như đảm bảo chế độ lương, thưởng cho người lao động. Để đảm bảo nguồn tài chính, chủ doanh nghiệp này phải “gõ cửa” ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị vẫn chưa được chấp thuận cho vay món mới.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh cần vốn, ngân hàng cạn “room”

Nhiều doanh nghiệp xây dựng ở Hà Tĩnh hiện đang khó khăn về nguồn vốn.

Ông Trương Khắc Não – Giám đốc Công ty CP Xây dựng Ngọc Thịnh cho biết: “So với cùng kỳ những năm trước thì năm nay khó tiếp cận vốn ngân hàng hơn. Tôi thường xuyên giao dịch tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, song đợt này chưa được giải ngân món vay mới. Nguyên nhân là ngân hàng này đã hết room tín dụng. Theo tôi được biết, một số ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn cũng chung tình trạng này. Để đảm bảo nguồn tiền duy trì hoạt động, chúng tôi phải xoay xở, cân đối lại chi phí và vay mượn thêm người thân, bạn bè”.

Công ty CP Dược Hà Tĩnh cũng đang cần nguồn lực để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại cũng như mua sắm nguyên phụ liệu phục vụ dây chuyền sản xuất những tháng cuối năm. Tuy vậy, thời điểm này việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp này không thuận lợi.

Theo lãnh đạo Công ty CP Dược Hà Tĩnh, lãi suất cho vay của các ngân hàng dịp cuối năm đã tăng cao và việc tiếp cận nguồn vốn hiện nay cũng không dễ dàng. Nhu cầu vay vốn lưu động của Công ty CP Dược Hà Tĩnh khoảng 60 tỷ đồng/gói song hiện nay các ngân hàng mới chỉ đáp ứng được một phần; việc này cũng đã ảnh hưởng đến chiến lược sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh cần vốn, ngân hàng cạn “room”

Công ty CP Dược Hà Tĩnh đang cần nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Theo ghi nhận, hiện nay các HTX cũng đang “bí” về nguồn vốn. Với khu vực kinh tế tập thể, tiềm lực kinh tế hạn hẹp hơn thì việc các ngân hàng giải ngân vốn chưa kịp thời đã ảnh hưởng khá lớn tới hoạt động của các HTX.

HTX Chăn nuôi tổng hợp và xây dựng Minh Lộc (xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) chuyên nuôi lợn nái và lợn thịt quy mô lớn. Thời gian gần đây, đơn vị đã đề nghị vay thêm vốn tại một ngân hàng lớn trên địa bàn song vẫn chưa được chấp thuận.

Bà Nguyễn Thị Thu - đại diện HTX Chăn nuôi tổng hợp và xây dựng Minh Lộc cho hay: “Chúng tôi đang nuôi gần 400 con lợn nái và trên 1.000 con lợn thịt/lứa. Bình quân mỗi tháng cơ sở chi 200 triệu đồng cho tiền thuốc thú y và hóa chất xử lý môi trường, 60 triệu đồng/ngày cho tiền thức ăn chăn nuôi. Tầm 1 tháng nữa mới đến kỳ xuất chuồng lợn thịt nên chúng tôi đang muốn vay một số tiền để đầu tư thức ăn chăn nuôi song chưa được ngân hàng đáp ứng”.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh cần vốn, ngân hàng cạn “room”

HTX Chăn nuôi tổng hợp và xây dựng Minh Lộc đang cần vốn để mua thức ăn chăn nuôi.

Trao đổi về vấn đề cung ứng nguồn vốn dịp cuối năm, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn cho hay: Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tăng cao song hiện nay ngân hàng này cơ bản đã hết room tín dụng, việc giải ngân nguồn vốn theo kiểu “nhỏ giọt”. Theo đó, ngân hàng này chỉ có thể giải ngân đối với những khách hàng nhỏ (giải ngân tối đa 1 tỷ/khách hàng) còn với những khách hàng lớn thì chi nhánh không đủ nguồn để cho vay.

Tính đến 31/10/2022, dư nợ toàn địa bàn đạt khoảng 88.450 tỷ đồng, tăng 23,23% so với cuối năm 2021; tức là đã cao hơn mục tiêu tăng trưởng dư nợ đề ra trong năm 2022 (từ 15 - 17% so với cuối năm 2021). Và việc một số ngân hàng hết room tín dụng đã ảnh hưởng đến việc tiếp vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX trong những tháng cuối năm.

Ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cho hay: “Khác với những năm trước, việc tiếp cận vốn cuối năm nay của doanh nghiệp, HTX gặp khó. Nhiều đơn vị có nhu cầu vay vốn song không được giải ngân do các ngân hàng đã hết room tín dụng. Bên cạnh đó, những cơ sở được vay vốn thì quy trình giải ngân cũng chậm hơn so với trước. Các tổ chức tín dụng cần có giải pháp để cân đối nguồn, ưu tiên dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, HTX”.

Theo tìm hiểu, sở dĩ thời điểm này khách hàng khó vay vốn ngoài nguyên nhân một số ngân hàng hết room tín dụng thì việc khách hàng chưa đủ tiềm lực tài chính, chưa đủ hồ sơ, chứng từ kinh doanh theo quy định của pháp luật cũng khiến nhà băng “từ chối” hợp tác. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là mỗi doanh nghiệp, HTX cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, có chiến lược sản xuất – kinh doanh bài bản, có nguồn thu đảm bảo mới đủ điều kiện tiếp cận vốn tín dụng.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh cần vốn, ngân hàng cạn “room”

Việc tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp, HTX hiện nay khá khó khăn.

Trong bối cảnh một số ngân hàng thương mại trên địa bàn khó khăn về nguồn vốn cho vay và lãi suất cho vay có xu hướng tăng cao những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Hà Tĩnh đã và đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh thực hiện cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, HTX duy trì ổn định chuỗi hoạt động.

Ngoài ra, NHNN tỉnh cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả trong room tín dụng được giao, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Mục tiêu tăng trưởng từ 8% (bài 2): Khơi thông các dòng vốn, giải phóng nguồn lực

Mục tiêu tăng trưởng từ 8% (bài 2): Khơi thông các dòng vốn, giải phóng nguồn lực

Thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kích hoạt các dòng vốn chảy vào nền kinh tế, thu hút dự án đầu tư mới… là những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục được Hà Tĩnh tập trung triển khai. Đây được xem là những bước đi quan trọng nhằm giải phóng nguồn lực, thúc đẩy các động lực nội tại để về đích mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8% trong năm 2025.
Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Thay vì rộn ràng thu hoạch những giọt mật đầu vụ như các năm trước, năm nay, người dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang trải qua một mùa mật ong chính vụ kém vui.
Lực đẩy nào cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?

Lực đẩy nào cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo. Dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Hà Tĩnh vẫn còn nhiều khó khăn, chưa có những lực đẩy đủ lớn để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp.
Mục tiêu tăng trưởng từ 8% (bài 1): Kỳ vọng sức bật ở các lĩnh vực kinh tế trọng điểm

Mục tiêu tăng trưởng từ 8% (bài 1): Kỳ vọng sức bật ở các lĩnh vực kinh tế trọng điểm

Bài toán để các ngành kinh tế chủ lực như công nghiệp, tM-DV và nông nghiệp tăng thêm điểm phần trăm về tăng trưởng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng chung cả năm từ 8% được các cấp, ngành tập trung tìm lời giải với phương châm đổi mới, đột phá, sáng tạo, chủ động, dám nghĩ, dám làm.
Hà Tĩnh với chặng nước rút góp phần gỡ thẻ vàng IUU

Gỡ thẻ vàng IUU: Hà Tĩnh quyết liệt "chặng nước rút"

Đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban Châu Âu được xem là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU. Xác định rõ nhiệm vụ này, Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong "chặng nước rút", đặc biệt tạo nên những thay đổi tích cực, nhất là trong nhận thức, trách nhiệm của ngư dân.
Mỹ phẩm ngoại không có nhãn phụ tiếng Việt

Nhan nhản mỹ phẩm ngoại không có nhãn phụ tiếng Việt

Không ít cơ sở kinh doanh mỹ phẩm ở TP Hà Tĩnh bày bán sản phẩm mang nhãn hiệu nước ngoài nhưng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định, khiến người tiêu dùng gặp khó trong xác định thông tin về thành phần, công dụng và hạn sử dụng.