Vì sao dư nợ ngân hàng của các hợp tác xã ở Hà Tĩnh đạt thấp?

(Baohatinh.vn) - Có khá nhiều chính sách tín dụng hướng đến đối tượng cho vay là các hợp tác xã (HTX) nhằm “kích cầu” SXKD, đảm bảo nâng cao thu nhập cho bộ phận người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, số HTX ở Hà Tĩnh tiếp cận được nguồn vay ưu đãi này lại chưa nhiều.

Sau gần 30 năm gây dựng, HTX Nga Hải (xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân) đã “biến” khu vực đầm lầy thành mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn Châu Âu, HTX đang liên kết với doanh nghiệp nuôi 2.400 con lợn thương phẩm/lứa và 20.000 con gà thương phẩm/lứa. Ngoài ra, đơn vị còn trồng dưa lưới theo công nghệ Israel với quy mô 4 nhà màng. Hiện, doanh thu của đơn vị đạt trên 10 tỷ đồng/năm.

Vì sao dư nợ ngân hàng của các hợp tác xã ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Giám đốc HTX Nga Hải Lê Văn Bình kiểm tra dưa lưới trước khi xuất bán.

“Bà đỡ” cho hành trình này chính là sự hậu thuẫn từ ngành ngân hàng trong hành trình phát triển. Theo ông Lê Văn Bình - Giám đốc HTX Nga Hải, từ năm 1993, mô hình được Agribank Chi nhánh huyện Nghi Xuân cho vay những đồng vốn đầu tiên với 100 triệu đồng để làm nông nghiệp. Từ đó đến nay, giá trị vay vốn của HTX tại ngân hàng này có lần lên tới hàng chục tỷ đồng.

Có vốn, ngoài việc đầu tư nâng cấp chuồng trại chăn nuôi theo công nghệ hiện đại gắn với tăng quy mô đàn, HTX đang theo đuổi mục tiêu xây dựng thành công mô hình du lịch trải nghiệm sinh thái.

Cũng như HTX Nga Hải, HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (xã Kỳ Ninh - TX Kỳ Anh) cũng đã nhận được hơn 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của Agribank Chi nhánh huyện Kỳ Anh. Bà Đặng Thị Luận - Giám đốc HTX cho hay: “Khi mới thành lập, nguồn vốn của các thành viên góp chưa nhiều, bởi vậy, HTX đã nỗ lực xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh khoa học, tạo sản phẩm chất lượng và cố gắng kết nối thị trường tiêu thụ. Với doanh thu phát triển theo từng năm, HTX được ngân hàng tin tưởng tiếp vốn”.

Vì sao dư nợ ngân hàng của các hợp tác xã ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Hoạt động sản xuất của HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng.

Đến nay, thương hiệu nước mắm Luận Nghiệp của HTX này đã đạt OCOP 4 sao với mức tiêu thụ 50.000 lít/năm. Ngoài ra, đơn vị còn có 3 sản phẩm OCOP 3 sao khác là mắm ruốc, sứa ăn liền và cá mờm rim lạc. Doanh thu HTX hiện đạt hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Đó là hai trong số các HTX ở Hà Tĩnh được ngân hàng “bơm vốn” phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế không phải HTX nào cũng đủ điều kiện tiếp cận chính sách tín dụng như 2 đơn vị này.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhài Duy (xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh) thành lập năm 2015 với ngành nghề thu mua, chế biến nông sản. Từ 17 thành viên nay chỉ còn lại 10 thành viên, hoạt động kinh doanh 2 năm qua gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Nhiều lần HTX làm hồ sơ xin vay vốn ngân hàng để đầu tư kinh doanh, song không được đáp ứng.

Vì sao dư nợ ngân hàng của các hợp tác xã ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Nhiều HTX nông nghiệp tiềm lực tài chính khó khăn nên chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng.

Giám đốc HTX Tô Thị Nhài cho hay: “Nguồn vốn đóng góp của thành viên hiện chỉ đạt 2,5 tỷ đồng, không đủ chi phí trang trải. Chúng tôi đề nghị ngân hàng hỗ trợ vốn vay, song do HTX chưa được cấp đất, không có tài sản đảm bảo, trong khi HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, thị trường bấp bênh, doanh thu không ổn định... nên chưa đủ điều kiện để vay vốn tín dụng”.

Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, ngành ngân hàng đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh HTX tỉnh... tăng cường truyền thông về chính sách tín dụng, nhất là các chính sách hỗ trợ lãi suất đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX. Cùng đó, các tổ chức tín dụng đã chủ động cân đối nguồn vốn để cho vay các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả đối với các HTX đủ điều kiện. Tuy vậy, số HTX chính thức được hưởng từ chính sách tín dụng ưu đãi không nhiều và dư nợ ngân hàng của các HTX chưa được như kỳ vọng.

Vì sao dư nợ ngân hàng của các hợp tác xã ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Đến 30/9/2022, dư nợ ngân hàng các hợp tác xã ở Hà Tĩnh đạt 159,04 tỷ đồng.

Đến 30/9/2022, dư nợ cho vay các HTX đạt 159,04 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 0,18% tổng dư nợ trên toàn địa bàn. Rõ ràng, với tổng số 1.017 HTX thì hiện nay dư nợ ngân hàng lĩnh vực này còn đạt thấp.

Theo đánh giá của lãnh đạo các ngân hàng, nguyên nhân chủ yếu là do nội tại nhiều HTX trên địa bàn còn yếu, quy mô hoạt động nhỏ lẻ, tiềm lực tài chính còn hạn chế, thiếu vốn, thiếu đất, thiếu phương án đầu tư sản xuất - kinh doanh hiệu quả. Bằng chứng là theo kết quả phân loại HTX từ Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho thấy, trong 1.017 HTX, chỉ có 95 HTX hoạt động tốt và 231 HTX hoạt động khá; số còn lại nếu không cầm chừng thì hiệu quả sản xuất cũng rất thấp.

Ngoài ra, việc nắm bắt và tiếp cận các chính sách tín dụng, nhất là chính sách hỗ trợ lãi suất của khu vực kinh tế tập thể, HTX cũng hạn chế... Điều này đã cản bước các HTX tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Vì sao dư nợ ngân hàng của các hợp tác xã ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Liên minh HTX Hà Tĩnh phối hợp tổ chức tập huấn hướng dẫn thủ tục hồ sơ vay vốn ngân hàng cho các HTX.

Hiện nay, ngành ngân hàng Hà Tĩnh đang triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay từ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.

Đây được ví như “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp, hợp tác xã có thêm nguồn lực hậu COVID-19. Tuy vậy, để có thể hấp thụ được chính sách hỗ trợ thì việc các HTX phải tự "nâng chất”, đáp ứng các điều kiện cho vay.

Vì sao dư nợ ngân hàng của các hợp tác xã ở Hà Tĩnh đạt thấp?

Các HTX ở Hà Tĩnh cần tiếp tục nâng cao năng lực để đủ điều kiện tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.

Ông Lê Đăng Phúc - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Để tăng tỷ lệ HTX tiếp cận vốn ngân hàng, Liên minh HTX sẽ tăng cường phối hợp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho người lao động trong HTX, nhất là cán bộ quản lý HTX trên cơ sở đổi mới phương thức hoạt động; hỗ trợ xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả. Về phía HTX cần tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động sản xuất - kinh doanh, năng lực quản trị điều hành, năng lực tài chính; chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phục hồi sản xuất - kinh doanh sau đại dịch; chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các cơ chế, chính sách có liên quan, chủ động trong quan hệ giao dịch với các ngân hàng".

Cùng với đó, các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, đề xuất với tỉnh ban hành các cơ chế chính sách để tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Đồng thời, quan tâm phối hợp với ngành ngân hàng trong hoạt động thông tin, tuyên truyền cơ chế chính sách đến khu vực kinh tế tập thể, HTX, trong hoạt động kết nối – đối thoại, trong công tác xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu...

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Linh hoạt vận hành phát điện trong mùa cao điểm

Linh hoạt vận hành phát điện trong mùa cao điểm

Trước tình hình phụ tải điện tăng cao trong mùa nắng nóng, các nhà máy sản xuất điện ở Hà Tĩnh đã chủ động triển khai các giải pháp vận hành hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dồn sức những công đoạn cuối dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Dồn sức những công đoạn cuối dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Sau thời gian thi công, đến nay, Dự án đường bộ Cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn Hà Tĩnh cơ bản hoàn thành. Các nhà thầu đang gấp rút thi công những hạng mục cuối cùng để ngày 19/4 thông xe kỹ thuật theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây Dựng.
Tài chính thị trường ngày 17/4: Vì sao sữa “bẩn” lưu hành nhiều năm trên thị trường mà không bị phát hiện?

Tài chính thị trường ngày 17/4: Vì sao sữa “bẩn” lưu hành nhiều năm trên thị trường mà không bị phát hiện?

Đại diện Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lý giải cụ thể về việc một lượng lớn sản phẩm sữa giả "tuồn" ra thị trường trong thời gian dài mà không bị phát hiện. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 17/4 của Báo Hà Tĩnh.
Hải sản dồi dào trước mùa du lịch biển

Hải sản Hà Tĩnh dồi dào đón mùa du lịch biển

Những ngày qua, thời tiết khá thuận lợi cho hoạt động đánh bắt hải sản. Hải sản dồi dào, giá bán tăng khá nên ngư dân phấn khởi vươn khơi, bám biển. Đặc biệt, hiện nay đang chuẩn bị bước vào mùa du lịch biển nên sức tiêu thụ các loại hải sản cũng bắt đầu tăng.
Mục tiêu tăng trưởng từ 8% (bài cuối): Quyết liệt bứt phá, cùng cả nước vươn mình

Mục tiêu tăng trưởng từ 8% (bài cuối): Quyết liệt bứt phá, cùng cả nước vươn mình

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: “Để về đích mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị lớn đang đặt ra, cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp Hà Tĩnh cùng đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực khai thác tối đa mọi cơ hội...”.