Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh cải thiện dư nợ tín dụng chặng cuối năm

(Baohatinh.vn) - Bám sát thực tiễn, linh hoạt các phương án điều hành, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh đang nỗ lực tăng trưởng dư nợ “chặng nước rút” cuối năm.

Đóng chân tại xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh), BIDV Chi nhánh Nam Hà Tĩnh xác định Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng là “thỏi nam châm” để phát triển tín dụng. Trong đó, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh (FHS) là đối tác thường xuyên của BIDV Chi nhánh Nam Hà Tĩnh. Doanh nghiệp này được tài trợ vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng chủ lực như: thép cuộn cán nóng, thép dây, thép thanh vuông...

Với việc cung cấp các sản phẩm tài chính đa dạng, cũng như chất lượng dịch vụ tốt nên BIDV đã được Formosa tin tưởng sử dụng các sản phẩm dịch vụ vay vốn, tiền gửi, chuyển tiền trong nước và quốc tế, phát hành L/C nhập khẩu, nhờ thu xuất khẩu, nộp thuế ngân sách Nhà nước... cũng như thỏa thuận hợp tác cho CBNV vay vốn mua đất, mua nhà, ô tô với lãi suất ưu đãi.

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh cải thiện dư nợ tín dụng chặng cuối năm

Khách hàng đến giao dịch tại BIDV Chi nhánh Nam Hà Tĩnh.

BIDV Chi nhánh Nam Hà Tĩnh cũng hỗ trợ tối đa, tiếp vốn vay đầu tư cho các nhà thầu hợp tác với FHS, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp trên địa bàn KKT Vũng Áng tăng trưởng. Theo ông Bùi Đại Thắng - Giám đốc BIDV Chi nhánh Nam Hà Tĩnh: Năm 2023, sức hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp khó khăn trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Tuy vậy, với sự linh hoạt, chủ động trong điều hành, BIDV Chi nhánh Nam Hà Tĩnh vẫn có sự tăng trưởng tín dụng khá. Tính đến đầu tháng 9/2023, dư nợ của toàn chi nhánh đạt gần 4.300 tỷ đồng, tăng trưởng trên 5,5% so với cuối năm 2022.

Cũng theo ông Bùi Đại Thắng, chi nhánh đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho khách hàng, tạo điều kiện để khách hàng giải ngân mới trong thời gian sớm nhất và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của toàn chi nhánh.

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh cải thiện dư nợ tín dụng chặng cuối năm

Fomosa Hà Tĩnh được BIDV Chi nhánh Nam Hà Tĩnh cho vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Tại Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh, đến thời điểm này, tổng dư nợ đạt trên 13.160 tỷ đồng. Đơn vị đang tập trung các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhất là lĩnh vực khách hàng cá nhân. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ, Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh, ngày 2/10/2023 vừa qua, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Theo đó, lãi suất cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh chỉ từ 6%/năm và lãi suất tiêu dùng chỉ từ trên 8%/năm.

Cán bộ, nhân viên Vietcombank đã chủ động đến từng khách hàng để tư vấn và đưa ra giải pháp về tài chính cho khách hàng, hỗ trợ họ hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo đúng quy định. Vietcombank cũng luôn chú trọng việc đơn giản hoá thủ tục cho vay, nâng cao hiệu quả thẩm định nhằm tăng cường cho vay các khách hàng có phương án khả thi.

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh cải thiện dư nợ tín dụng chặng cuối năm

Ngày 2/10/2023, Vietcombank Hà Tĩnh tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.

Trong khi đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang nỗ lực “tăng tốc” đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ trong “chặng nước rút” năm 2023. Ông Nguyễn Văn Chính – Giám đốc Sacombank Hà Tĩnh cho biết: “Đến nay, phát triển dư nợ của đơn vị mới đạt 30% kế hoạch đặt ra trong năm 2023. Chi nhánh đang áp dụng các lãi suất ưu đãi cho khách hàng (từ 7% đối với khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh ngắn hạn; 8,5%/năm cho vay mua, xây, sửa chữa nhà ở, bất động sản)... Ngoài ra, Sacombank dành 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh ngắn hạn, lãi suất từ 5,5%/năm. Với các doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh trung và dài hạn hoặc có nhu cầu vay mua ô tô, Sacombank triển khai gói 1.000 tỷ đồng với lãi suất từ 9%/năm”.

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh cải thiện dư nợ tín dụng chặng cuối năm

Phát triển dư nợ của Sacombank Hà Tĩnh mới chỉ đạt 30% kế hoạch đặt ra trong năm 2023.

Được biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh năm 2023 là tăng 14 – 16% so với cuối năm 2022. Tuy vậy, đến 31/8/2023, dư nợ toàn địa bàn mới đạt 90.473 tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các dự án trọng điểm của tỉnh; kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt là thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất của Trung ương và tỉnh như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, chính sách hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn theo Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình tín dụng ưu đãi lâm sản, thủy sản (15.000 tỷ đồng)...

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast