Nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi giết mổ gia súc tại nhà

(Baohatinh.vn) - Dịp tết Nguyên đán là thời điểm hoạt động giết mổ gia súc tự phát tại nhà diễn ra khá nhiều, điều này tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn Hà Tĩnh.

Nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi giết mổ gia súc tại nhà

Nhiều gia đình chưa xử lý tốt vấn đề vệ sinh môi trường, ATVSTP khi tự ý giết mổ gia súc tại nhà.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), kiểm soát dịch bệnh thì việc giết mổ gia súc dù nhỏ lẻ vẫn cần phải đáp ứng những yêu cầu nhất định về nhân lực, địa điểm, thiết bị, dụng cụ, hệ thống nước thải...

Hiện nay, khi tết đang cận kề, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thịt gia súc tăng đột biến nên việc giết mổ tự phát diễn ra nhộn nhịp hơn, nhất là ở khu vực nông thôn thường có thói quen “đụng” thịt để chia nhau sử dụng.

Nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi giết mổ gia súc tại nhà

Lợn sau khi được giết mổ được người dân để trực tiếp trên nền gạch hoặc tấm bạt mỏng.

Nhiều năm giữ thói quen “đụng” thịt gia súc vào dịp tết nên bà V.T.C. (xã Sơn Bằng, Hương Sơn) thường hay tổ chức giết mổ 1-2 con rồi chia cho người thân sử dụng.

Bà C. cho hay: “Chúng tôi thường mổ lợn vào dịp tết. Trung bình, 4-5 gia đình sẽ chia nhau 1-2 con lợn, năm nào có điều kiện thì sẽ chung nhau mua 1 con bê hoặc bò để làm thịt. Những con lợn, bê, bò chúng tôi sử dụng đều do các hộ gia đình trong thôn tự nuôi, nguồn gốc rõ ràng nên rất yên tâm. Việc “đụng” thịt cũng giúp chúng tôi tiết kiệm được một khoản chi phí so với mua thịt từ bên ngoài...”.

Nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi giết mổ gia súc tại nhà

Việc giết mổ gia súc tại nhà và buôn bán được quảng cáo trên mạng.

Nhiều gia đình không chỉ tự ý giết mổ gia súc tại nhà để sử dụng mà còn tranh thủ đăng lên các trang mạng xã hội để rao bán sản phẩm.

Chị P.N.A. (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) cho biết: “Nhiều người quen của tôi khi giết mổ gia súc xong là rao bán trên mạng. Tôi thường đặt mua và được họ gửi đến tận nhà thay vì phải ra chợ, siêu thị. Vì là người quen bán nên tôi khá tin tưởng, chứ thực tình tôi cũng chưa quan tâm sản phẩm có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không...”.

Không riêng gì bà C., chị A. mà hiện nay, đa phần người dân tự ý giết mổ gia súc tại nhà hay mua thịt gia súc từ những người quen tự giết mổ đều chưa quan tâm đến vấn đề ATVSTP, vệ sinh môi trường, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi như: dịch lợn tai xanh, viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn châu Phi...

Điều dễ nhận thấy đối với việc tự ý giết mổ gia súc tại nhà là vấn đề phòng dịch không được chú trọng. Nhiều sản phẩm thịt được người dân sơ chế ngay trên nền gạch, máu, chất thải của động vật không được xử lý sạch sẽ là nguyên nhân dẫn đến việc nhiễm khuẩn và lây lan mầm bệnh.

Cũng do thiếu điều kiện về nguồn nước, hóa chất khử trùng, dụng cụ giết mổ, dụng cụ đựng thực phẩm... nên khi tự ý giết mổ gia súc tại nhà, môi trường sống dễ bị ô nhiễm do nguồn nước thải, chất thải được xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước của khu dân cư.

Ông D.Đ.T. (xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) thừa nhận: “Việc giết mổ gia súc tại nhà để sử dụng là thói quen mỗi dịp tết đến của nhiều gia đình tại vùng nông thôn. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thực sự quan tâm tới việc đảm bảo vệ sinh môi trường, ATVSTP... Bản thân tôi khi tự làm thịt lợn cũng chưa đảm bảo quy định về bảo hộ, vệ sinh y tế cá nhân”.

Nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi giết mổ gia súc tại nhà

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động buôn bán sản phẩm từ gia súc, gia cầm tại các chợ trên địa bàn huyện Can Lộc.

Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh khuyến cáo: “Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ việc giết mổ tại nhà, người dân nên đưa các loại gia súc đến những cơ sở giết mổ tập trung để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, xử lý được những nguy cơ mất ATVSTP.

Toàn tỉnh hiện có 34 cơ sở giết mổ gia súc tập trung đang hoạt động với quy mô đảm bảo giết mổ từ 30 đến 70 con lợn/ca giết mổ. Một số cơ sở bố trí thêm khu vực giết mổ trâu bò, với quy mô từ 5 - 15 con trâu bò/ca giết mổ. Địa bàn phục vụ cho hoạt động giết mổ theo quy hoạch của các địa phương từ 5 - 7 xã/cơ sở. Do vậy, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu giết mổ gia súc của người dân. Và tốt hơn hết người tiêu dùng nên sử dụng sản phẩm động vật rõ nguồn gốc, đã được kiểm soát giết mổ".

Quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 04/2020/NĐ-CP về vi phạm về vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh như sau:

Vi phạm về vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast