Thường vụ Quốc hội đồng ý thành lập thành phố Thủ Đức

Chiều 9/12, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ tán thành sự cần thiết thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện (Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức, giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện) nhằm thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

Thành phố Thủ Đức được thành lập sẽ là tiền đề quan trọng để hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây sẽ là hạt nhân, một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế phía Nam phát triển.

Mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là một mô hình mới, chưa có trong tiền lệ nhưng đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 110), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Điều 2) và mới đây nhất là Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, việc thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 ĐVHC cấp huyện như đề nghị của Chính phủ là thực sự cần thiết, bảo đảm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

Thường vụ Quốc hội đồng ý thành lập thành phố Thủ Đức

Phiên họp 51 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo Nghị quyết vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của Quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của Quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.

Thành phố Thủ Đức giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.

Nghị quyết cũng thống nhất sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Thủ Đức như sau: Nhập toàn bộ 1,74 km2 diện tích tự nhiên, 124 người của phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm. Sau khi nhập, phường Thủ Thiêm có 3,25 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 428 người.

Sau khi thành lập thành phố Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Thủ Đức có 34 phường.

Nghị quyết cũng quy định về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ở Quận 3, Quận 5, Quận 10, Quận Phú Nhuận...

Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng giải thể TAND, Viện KSND Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TAND, Viện KSND thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, Thành phố Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.

Mô hình chính quyền địa phương ở thành phố Thủ Đức có cả HĐND và UBND thành phố, tuy nhiên các phường thuộc Thủ Đức sẽ không tổ chức HĐND.

Do việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở Thành phố Hồ Chí Minh được tiến hành sau thời điểm Đại hội Đảng bộ các cấp, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tập trung chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị ở những đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp để bảo đảm sớm ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn, đặc biệt là công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sắp tới.

Phát biểu tại phiên làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, sau khi sáp nhập để thành lập thành phố Thủ Đức sẽ có 644 người dôi dư ở cấp huyện và cấp xã.

“Chúng tôi cam kết với Bộ Nội vụ là sẽ cố gắng sắp xếp số cán bộ dôi dư đến năm 2022 sẽ xong. Thành phố chỉ đạo các đơn vị, cơ quan nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ công chức, viên chức để tạo sự đồng thuận khi sắp xếp; đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ và lộ trình phù hợp” – ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Liên quan đến đề nghị của Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình về bổ sung biên chế cũng như quan tâm đến cơ sở vật chất cho hệ thống toà án, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về mặt nguyên tắc sẽ cho cơ chế đặc thù đối với các cơ quan tư pháp ở Thủ Đức vì khối lượng công việc của ngành hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, để đảm bảo sự đồng bộ với các cơ quan khác cũng như chính sách chế độ tiền lương, vị trí việc làm, vấn đề này sẽ được xem xét sau.

Theo VOV

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.