Tiến độ thi công cao tốc là thước đo trách nhiệm, danh dự, thương hiệu của nhà thầu

Hôm nay (10/9), tại Bình Thuận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dự lễ phát động thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây”.

Tiến độ thi công cao tốc là thước đo trách nhiệm, danh dự, thương hiệu của nhà thầu

Phó Thủ tướng tin tưởng sau lễ phát động, sẽ tạo không khí thi công mới trên công trường - Ảnh VGP/Đức Tuân

Buổi lễ diễn ra tại công trường dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức. Trước khi dự lễ phát động, Phó Thủ tướng đã dành 3 ngày đi kiểm tra thực địa 3 tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Phan Thiết – Dầu Giây và sau đó, kiểm tra tiếp tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết.

Tiến độ thi công cao tốc là thước đo trách nhiệm, danh dự, thương hiệu của nhà thầu

Các nhà thầu chuẩn bị vật liệu thi công cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây - Ảnh VGP/Đức Tuân

Đổi mới tư duy, phương thức, cách làm, tuân thủ chặt quy định pháp luật

Phát động thi đua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, “Đây có thể được xem như 1 chiến dịch lớn trong năm 2022 của ngành GTVT với những mục tiêu, tiêu chí thi đua khen thưởng rất cụ thể đối với từng hạng mục, từng gói thầu, đối với từng nhà thầu và từng dự án”.

Tiến độ thi công cao tốc là thước đo trách nhiệm, danh dự, thương hiệu của nhà thầu

Phó Thủ tướng kiểm tra thực địa tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vào sáng nay, 10/9 - Ảnh VGP/Đức Tuân

Hiện nay, khối lượng các hạng mục còn lại cần phải hoàn thành khá lớn, thời gian thi công còn lại không nhiều (4 tháng) và vẫn còn đang trong mùa mưa (khoảng 1,5 tháng). Chính vì vậy, để hoàn thành được mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, hơn lúc nào hết, các đơn vị, chủ thể tham gia Dự án cần thể hiện được bản lĩnh, năng lực và quyết tâm, trách nhiệm cao nhất, đặc biệt là vai trò các nhà thầu thi công…

“Các nhà thầu phải điều chỉnh tiến độ thi công, tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính… tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ, bù lại phần khối lượng đã bị chậm và thực hiện đúng với cam kết thi đua về tiến độ hoàn thành gói thầu, dự án, bảo đảm hoàn thành Dự án đúng tiến độ yêu cầu; tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.

Hưởng ứng thi đua, đại diện các ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị thi công khẳng định tập trung mọi nguồn lực (tài chính, thiết bị, con người) triển khai khẩn trương với quyết tâm cao nhất để thông xe các tuyến cao tốc trong năm 2022.

Tiến độ thi công cao tốc là thước đo trách nhiệm, danh dự, thương hiệu của nhà thầu

Phó Thủ tướng nghe báo cáo về tình hình triển khai dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây - Ảnh VGP/Đức Tuân

Thi đua thực chất, giữ lời hứa trước nhân dân vì danh dự

Chứng kiến phát động thi đua và cam kết của các đơn vị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc.

Việc thực hiện nhiệm vụ này là trọng trách rất lớn trước Đảng, trước nhân dân, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là danh dự, là trách nhiệm, “chứ không phải chỉ là việc phát triển kinh doanh thuần tuý” của các nhà thầu.

Tiến độ thi công cao tốc là thước đo trách nhiệm, danh dự, thương hiệu của nhà thầu

Phó Thủ tướng chứng kiến các đơn vị ký cam kết thi đua - Ảnh VGP/Đức Tuân

“Tôi đã đi kiểm tra cả 4 tuyến cao tốc trong 3 ngày qua mà chúng ta đưa ra mục tiêu phải hoàn thành trong năm 2022. Nếu không hoàn thành thì sang năm 2023 sẽ tạo ra áp lực rất lớn, khó hoàn thành các đoạn tiếp theo và như vậy tới 2025, không hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết của Chính phủ đề ra”.

Qua đi kiểm tra, khảo sát, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ GTVT, địa phương, các cơ quan liên quan, các nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn thiết kế đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của dự án (khoảng 5.000 ha); giải quyết khối lượng rất lớn về vật tư với hàng trăm triệu khối đất, cát, đá...

Nhiều ban quản lý, nhà thầu đã rất nỗ lực, đổi mới phương pháp, cách làm, huy động tối đa thiết bị, phương tiện và nhân lực trên công trường, do đó rút ngắn thời gian thi công. Đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn cơ bản hoàn thành, các đoạn khác có nhiều tiến bộ rất cụ thể trên công trường.

Tiến độ thi công cao tốc là thước đo trách nhiệm, danh dự, thương hiệu của nhà thầu

Phó Thủ tướng phát biểu tại lễ phát động - Ảnh VGP/Đức Tuân

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, so với mục tiêu đề ra là chưa đạt yêu cầu. Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng đồng tình với các nguyên nhân vướng mắc mà các nhà thầu phản ánh. Đó là ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời tiết, khí hậu cực đoan, giá cả vật tư, nguyên vật liệu tăng... Phó Thủ tướng đặt vấn đề, trong cùng hoàn cảnh khó khăn như vậy, “tại sao có những nhà thầu hoàn thành rất tốt, làm những đoạn tuyến rất đẹp, hoàn thành sớm”. Phải tìm ra được các giải pháp để vượt qua được khó khăn trong giai đoạn tới đây.

“Qua đi thực tế thì thấy từ nay tới 30/11 mà khánh thành được tuyến Cam Lộ - La Sơn là một thành công lớn. Tuy nhiên, công việc còn rất nhiều. Từ nay đến 30/10 phải cơ bản xong, thông tuyến này. Còn tuyến Mai Sơn – Quốc lộ 45, nhiều đoạn chưa dỡ tải. Để tới 31/12 thông tuyến cũng không phải dễ”, Phó Thủ tướng nói. “Hôm nay đi tuyến Phan Thiết – Dầu Giây thì thấy khối lượng còn rất nhiều”. Do đó, “nếu chỉ phát động phong trào một cách hình thức thì không được”.

Nhấn mạnh việc giữ lời hứa đối với ngành giao thông là vô cùng quan trọng, Phó Thủ tướng chỉ rõ, khi nhà thầu xây dựng giao thông có thương hiệu, có uy tín thì sẽ nhận được nhiều công trình, “làm không hết việc, doanh nghiệp ngày càng phát triển thịnh vượng”. Để có thương hiệu thì phải bảo đảm chất lượng, tiến độ; không hoàn thành lời hứa, cam kết là có khuyết điểm, có lỗi với nhân dân.

Xử lý một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm “nút thắt” về mặt bằng, về mỏ vật liệu, thực hiện di dời đường điện cao thế đúng tiến độ.

Chia sẻ khó khăn về tài chính với các nhà thầu, Phó Thủ tướng cho rằng, có một số nguyên nhân cần giải quyết, đó là khối lượng nghiệm thu chậm, thanh toán chậm, sử dụng nguồn vốn không đúng mục tiêu, “khi tiền thanh toán về lại sử dụng cho việc khác”. Các nhà thầu, đơn vị thi công phải sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tiền của dự án phải được sử dụng cho công trình, tránh tình trạng lấy tiền của gói thầu này để sử dụng cho việc khác.

Ban Quản lý dự án phải thành lập tổ công tác thường xuyên phối hợp với tư vấn để nghiệm thu dự án, kịp thời thanh toán cho nhà thầu, tạo nguồn lực cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. “Làm đến đâu nghiệm thu đến đó, càng nhanh càng tốt, bảo đảm chặt chẽ về quy trình, quy định để có tiền ngay cho nhà thầu”.

Với các nhà thầu, Phó Thủ tướng lưu ý, không để xảy ra tình trạng mua đi bán lại các gói thầu trong quá trình xây dựng.

Với những nhà thầu chậm tiến độ thì Ban quản lý dự án phải điều động ra khỏi gói thầu để đưa nhà thầu mới vào. Các nhà thầu tăng cường trang thiết bị, nhân lực, tổ chức nhiều ca thi công.

Phó Thủ tướng cho biết, sẽ khen thưởng những đơn vị làm tốt, trong đó, có “phần thưởng” lớn là xem xét ưu tiên đối với các nhà thầu có năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng để lựa chọn tham gia thi công dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 và các Dự án cao tốc trọng điểm khác. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT rà soát, xử lý, điều chuyển Ban quản lý dự án làm chậm.

“Nhiệm vụ đến năm 2030 phải hoàn thành 5.000 km cao tốc cần có những doanh nghiệp, thương hiệu tầm cỡ, uy tín, gánh vác được các công trình lớn”, Phó Thủ tướng nói và bày tỏ mong muốn lễ phát động sẽ tạo không khí mới với tinh thần trách nhiệm cao của từng người, từng vị trí công tác, từ công nhân lao động đến chỉ huy trưởng công trình, giám đốc nhà thầu, để đến ngày 31/12 thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

Theo Đức Tuân/VGP News

Đọc thêm

Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Từ năm 2008 (khi Tập đoàn Formosa triển khai dự án tầm cỡ tại Khu kinh tế Vũng Áng) đến năm 2020 là giai đoạn có nhiều thăng trầm đối với khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Để đảm bảo song hành 2 mục tiêu chính: nâng tầm khu kinh tế động lực và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp ở Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, quyết sách sát đúng cùng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt.
Vang mãi bài ca kết đoàn...

Vang mãi bài ca kết đoàn...

Hình thành và phát triển trong quá trình chinh phục thiên nhiên và đấu tranh dựng nước, giữ nước, tinh thần đoàn kết đã trở thành một giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ở các thời kỳ lịch sử, truyền thống đó tuy có những biểu hiện khác nhau nhưng luôn là sức mạnh vô địch, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi vẻ vang.
Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Hòa trong không khí của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các khu dân cư ở Hà Tĩnh đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần gắn kết cộng đồng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025, các nghị quyết chuyên đề, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ cả nhiệm kỳ.