Tiểu đoàn 44B Hà Tĩnh – xứng danh đơn vị Anh hùng

(Baohatinh.vn) - Qua 21 năm xây dựng và chiến đấu (từ năm 1968 đến 1989), Tiểu đoàn 44B Hà Tĩnh góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế, xứng danh đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

Sau chiến dịch tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ điên cuồng chống phá cách mạng trên khắp các mặt trận. Trước yêu cầu tăng viện cho chiến trường, Tiểu đoàn 44B Hà Tĩnh được thành lập vào ngày 20/2/1968. Sau 6 tháng ổn định tổ chức và huấn luyện, tiểu đoàn được giao nhiệm vụ chiến đấu tại Mặt trận Trung Lào từ năm 1968 đến 1989, trong đó có 5 năm trực thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh.

Tiểu đoàn 44B Hà Tĩnh – xứng danh đơn vị Anh hùng

Tiểu đoàn 44B Hà Tĩnh gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (20/2/1968 – 20/2/2018).

Trong những năm tháng ấy, Tiểu đoàn 44B đã phối hợp với các đơn vị đánh địch hàng trăm trận lớn nhỏ, trong đó có 62 trận đánh cấp tiểu đoàn, tiêu diệt 1.221 tên địch, gọi hàng 38 tên, thu hàng ngàn khẩu súng các loại cùng nhiều phương tiện, khí tài, quân dụng của địch, giải phóng hàng ngàn cây số vuông thuộc 2 tỉnh Bolikhămxay và Khăm Muồn. Những địa danh, những căn cứ địch đã ghi dấu ấn của tiểu đoàn như: Xăm Xoọc, điểm 4, cao điểm 1326 Xanh, Pà Thầu, thị xã Pặc Xan, Thà Khẹt, Lèn Na Năng, Sê Bông Phai…

Trận đánh đầu tiên của tiểu đoàn là căn cứ Xăm Xoọc - trung tâm Phỉ Mẹo Vàng Pao lớn nhất tại Trung Bắc Lào, có 1 tiểu đoàn tăng cường, được trang bị vũ khí tối tân, có máy bay, pháo binh yểm trợ. Tiểu đoàn 44B được tăng cường 1 đại đội của Tiểu đoàn 31 đặc công Quân khu 4, Đại đội 22 đặc công của tỉnh và Đại đội 15 bộ đội Pha Thét Lào. Đúng 3h30 phút ngày 28/10/1968, tiếng bộc phá lệnh từ đại đội đặc công phát nổ, tất cả các đơn vị đồng loạt xung phong đánh chiếm các mục tiêu. Sau 1 giờ chiến đấu, lực lượng ta đã làm chủ tất cả các điểm 1,2,3. Tại điểm 1, ta tiêu diệt 71 tên địch, trong đó có tên tiểu đoàn trưởng, phá hủy đài vô tuyến điện, thu hơn 50 khẩu súng các loại.

Sau khi thất thủ, địch rút về chốt giữ tại điểm 4. Sáng ngày 29/10/1968, địch quay lại đánh chiếm điểm 1, 2. Tiểu đoàn ra lệnh cho các mũi phản công đánh trực diện vào đội hình địch. Trước sự tấn công mãnh liệt của ta, địch chống cự yếu ớt và rút chạy. Tiếp đó, chúng tiếp tục tổ chức đánh chiếm lại điểm 1, 2. Tiểu đoàn lệnh cho Đại đội 1 ngăn chặn và tiêu diệt địch tại điểm 1, Đại đội 2 cơ động theo hướng phía Đông Nam tiêu diệt địch tại điểm 2. Sau 1 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt nhiều tên địch, buộc chúng phải rút chạy. Đến ngày 5/11, tiểu đoàn sử dụng hỏa lực bắn cấp tập vào điểm 4, chi viện cho Đại đội 1 xung phong tiêu diệt 8 tên địch, trong đó có tên đại đội trưởng, làm bị thương 6 tên.

Tiểu đoàn 44B Hà Tĩnh – xứng danh đơn vị Anh hùng

Ban liên lạc Tiểu đoàn 44B thăm lại căn cứ Xăm Xoọc.

Khi Mặt trận 972 được thành lập, Tiểu đoàn 44B là đơn vị chủ công, cùng Tiểu đoàn 42 Nghệ An, Tiểu đoàn 31 đặc công và một số đơn vị vũ trang của bạn có nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, giúp bạn giành dân, giải phóng đất đai, củng cố vùng giải phóng. Với sự chi viện của các đơn vị phối thuộc, tiểu đoàn đã đánh Đồn Khố Đỏ tại trung tâm thị xã Thà Khẹt và Sở chỉ huy Lữ đoàn BV32. Đúng 3h30 phút ngày 15/11/1972, các đơn vị đồng loạt tấn công. Sau 1 giờ chiến đấu, ta làm chủ trận địa, giải phóng hoàn toàn thị xã Thà Khẹt.

Đến ngày 28/1/1973, địch cho một tiểu đoàn ra đóng quân từ ngã 3 Tắc Kéo đến bản Thậm Lay, Bản Xóm. Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ triển khai đội hình bao vây chặt 3 hướng xung quanh Lèn Pa Năng, còn một hướng là sông lớn. Sau 30 phút nổ súng, ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt gọn một đại đội địch, bắt sống 26 tên. Đây là trận đánh có hiệu suất cao nhất của tiểu đoàn trong Mặt trận 972.

Tiểu đoàn 44B Hà Tĩnh – xứng danh đơn vị Anh hùng

Bộ CHQS tỉnh Bolikhămxay gặp và làm việc với Ban Liên lạc CCB Tiểu đoàn 44B.

Còn nhiều, rất nhiều trận đánh oai hùng như trận đánh địch ở Bản Thuội - Ngã ba Thang Bẹng. Tuy lực lượng Đại đội 2 ít hơn địch nhưng đã tiêu diệt 37 tên. Sau đó, với sự chi viện của Đại đội 1, đơn vị đã truy đuổi, buộc địch phải tháo chạy, vượt sang Thái Lan...

Sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 44B Hà Tĩnh đã được Nhân dân và các LLVT của nước bạn ghi nhận. Trung tá Nênh Nụ Lò Vàng - nguyên Bí thư, Huyện trưởng, Chỉ huy trưởng Quân sự huyện Viêng Thong, tỉnh Bolikhămxay (nguyên chiến sĩ Đại đội 124 bộ đội Pa Thét Lào) bày tỏ: “Nhân dân các bộ tộc Lào không thể nào quên được công lao to lớn của các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 44B đã chiến đấu, hy sinh tính mạng để góp phần giải phóng Tổ quốc chúng tôi..”.

Tiểu đoàn 44B Hà Tĩnh – xứng danh đơn vị Anh hùng

Bộ CHQS tỉnh Bolikhămxay gặp gỡ Ban Liên lạc CCB Tiểu đoàn 44B

Trong chặng đường chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt đó, 144 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đã anh dũng hy sinh (tổng hợp đến tháng 2/2023). Chiến tranh đã lùi xa nhưng nhiều đồng đội còn thất lạc trên mọi chiến trường, đồng đội, người thân vẫn chưa tìm được phần mộ để chăm sóc, hương khói; nỗi đau vẫn chưa vơi.

Đất nước thống nhất, số đông cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 44B thời chống Mỹ vẫn trong quân ngũ để xây dựng quân đội chính quy, hiện đại. Nhiều đồng chí được đào tạo cơ bản, hàng trăm đồng chí được phong quân hàm cấp tá, trong đó, gần 30 đồng chí là cán bộ cao cấp trong quân đội, một số chuyển ngành sang công tác ở các cơ quan dân chính hoặc các doanh nghiệp.

Với khí chất, tâm hồn người lính, vượt qua cuộc chiến với biết bao gian khổ, hy sinh, nay họ vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn một niềm tin sắt đá vào lý tưởng của Đảng, trọn tình yêu thương đồng chí đồng đội. Họ tự hào được góp công sức, trí tuệ và cả thân mình để vun đắp cho tình đoàn kết Việt - Lào thủy chung son sắt, giữ vững bản chất người lính Cụ Hồ.

Tiểu đoàn 44B Hà Tĩnh – xứng danh đơn vị Anh hùng

Cựu chiến binh Tiểu đoàn dâng hương cho đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Nầm.

Với những chiến công hiển hách, Tiểu đoàn 44B đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 18 huân chương chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba cho các tập thể. Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Liệt sĩ Nguyễn Văn Tấn - Đại đội phó Đại đội 2 cùng hàng trăm huân, huy chương các loại cho cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn.

Đặc biệt, ngày 21/11/2022, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có Quyết định số 1385/ QĐ- CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tiểu đoàn 44B vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Sau Tiểu đoàn 8 Cao xạ, Tiểu đoàn 44B là đơn vị quân thường trực thứ 2 của LLVT tỉnh Hà Tĩnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với truyền thống cách mạng hào hùng của Đảng bộ, Nhân dân, LLVT tỉnh nhà trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước và nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.