TikTok thảm bại trong nỗ lực vận động hành lang ở Mỹ

TikTok vận động hành lang nhưng dường như không hiểu đúng bối cảnh ở Mỹ và không thể ngăn Đồi Capitol thông qua luật có thể cấm ứng dụng này.

TikTok vận động hành lang nhưng dường như không hiểu đúng bối cảnh ở Mỹ và không thể ngăn Đồi Capitol thông qua luật có thể cấm ứng dụng này.

Tháng 3/2023, giám đốc điều hành (CEO) TikTok Shou Zi Chew trải qua 5 giờ điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện. Các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa liên tục chất vấn Chew về liên hệ giữa TikTok và chính phủ Trung Quốc, tác động của ứng dụng đến trẻ em và sức khỏe tâm thần người dùng.

"Tóm lại, dữ liệu của người dùng Mỹ được lưu trữ trên lãnh thổ Mỹ, bởi một công ty Mỹ và do nhân viên là người Mỹ giám sát", Chew phản hồi về lo ngại ByteDance, công ty mẹ của TikTok ở Trung Quốc, và Bắc Kinh tiếp cận dữ liệu người dùng Mỹ. Chew nêu những biện pháp TikTok đang triển khai để giải quyết lo ngại của chính phủ Mỹ.

"Họ nghĩ đó là thành công lớn", chuyên gia công nghệ Jim Lewis, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) trụ sở Washington, nói với Politico. Lewis trao đổi với cố vấn trưởng Erich Andersen của TikTok vài ngày sau phiên điều trần của Chew và cảm thấy sốc khi Anderson tỏ ra rất hài lòng.

"Andersen nói với tôi rằng họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đại loại vậy", Lewis kể lại.

Theo một số nghị sĩ Mỹ, chuyên gia công nghệ và cá nhân thạo tin, hiểu sai bối cảnh ở Washington là điều đặc trưng ở TikTok. Điều này phần nào lý giải tại sao nhóm vận động hành lang của TikTok không thể giải quyết các lo ngại từ Đồi Capitol, dẫn đến sự xuất hiện của một luật có thể cấm ứng dụng này tại Mỹ.

"Họ nghĩ mình là Mark Zuckerberg, ngoại trừ không phải người Mỹ", Lewis nói, nhắc đến CEO của mạng xã hội Facebook. Có thành công thương mại và lượng người dùng lớn, nhưng mối liên hệ với Trung Quốc khiến TikTok dễ tổn thương hơn nhiều so với các công ty công nghệ khác, như Meta, công ty mẹ Facebook.

Luật mới, được Tổng thống Joe Biden ký ban hành hôm 24/4, sẽ buộc TikTok cắt quan hệ với ByteDance, nếu không sẽ bị cấm tại Mỹ. Trong video đăng sau đó, Chew nói TikTok sẽ đệ đơn kiện, bởi luật mới đã vi phạm quyền của người dùng Mỹ theo Tu chính án thứ nhất về tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận.

"Sự thật và hiến pháp đứng về phía chúng tôi. Chúng tôi kỳ vọng sẽ lại thắng thế", Chew nói.

CEO TikTok Shou Zi Chew trong buổi điều trần ở Đồi Capitol tháng 3/2023. Ảnh: Reuters
CEO TikTok Shou Zi Chew trong buổi điều trần ở Đồi Capitol tháng 3/2023. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung không có dấu hiệu hạ nhiệt, bất kỳ ứng dụng nào liên quan Trung Quốc sớm muộn đều có nguy cơ bị hạn chế. TikTok từng bị chính phủ Mỹ cảnh báo suốt nhiều năm. Tháng 8/2020, ông Donald Trump ký sắc lệnh yêu cầu TikTok cắt quan hệ với ByteDance trong 45 ngày hoặc bị cấm ở Mỹ. TikTok khởi kiện ra tòa án liên bang và chiến thắng.

TikTok đã thuê hàng chục nhà vận động hành lang có kinh nghiệm từ các công ty ở Washington, tìm đến các cựu quan chức dưới thời ông Barack Obama để tuyển làm cố vấn. Theo hồ sơ liên bang, TikTok và ByteDance đã chi ít nhất 27 triệu USD để vận động hành lang ở Washington kể từ năm 2019.

"Họ tung tiền vào Washington", Jacob Helberg, thành viên Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, nói. "Nhưng họ chưa bao giờ dành thời gian để trả lời thỏa đáng câu hỏi 'TikTok có bị kiểm soát bởi chính phủ Trung Quốc không?'".

Lewis theo dõi phiên điều trần của Chew, mô tả nó giống như "buổi tra khảo". Với giới quan sát, mọi dấu hiệu cho thấy tương lai của TikTok tại Mỹ sẽ bấp bênh đều hiển hiện ở sự kiện, bởi lưỡng đảng nhận thấy TikTok là một mục tiêu dễ nhắm vào.

Do đó, Lewis cảm thấy "kinh ngạc" khi Andersen tự hài lòng với những gì đã diễn ra. "Cuộc gặp với Andersen là lúc tôi nhận ra họ đã xa rời thực tế. Mọi chuyện không tốt như vậy", Lewis kể lại.

Lewis cho rằng sự tự tin đặt sai chỗ của TikTok chứng tỏ họ không hiểu cách thức quốc hội vận hành. Với khoảng 170 triệu người dùng hàng tháng tại Mỹ, các giám đốc tại TikTok cảm thấy họ "quá lớn" nên lưỡng viện Mỹ không dám hành động do lo sợ ảnh hưởng đến quan điểm cử tri.

"Họ cảm thấy mình bất khả xâm phạm", Lewis nói.

Cơn ác mộng với TikTok dần hình thành. Sau khi suýt bị cấm, TikTok đã tăng chi tiêu cho vận động hành lang và quan hệ công chúng lên gần gấp đôi trong một năm, từ 2,5 triệu USD năm 2020 lên 4,75 triệu USD năm 2021.

Bất chấp gia tăng nguồn lực, giới quan sát nói TikTok vẫn phải chịu một tổn thất, lẽ ra có thể ngăn ngừa được, ngay đầu năm 2022. Khi đó, các nhà vận động hành lang không thể thuyết phục quốc hội Mỹ về "Dự án Texas", kế hoạch của TikTok để bảo vệ dữ liệu người Mỹ bằng cách lưu trữ trên máy chủ ở Mỹ, do công ty công nghệ Mỹ vận hành.

Helberg nói Dự án Texas "bị gọi đùa là 'chiêu trò tiếp thị' ở Đồi Capitol". Các nghị sĩ quan tâm đến mối quan hệ giữa TikTok và Trung Quốc hơn là nỗ lực bảo vệ dữ liệu. Thượng nghị sĩ Maria Cantwell, chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện, có chung quan điểm.

"Vấn đề không phải là Dự án Texas hay chuyển thêm máy chủ đến Texas", bà Cantwell nói với báo giới trước khi Thượng viện bỏ phiếu ngày 23/4. "Vấn đề là các bạn có hay không một cổng hậu có thể triển khai thuật toán nhằm gây hại cho công dân hay quân đội Mỹ. Đây là vấn đề cốt lõi cần giải đáp".

Biểu tượng ứng dụng TikTok trên một điện thoại thông minh trong ảnh chụp ngày 13/7/2021. Ảnh: Reuters
Biểu tượng ứng dụng TikTok trên một điện thoại thông minh trong ảnh chụp ngày 13/7/2021. Ảnh: Reuters

Các nhà vận động hành lang của TikTok cũng ít đề cập đến những vấn đề quan trọng. Cantwell bày tỏ bất ngờ vì số lần bà tiếp xúc với các nhà vận động hành lang của TikTok so với các gã khổng lồ công nghệ khác. Cantwell mới lắng nghe đại diện TikTok hai lần, một trong cuộc gặp với Chew hồi tháng 9/2022 và hai là qua tin nhắn văn bản khoảng 4-5 tháng trước.

Một nhà đầu tư vào TikTok cho biết Andersen, phụ trách nhóm quan hệ chính phủ của TikTok cho đến cuối năm 2022, không khuyến khích các nhà vận động hành lang tham gia gặp mặt định kỳ ở Đồi Capitol. Điều này khiến họ khó xây dựng được các mối quan hệ tại quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của TikTok nói thông tin bà Cantwell đưa ra là "hoàn toàn không đúng". Các nhà vận động hành lang TikTok "đã trực tiếp trao đổi với bà ấy trong 4 năm", người này nói, nhưng từ chối bình luận về Andersen. "Có chút bất công nếu đổ lỗi cho ai đó".

Đầu năm 2023, TikTok gặp một rắc rối bất ngờ. Chính trường Mỹ dồn sự chú ý vào đường bay của một khí cầu Trung Quốc qua nước này. Washington cho rằng đây là khí cầu do thám, trong khi Bắc Kinh nói nó chỉ là khí cầu dân sự phục vụ nghiên cứu khí tượng, bay lạc vào Mỹ.

Helberg mô tả khí cầu này chính là điểm ngoặt quan trọng, "tái châm ngòi những lo ngại liên quan TikTok". Hạ nghị sĩ Michael McCaul, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, bắt đầu mô tả TikTok là "khí cầu do thám trên điện thoại".

Sự kiện có ảnh hưởng đáng kể. Tổng chưởng lý Montana cho biết khí cầu Trung Quốc là yếu tố trực tiếp dẫn đến lệnh cấm TikTok ở bang này. Tuy nhiên, một thẩm phán liên bang tháng 11/2023 đã chặn lệnh cấm, do nó "vượt quyền hạn bang và ảnh hưởng đến quyền của người dân trong hiến pháp".

Một người biểu tình phản đối lệnh cấm TikTok ở Đồi Capitol, Washington ngày 12/3. Ảnh: Reuters
Một người biểu tình phản đối lệnh cấm TikTok ở Đồi Capitol, Washington ngày 12/3. Ảnh: Reuters

TikTok tiếp tục phản công, bắt đầu sử dụng đến "vũ khí" mà họ cho rằng có thể ảnh hưởng về mặt chính trị. Đó là những người dùng trung thành và nhà sáng tạo nội dung.

Ngày 4/2/2023, quân đội Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc. 6 tuần sau đó, ngay trước phiên điều trần của Chew, TikTok đưa một nhóm nhà sáng tạo nội dung đến Washington nhằm gây áp lực với quốc hội Mỹ. Họ biểu tình bên ngoài Đồi Capitol cùng một số nghị sĩ ủng hộ TikTok, chỉ trích quốc hội Mỹ vì tìm cách tước đi sinh kế của mình.

Lewis gọi cuộc biểu tình này là "bước đi sai lầm", ca ngợi sự phổ biến của TikTok thay vì giải quyết lo ngại từ lưỡng viện về an ninh quốc gia. "Họ nói lên những điều như 'hãy xem TikTok quan trọng thế nào với người phụ nữ kiếm tiền bằng việc bán bánh trực tuyến này'", Lewis nói. "Điều đó có thể đúng, nhưng không hiệu quả".

Một năm sau đó, những người dùng TikTok cũng hành động tương tự và nỗ lực "phô trương sức mạnh" này khiến Đồi Capitol phẫn nộ. "Các công ty công nghệ lớn không phô diễn sức mạnh khắp nơi", Lewis cho biết. "Họ khiêm tốn hơn nhiều và 'khiêm tốn' là từ tôi chưa bao giờ thấy ở TikTok".

Chew trình diện Hạ viện tháng 3/2023, cũng là thời điểm hai thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner và Cộng hòa John Thune đệ trình dự luật Hạn chế sự xuất hiện của các mối đe dọa bảo mật gây rủi ro cho công nghệ thông tin và truyền thông (RESTRICT Act), cho phép tổng thống Mỹ có quyền hạn chế hoặc cấm TikTok cùng những ứng dụng khác của nước ngoài.

TikTok đã nỗ lực vận động hành lang và chặn thành công RESTRICT Act vào tháng 7/2023. Ngày 23/4, Warner nói TikTok đã tung mọi nguồn lực có thể về phía ông và Thune. Thune cho biết TikTok "đã thuê rất nhiều nhà vận động, chi nhiều tiền để tìm cách loại bỏ hoặc ngăn dự luật thông qua".

Tuy nhiên, thành công này nhanh chóng bị lu mờ. Ngày 7/10/2023, Hamas bất ngờ tấn công Israel. Cuộc xung đột ở Gaza nhanh chóng tạo ra cơn đau đầu cho TikTok, khi các nghị sĩ lưỡng đảng cho rằng thuật toán của TikTok đang giúp lan truyền những video có nội dung bài Israel, đồng minh của Mỹ.

TikTok khi đó đang thúc đẩy quan hệ đối tác với Disney, trước thềm kỷ niệm 100 năm công ty này thành lập. Nhà đầu tư nói các lãnh đạo TikTok không kịp thời nhận ra nguy cơ từ việc công ty bị cho là đứng về phía Hamas.

Một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng TikTok quảng bá nội dung có lợi cho Hamas. Helberg gọi đây là một điểm ngoặt. Nghị sĩ Thune ngày 23/4 nói sự việc ngày 7/10 đã khơi lại cuộc tranh luận về TikTok tại quốc hội Mỹ.

Thượng nghị sĩ Mark Warner trả lời báo giới tại Đồi Capitol, Washington, Mỹ ngày 14/2. Ảnh: Reuters
Thượng nghị sĩ Mark Warner trả lời báo giới tại Đồi Capitol, Washington, Mỹ ngày 14/2. Ảnh: Reuters

Đầu năm nay, tình hình có phần khả quan hơn với TikTok. Chew cùng giám đốc điều hành một số công ty công nghệ khác điều trần trước quốc hội hồi tháng 1 liên quan an toàn cho trẻ em. Lần này, Facebook bị chất vấn nhiều nhất. Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joe Biden bắt đầu sử dụng TikTok, dẫn đến nhận định công ty đã thoát hiểm.

Nhưng tại quốc hội, một quy trình khác âm thầm diễn ra. Thứ trưởng Tư pháp Lisa Monaco làm việc với các lãnh đạo Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc như Mike Gallagher, Raja Krishnamoorthi về dự luật buộc TikTok phải tách khỏi ByteDance hoặc bị cấm.

Dự luật mà các nhà vận động hành lang của TikTok không ngờ đến này được đệ trình đầu tháng 3. Các hạ nghị sĩ nhanh chóng phê duyệt dự luật ở cấp ủy ban và chuyển lên toàn thể Hạ viện.

"Ủy ban của Gallagher đã nỗ lực hành động", Lewis nói. "Họ vẫn giữ lửa và kêu gọi chú ý đến nguy cơ từ việc sử dụng TikTok".

Nhóm vận động hành lang của TikTok lập tức hành động và tìm cách thu hút sự ủng hộ từ người dùng. Thông qua thông báo trên ứng dụng ở Mỹ, TikTok kêu gọi mọi người liên hệ với nghị sĩ đại diện khu vực của mình và phản đối dự luật. Các văn phòng nghị sĩ Mỹ lập tức tràn ngập cuộc gọi với giọng điệu tức giận, một số còn dọa tự làm mình tổn thương nếu ứng dụng bị cấm.

Nỗ lực này lập tức phản tác dụng. Helberg nói điều đó "càng củng cố và xác thực" những mối lo ngại từ quốc hội, rằng TikTok đã ảnh hưởng quá nhiều đến người dân Mỹ. Lewis nói nhiều nghị sĩ Mỹ chỉ quyết định ủng hộ dự luật sau khi văn phòng của họ nhận hàng loạt cuộc gọi như vậy.

Jeffrey Yass, nhà đầu tư ở bang Pennsylvania nắm giữ cổ phần trị giá hàng tỷ USD tại ByteDance, cũng nỗ lực ngăn quốc hội Mỹ thông qua dự luật, thông qua tổ chức phi lợi nhuận bảo thủ Club for Growth, trụ sở ở Washington, mà ông là một trong những nhà tài trợ lớn nhất.

Dự luật được Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện đồng thuận thông qua ngày 7/3, vượt qua vòng toàn Hạ viện vài ngày sau đó. Nhiều người tin Thượng viện sẽ chặn dự luật, bởi một số thượng nghị sĩ, trong đó có bà Cantwell đã bày tỏ lo ngại nó không phù hợp hiến pháp.

Nguồn thạo tin nói TikTok cho rằng họ sẽ an toàn ở Thượng viện, một phần bởi Ủy ban Thương mại Thượng viện của bà Cantwell được biết đến là nơi "hạ gục" nhiều dự luật. Nhưng khi các nhà đàm phán Hạ viện đạt đồng thuận về nội dung dự luật viện trợ cho Ukraine và Israel, họ đã tích hợp chúng với dự luật về TikTok để đưa ra bỏ phiếu khiến những nghị sĩ như bà Cantwell phải chấp nhận "sự đã rồi".

Vị thế của TikTok càng bị ảnh hưởng khi tuần trước còn xuất hiện thông tin đại sứ quán Trung Quốc ở Washington cũng vận động Đồi Capitol bác dự luật về TikTok. Thông tin này củng cố quan điểm TikTok là công cụ gây ảnh hưởng quan trọng của Bắc Kinh.

Khi Thượng viện Mỹ chuẩn bị thông qua dự luật, một nhóm nhỏ nhà sáng tạo nội dung trên TikTok tiếp tục biểu tình bên ngoài Đồi Capitol nhưng lần này mọi chuyện đã khác.

Thượng nghị sĩ Maria Cantwell, đảng Dân chủ. Ảnh: Politico
Thượng nghị sĩ Maria Cantwell, đảng Dân chủ. Ảnh: Politico

Quan chức cấp cao TikTok khẳng định nhóm vận động hành lang vẫn làm việc hiệu quả trong những năm qua, bất chấp trở ngại gia tăng nhanh. Người này mô tả Đồi Capitol đã chuyển sang soạn dự luật về TikTok "trong đêm tối, phía sau cánh cửa, không có quy trình rõ ràng rồi tích hợp vào một dự luật viện trợ nước ngoài cần phải thông qua".

"Thời thế đã thay đổi", nghị sĩ Thune nói. Phó lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện lưu ý quốc hội đã nhạy cảm hơn nhiều về an ninh quốc gia sau chiến sự Ukraine, Israel và căng thẳng gia tăng ở Thái Bình Dương. "Đây là tình huống mà tôi nghĩ TikTok đang bắt đầu thất thế trong tranh luận, bất chấp các nỗ lực vận động hành lang".

Trong khi đó, Lewis nói các nỗ lực của TikTok dường như "đã vô vọng ngay từ đầu". "Bạn không vận động hành lang cho TikTok, mà là cho Trung Quốc. Điều đó không hiệu quả ở Đồi Capitol. Nếu đó là công ty khác, liên quan một quốc gia khác, kết quả sẽ khác".

Theo Politico, Reuters

vnexpress.net

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.