Tín dụng chính sách xã hội trở thành trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội.

img8129-1723629608918106511009.jpg
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chiều 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH). Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Cùng dự có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể.

IMG_2151 MMMM.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Báo cáo tại hội nghị, ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam cho biết, hoạt động tín dụng CSXH trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã đạt nhiều thành tựu, kết quả quan trọng. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Đến 31/7/2024, tổng nguồn vốn tín dụng CSXH đạt 373.010 tỷ đồng, tăng gần 2,8 lần so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,8%.

Vốn tín dụng CSXH đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.

Với nguồn lực lớn được huy động, tín dụng CSXH đã hỗ trợ cho hơn 21 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng. Tính đến 31/7/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 350.822 tỷ đồng, tăng 221.365 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,5%.

Tín dụng CSXH góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong từng giai đoạn, đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều); góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

12.jpg
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được, làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Với những kết quả đạt được sau hơn một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tín dụng CSXH đã trở thành một “điểm sáng” và là một “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế.

img8127-172362960807464315143.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chỉ ra những mặt còn hạn chế và 6 bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục xác định tín dụng CSXH là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển KT-XH.

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, cần quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, quan điểm của Đảng; sớm hoàn thiện nghị định về tổ chức và hoạt động của ngân hàng CSXH nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định nhằm tập trung nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn cho ngân hàng CSXH theo hướng ổn định, bền vững.

Các địa phương tiếp tục quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng CSXH, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội… Ngân hàng CSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cũng như đối với hoạt động tín dụng CSXH.

Tại Hà Tĩnh, Chỉ thị số 40-CT/TW đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, qua đó, ổn định chính trị, KT-XH.

Đến nay, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 360,7 tỷ đồng, tăng 321,9 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm 5,2% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 13/8/2024 đạt 6.917,1 tỷ đồng, tăng 3.648,6 tỷ đồng so năm 2014. Qua 10 năm, vốn tín dụng CSXH giúp hơn 377.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,01% (giảm 4,41% so với năm 2014).

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm