Tỉnh ở Afghanistan cấm cạo râu, bật nhạc trong hiệu cắt tóc

Lực lượng Taliban đã ban hành lệnh cấm thợ cắt tóc ở tỉnh Helmand của Afghanistan cạo râu hoặc cắt tỉa râu vì cho rằng điều này vi phạm luật Hồi giáo Sharia.

Tỉnh ở Afghanistan cấm cạo râu, bật nhạc trong hiệu cắt tóc

Thợ cắt tóc ở Afghanistan giảm mạnh thu nhập sau khi Taliban trở lại nắm quyền. Ảnh: BBC

Theo đài BBC (Anh), chính quyền tỉnh Helmand, phía nam Afghanistan, đã cấm thợ cắt tóc cạo râu và bật nhạc trong cửa hiệu theo yêu cầu của lực lượng Taliban. Giới chức cho biết bất kỳ ai vi phạm lệnh cấm này đều sẽ bị trừng phạt.

“Chính quyền thông báo khẩn cấp rằng kể từ hôm nay, việc cạo râu và mở nhạc trong các tiệm cắt tóc và nhà tắm công cộng sẽ bị nghiêm cấm”, thông báo của cơ quan quản lý đạo đức thuộc chính quyền tỉnh Helmand ngày 26/9 cho biết. “Nếu bất kỳ tiệm cắt tóc hoặc nhà tắm công cộng nào bị phát hiện có bất kỳ ai cạo râu hoặc bật nhạc, họ sẽ bị xử lý theo các nguyên tắc của luật Sharia và sẽ không có quyền khiếu nại”, tuyên bố cho biết thêm.

Các quy định này là động thái mới nhất trong hàng loạt biện pháp hạn chế mà chính quyền Taliban đặt ra với người dân Afghanistan, dựa trên cách giải thích nghiêm khắc của lực lượng này đối với luật Hồi giáo Sharia.

Người đứng đầu cơ quan thông tin và văn hóa của Taliban, Hafiz Rashed Helmand, nói với truyền thông địa phương rằng quyết định này do “cảnh sát tôn giáo” của Taliban đưa ra trong cuộc họp với các chủ cửa hiệu cắt tóc trong tỉnh Helmand. Một số thợ cắt tóc ở thủ đô Kabul cho biết họ cũng nhận được lệnh cấm tương tự.

Các thanh niên Afghanistan trước đây thường ưa chuộng những kiểu tóc hiện đại. Tuy nhiên, kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào tháng trước, người dân không còn nhiều tiền để chi tiêu, đồng thời họ cũng lo sợ bị trừng phạt nếu để những kiểu tóc ngắn hoặc thời thượng.

“Trước đây, mọi người đến đây để yêu cầu các kiểu tóc khác nhau, nhưng bây giờ không còn như vậy nữa. Họ rất buồn”, Nader Shah, một thợ cắt tóc cho biết. “Bây giờ mọi người đến đây và họ chỉ yêu cầu cắt kiểu tóc đơn giản. Họ cũng không cạo râu vì việc cạo râu bây giờ là chuyện lớn”, ông Shah nói.

Trong giai đoạn nắm quyền trước đây từ năm 1996 - 2001, Taliban cũng cấm người dân cắt các kiểu tóc “sành điệu” và yêu cầu đàn ông để râu. Tuy nhiên, sau khi lực lượng này bị lật đổ, việc cạo râu sạch được coi là dấu hiệu của văn minh.

Kể từ khi Taliban tiến vào Kabul ngày 15/8 và giành quyền kiểm soát đất nước, lực lượng này đã tuyên bố sẽ xây dựng chính phủ ôn hòa hơn so với trước đây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy họ đã duy trì quan điểm cứng rắn, bảo thủ sâu sắc, gây ra nhiều cuộc đàn áp như giam giữ và hành hung nhà báo, dùng roi đánh phụ nữ tham gia biểu tình, áp dụng trở lại án hành quyết và các hình phạt tàn bạo đối với tội phạm.

Chính quyền Taliban cũng không cho phép trẻ em gái và phụ nữ Afghanistan tiếp tục học trung học, dù trước đó cam kết rằng nữ sinh sẽ được đến trường. Phụ nữ được đi học ở cấp đại học, nhưng có quy định trang phục và nam nữ phải học khác lớp. Trong khi đó, các nam sinh Afghanistan đã quay trở lại trường. Hôm 21/9, Taliban cũng đã công bố các thành viên còn lại trong chính phủ lâm thời, nhưng không có phụ nữ nào đảm nhận vai trò trong nội các.

Theo Baotintuc

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.