Tình yêu son sắt, thủy chung của vợ liệt sỹ gần 60 năm thờ chồng, nuôi con

(Baohatinh.vn) - Trong bức thư gửi trước lúc hy sinh, liệt sỹ Phạm Quang Huy dặn vợ: "Nếu anh trở về được thì tốt, còn nếu không thì em hãy chăm sóc, nuôi dạy các con”. Gần 60 năm qua, bà Hồ Thị Hiệt ở thôn Thanh Hòa, xã Phù Lưu (Lộc Hà, Hà Tĩnh) luôn khắc sâu trong lòng những lời dặn dò của chồng, một mình vượt bao vất vả, tủi cực, nuôi các con khôn lớn trưởng thành.

Bà Hồ Thị Hiệt (SN 1934) quê ở xã Bình Lộc (nay là xã Bình An - huyện Lộc Hà). Thời trẻ, bà được tiếng là cô gái chăm chỉ, tháo vát nên có nhiều chàng trai trong vùng theo đuổi. Ấy vậy mà bà lại nhận lời “dạm hỏi” của chàng trai Phạm Quang Huy ở xã bên dù thời gian gặp gỡ ngắn ngủi.

Ông Phạm Quang Huy (SN 1935) quê xã Thụ Lộc (nay là xã Phù Lưu - huyện Lộc Hà). Bố mẹ mất sớm, ông được các anh chị nuôi nấng, lớn lên tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông trở về công tác tại Nhà máy Gạch Hưng Nguyên (Nghệ An), đảm nhận vai trò bí thư chi bộ của nhà máy.

Bà Hồ Thị Hiệt và liệt sỹ Phạm Quang Huy thời trẻ.

“Ông ấy là người rất thông minh, có lý tưởng, lại sống tình cảm, trách nhiệm nên tôi cảm mến ngay từ lần gặp đầu tiên. Mải mê chiến đấu và công tác nên trong nhiều năm trời, chúng tôi chỉ thư từ qua lại... Cuối năm 1959, ông ấy được về phép một tuần, chúng tôi mới nên duyên chồng vợ bằng một đám cưới giản dị, ấm cúng do đôi bên gia đình tổ chức”, bà Hiệt nhớ lại.

Hạnh phúc càng thêm trọn vẹn khi tháng 6/1962, con gái đầu lòng của ông bà là Phạm Thị Nga chào đời. Đầu năm 1963, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bước vào giai đoạn mới, lệnh tổng động viên được ban hành, ông Huy là một trong hai đảng viên của Nhà máy Gạch Hưng Nguyên xung phong lên đường nhập ngũ.

Dù không được gặp gỡ nhau nhiều nhưng tình yêu của ông Phạm Quang Huy và bà Hồ Thị Hiệt vẫn lớn dần qua những trang thư.

Ông được biên chế vào một đơn vị thuộc Đoàn 559 do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm tư lệnh. Ông Huy cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh lớn, ác liệt tại chiến trường miền Nam. Cuối năm 1964, trong một lần ông về phép ngắn ngủi, gia đình có thêm tin vui khi bà mang thai đứa con gái thứ hai - Phạm Thị Cảnh.

Nhưng đó cũng là lần cuối cùng ông bà được nhìn thấy nhau, kể từ đó, ông không trở về nữa. Sinh con gái thứ 2 được 6 tháng, bà ngã quỵ đau đớn khi hay tin chồng anh dũng hy sinh trên chiến trường.

Chồng hy sinh, bà Hiệt một mình gồng gánh bao vất vả, lo toan nuôi hai con gái khôn lớn, trưởng thành.

“Đó là một buổi sáng tháng 11/1965, xã tổ chức lễ báo tử cho các liệt sỹ, tôi một tay dắt đứa lớn hơn 3 tuổi, một tay bồng đứa nhỏ còn ẵm ngửa, nước mắt lưng tròng lên nhận tin chồng. Nhìn các con ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, lòng tôi càng thêm quặn thắt...”, bà Hiệt xúc động nhớ lại giây phút đau thương ngày ấy.

6 năm yêu thương và nên nghĩa vợ chồng nhưng thời gian ông bà được ở bên nhau chỉ tính bằng ngày. Ông hy sinh để lại cho bà hai đứa con nhỏ cùng nỗi đau không gì nguôi ngoai và một tình yêu sâu nặng, son sắt, thủy chung.

Được tận mắt chứng kiến những lá thư, cuốn sổ nhật ký nhuốm màu thời gian, những chiếc huân huy chương cũ sờn theo năm tháng mà bà Hiệt đã giữ gìn bên mình gần 60 năm nay, mới cảm nhận hết tình yêu cao đẹp của ông bà dành cho nhau.

Những dòng thơ ông Huy viết vội cho vợ trên đường hành quân chan chứa tình yêu thương và niềm tin vào một ngày mai tươi sáng: “Dù xa nhau cách mấy dặm đường. Lại có thể quên nhau sao được. Nghĩa chung tình thề non hẹn biển. Tình phu thê giao ước trăm năm. Phút nhìn nhau cất tiếng dương cầm. Ta ca ngợi đời ta thêm tươi đẹp”.

Bà Hiệt vẫn không thôi xúc động mỗi lần cầm trên tay những lá thư của người chồng đã khuất.

Trong khói lửa đạn bom, nơi cận kề cái chết, tình yêu đôi lứa của người lính luôn gắn liền với tình yêu Tổ quốc thiêng liêng. Ông Huy động viên vợ bằng những vần thơ rất chân thành, mộc mạc mà mang lý tưởng cao đẹp: “Khi nước nhà chưa được thống nhất. Anh còn đi giành lấy ngày về gặp em”.

Bà Hiệt chia sẻ, trong bức thư cuối cùng, ông có dặn bà rằng: “Nếu anh trở về được thì tốt, còn nếu không thì em hãy chăm sóc, nuôi dạy các con”. Gần 60 năm qua, bà vẫn quyết tâm ở vậy thờ chồng, nuôi các con khôn lớn trưởng thành.

Những kỷ vật quý giá của liệt sỹ Phạm Quang Huy vẫn được bà Hiệt và con cháu giữ gìn cẩn thận gần 60 năm nay.

Bà Phạm Thị Nga - con gái đầu của bà Hiệt tâm sự: “Tôi vẫn còn nhớ không biết bao lần mẹ ôm chị em vào lòng rồi khóc. Thế nhưng, ai nhắc đến chuyện đi bước nữa thì mẹ đều gạt đi và nói rằng, mẹ chỉ có cha tôi là chồng và sẽ thờ chồng, nuôi con suốt cả cuộc đời. Chúng tôi tự hào về cha, biết ơn mẹ vì sự hy sinh cao cả và tình yêu son sắt, thủy chung đó”.

Những trang nhật ký chân thành, mộc mạc mà tràn đầy lý tưởng và nhiệt huyết tuổi trẻ của liệt sỹ Phạm Quang Huy.

Ngoài những dòng tâm tình gửi đến vợ con, trong cuốn nhật ký của liệt sỹ Phạm Quang Huy còn ghi chép đầy đủ những kỷ niệm trên đường hành quân, những trận chiến ác liệt, máu lửa; những câu chuyện về nghĩa tình đồng đội đáng trân quý: “Mẹ Hiền, chị Thảo, anh nuôi... Vẫn chưa nói được hết lời thương yêu”; “Mời anh đến thăm quê tôi. Chiều nghe tiếng sáo lưng trời. Bà mẹ già đang ru cháu. Một đời người nay mới thấy tương lai”...

Và đặc biệt, nhật ký còn dành những trang viết trang trọng nhất để ghi chép “10 lời thề danh dự của quân nhân”, “7 tiêu chuẩn đảng viên”, “Chức trách đại đội trưởng”... như một sự tự nhắc nhở bản thân phải luôn tu dưỡng tư cách, rèn luyện ý chí, giữ vững bản lĩnh kiên trung trong mọi hoàn cảnh gian khó.

Suốt cuộc đời thờ chồng, nuôi con, nay ở tuổi xế chiều, cụ Hiệt sống vui vầy cùng con cháu.

Năm nay, bà Hiệt đã gần bước sang tuổi 90 nhưng vẫn rất hoạt bát, minh mẫn, sống vui vầy cùng con cháu. Tình yêu thủy chung, đức hy sinh cao cả của một người vợ, một người mẹ khiến bà trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc, là tấm gương sáng để con cháu noi theo.

THIẾT KẾ & KỸ THUẬT: Thành Nam - Ngọc Nhi

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói