Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Ảnh tư liệu)
Đã qua đêm đen nghìn năm phong kiến quân chủ chuyên chế. Đã qua 80 năm thuộc Pháp với bao sinh linh vùi lấp trong tủi nhục. Hơn 2 triệu đồng bào chết đói đầu năm 1945... Ký ức những ngày thê thảm ấy như còn đâu đây:
“Kiếp người cơm vãi cơm rơi
Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi”.
(Tố Hữu)
Và ánh lửa bình minh đã về cho nắng hồng quét sạch đêm đen. Thời cơ đã đến. Bàn cờ thế chính trị đã cho phép Cụ Hồ cùng Mặt trận Việt Minh hiệu triệu người Việt Nam đứng dậy.
“Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy tự đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Sự dồn nén của hờn căm đã biến thành biển lửa có sức nóng ghê gớm nung chảy xiềng xích phong kiến thực dân. Bao gông cùm tội ác chôn vùi dưới bước chân người cách mạng.
Một khi thời cơ đến thì “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập” như lời dặn của vị Cha già kính yêu. Cách mạng là cuộc vận động trên con đường đầy thử thách, chông gai. Ra đời trong những năm Xô-viết 1930-1931, qua thời kỳ mặt trận dân chủ, cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939-1945, chúng ta mới có cuộc vùng lên giành độc lập bằng Cách mạng tháng 8/1945. 15 năm kể từ khi ra đời, những người con ưu tú của Đảng đã hiến dâng biết bao máu xương, trải bao gian lao, thử thách để kiên định sự nghiệp cao cả: Đi tìm hình của nước. Một nhà thơ đã viết:
“Tù lao máy chém chiến trường
Dẫu tan nát thịt còn vương vấn hồn”.
Từ đỉnh cao của núi rừng Việt Bắc đến Cà Mau phù sa rừng đước mà dựng thành đồng, “luồng điện” tháng Tám đã thành phản ứng dây chuyền bùng nổ dữ dội trên khắp Việt Nam. Trong ngọn sóng cách mạng dâng trào ấy, một dải núi sông từ Bến Thủy đến Đèo Ngang, người Hà Tĩnh vùng lên khi giao thời cuối đêm tủi nhục. Từ ngày 16 đến 21/8/1945, Hà Tĩnh ghi danh là một trong 4 địa phương giành chính quyền sớm nhất cả nước.
Xô Viết Nghệ Tĩnh - cuộc tổng diễn tập giành chính quyền của Cách mạng Tháng Tám 1945. (Ảnh tư liệu)
Mùa thu tượng hình Tổ quốc. Nước Việt Nam có bản khai sinh trong ngày 2/9 là cơ đồ vĩnh viễn thiêng liêng của dân tộc Việt Nam với tôn chỉ: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Đó là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. 73 năm trôi qua, lịch sử chứng minh cho những lời bất hủ từ Tuyên ngôn độc lập. Và mỗi độ thu về, ta lại lắng nghe trong lồng lộng thanh thiên tiếng Bác Hồ vang vọng non sông.
“Nay ta hát một thiên ái quốc
Yêu gì hơn, yêu nước nhà ta”.
(Phan Bội Châu)
Nước nhà ta là nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, khai sinh từ ngày 2/9/1945. Bên Thái Bình Dương sóng gió, phấp phới bay cờ đỏ sao vàng. Cơ đồ vĩ đại của dân tộc hiên ngang bên bờ biển Đông. Rõ ràng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập. Và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Dù phải qua bao gian khổ, hy sinh xương máu suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến, cơ đồ ấy vẫn vững chãi như dãy Trường Sơn hùng vĩ, như Đông Hải cuộn sóng triều dâng. Cơ đồ ấy ngày một “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” để “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt!
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”.
(Chế Lan Viên)
Tổ quốc từ tim mình. Từ hình bóng làng quê thân yêu đến nước non hùng vĩ. Tổ quốc linh thiêng luôn cuộn chảy trong dòng máu Tiên Rồng của mỗi người Việt trên dải đất yêu thương.