Nguyễn Văn Đại (SN 1973, trú xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương, Nghệ An) tại phiên xử sơ thẩm về tội “Giết người”.
Chiều 14/8, một số người dân lặn lội vượt quãng đường xa xôi từ Nghệ An vào Hà Tĩnh để có mặt tại hội trường Tòa án nhân dân tỉnh, tham dự phiên xử Nguyễn Văn Đại (SN 1973, trú xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương, Nghệ An) về tội “Giết người”. Khi thư ký thông báo phiên tòa sắp sửa bắt đầu, bị cáo thẫn thờ, vô thức tiến lại bục khai báo. Hơn 4 tháng trôi qua, buổi chiều định mệnh ấy không chỉ là ký ức khiến Đại dằn vặt mà còn là nỗi đau người thân bị cáo lẫn bị hại muốn chôn chặt.
Nguyễn Văn Đại và anh Nguyễn Văn T. (SN 1982, trú xã Trung Phúc Cường, Nam Đàn, Nghệ An) là công nhân xây dựng, đều thi công công trình tại thôn Nam Mới (xã Cương Gián, Nghi Xuân). Đại được giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ công nhân và anh T. là thành viên trong tổ.
Khoảng 13h45’ ngày 17/4, tổ công nhân của Đại vận chuyển vật liệu xây dựng tại công trình. Quá trình làm việc, Đại nói anh T. cùng bê tấm ván lót đường để kéo xe chở gạch, cát vào vận thăng, song, anh này lại tỏ thái độ phản ứng. Giữa 2 người đã xảy ra giằng co, xô xát.
Sau khi anh T. ra khỏi công trình, Đại lấy thanh kim loại (dùng làm thanh giằng giàn giáo) đi theo. Đến gần khu vực đường liên thôn (thuộc thôn Nam Mới), Đại đã dùng hung khí lao vào đánh anh T. Cú đánh trúng vào vùng cổ bên trái khiến nạn nhân ngã xuống đường bất tỉnh. Thấy vậy, Đại tiếp tục đánh vào vùng lưng anh T. rồi bỏ mặc đồng nghiệp nằm giữa đường, rời khỏi hiện trường. Trở lại công trình, Đại kể lại việc mình đánh đồng nghiệp với các công nhân đang có mặt. Nhóm công nhân này đã đưa anh T. đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, đến ngày 21/4, nạn nhân tử vong.
Ảnh cắt từ camera ghi lại hành vi của Đại.
Tại phiên xử sơ thẩm, Nguyễn Văn Đại cho rằng, bản thân không chỉ là người lớn tuổi hơn mà còn còn là tổ trưởng của anh T. Tuy nhiên, khi Đại nhờ công nhân giúp đỡ trong quá trình làm việc, bị hại tỏ thái độ không hợp tác và còn có những lời lẽ khó nghe, xúc phạm. Chính vì vậy, Đại đã không kiềm chế được bản thân dẫn đến hành động sai trái.
Sau khi đánh anh T. gục ngã, do vẫn còn tức giận nên Đại đã bỏ mặc đồng nghiệp. Tuy nhiên, trở về công trình, bị cáo mới nhận thức được hành động của mình nên đã báo lại với mọi người để đưa nạn nhân đi cấp cứu. Kể từ đó, cảm giác hối hận, dằn vặt luôn ám ảnh Đại. Đến khi bị bắt, vào trại tạm giam, Đại nhận ra, hành vi của mình thật tàn nhẫn và thiếu hiểu biết. Bị cáo thừa nhận, điều đáng sợ nhất chính là sự dày vò tâm can, tinh thần. Đại đã gây tội ác và giờ đây phải trả giá.
“Dù vô tình, dù nóng giận nhất thời, bị cáo đều phải trả giá cho hành vi của mình. Để rồi giờ đây, khi hiểu giá trị của sự tự do, giá trị của cuộc sống bình thường thì đã quá muộn. Bị cáo hy vọng, trước khi làm việc gì, mọi người nên suy nghĩ thật kỹ càng để không giẫm vào vết xe đổ của bị cáo” - Đại nghẹn ngào khi nhận lấy bản án 14 năm tù từ hội đồng xét xử.
Toàn cảnh phiên toà xét xử Nguyễn Văn Đại.
Chủ tọa phiên xử cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tước đoạt mạng sống của người khác, một số đối tượng chưa được trang bị nền tảng về văn hóa ứng xử; khi giải quyết mâu thuẫn thường căng thẳng, không có sự bao dung nên dẫn đến hành động bột phát, nông nổi. Hội đồng xét xử nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, chỉ vì mẫu thuẫn nhỏ mà bị cáo đã nhẫn tâm tước đoạt mạng sống của người khác. Hành vi đó không chỉ gây đau thương, mất mát lớn cho gia đình người bị hại, mà còn gây phẫn nộ trong dư luận quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội.
Phiên tòa khép lại với bản án 14 năm tù giam đối với Nguyễn Văn Đại. Với gia đình nạn nhân, họ vẫn không thoát khỏi đau buồn dù công lý đã được thực thi…