Dấu ấn nhiệm kỳ 2010 - 2015 (bài 29):
Nhiều năm lại nay, Hà Tĩnh đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản; để những giá trị văn hóa từ đời xưa lan tỏa, quyện thấm vào tâm hồn thế hệ hôm nay và muôn sau…
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể
Hà Tĩnh có nhiều làng nổi tiếng về văn hóa, khoa bảng và làng nghề truyền thống. Các làng: Tiên Điền, Uy Viễn, Đông Thái, Yên Hội, Gôi Mỹ, Thần Đầu, Trung Lễ, Bùi Xá... nổi danh về truyền thống học hành, khoa bảng và văn chương. Đây là quê hương của các danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa, những nhà cách mạng của đất nước. Chính vì thế, Hà Tĩnh có rất nhiều di tích lịch sử vừa có giá trị văn hóa, vừa có giá trị giáo dục.
Phát triển kịch dân ca là một trong những cách bảo tồn di sản dân ca ví, giặm hiệu quả. |
Ông Bùi Đức Hạnh - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Nhiều năm lại nay, cùng với sự phát triển của nền KT-XH, các hoạt động liên quan đến bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa (LSVH) ở Hà Tĩnh cũng được chú trọng hơn và qua đó phát hiện, khôi phục được nhiều di chỉ, di tích lịch sử… 5 năm qua (2010-2015), đã có 10 di tích LSVH được xếp hạng cấp quốc gia (trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt: Khu lưu niệm Nguyễn Du, Sở Chỉ huy tiền phương (xã Hương Đô - Hương Khê) thuộc hệ thống đường Trường Sơn và 166 di tích cấp tỉnh”.
5 năm qua, nhiều công trình được đầu tư trọng điểm như: Khu lưu niệm Nguyễn Du, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Di tích Hương Đô, đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nguyễn Biểu, Ngô Phúc Vạn, đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá, đình Hội Thống, Ngã ba Nghèn, Thành Sơn Phòng Hàm Nghi… Bên cạnh đó, nguồn đầu tư xã hội hóa cũng đã xây dựng, mở rộng, tu bổ, phục hồi các di tích như chùa Hương, đền Tam Lang (Can Lộc); đền Thánh Mẫu (Truông Bát - Hương Khê); chùa Thanh Lương (Phù Lưu - Lộc Hà); chùa Phong Phạn, Đà Liễu (Nghi Xuân). Việc xã hội hóa đầu tư đã giúp công tác bảo tồn di sản gặp nhiều thuận lợi về nguồn vốn, lại vừa phát huy tốt giá trị văn hóa - lịch sử của di tích trong đời sống nhân dân.
Các nhà khảo cổ phát hiện nhiều ngôi mộ đặc trưng với hai kiểu táng thức là mộ chum, bình và mộ đất tại di ích Phôi Phối - Bãi Cọi (Nghi Xuân) |
Ngành khảo cổ cũng liên tục tìm được những cổ vật, di chỉ quan trọng, khẳng định LSVH lâu đời của vùng đất Hà Tĩnh. Việc phát hiện hàng ngàn sắc phong, văn tự cổ và các cổ vật chứng tỏ Hà Tĩnh là vùng đất có truyền thống lâu đời với nhiều vỉa tầng giá trị văn hóa. Đặc biệt, việc phát hiện di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi, Cồn Sò - Thạch Lạc, Rú Điệp - Thạch Đài, Lũy đá cổ Kỳ Lạc - Kỳ Anh đã làm thay đổi quan điểm lịch sử về vùng xuất hiện văn hóa Đông Sơn - Sa Huỳnh cũng như lịch sử hình thành các vùng dân cư và trình độ văn hóa, kinh tế của Hà Tĩnh xưa. Ông Nguyễn Trí Sơn - Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết: “5 năm qua, đã sưu tầm, bổ sung hơn 2.640 hiện vật, trong đó, gần 200 hiện vật có giá trị đặc biệt”.
Cho những câu hát cổ truyền bay xa
Cuộc sống sản xuất, chống chọi với thiên tai, giặc dã nhưng người Hà Tĩnh vừa gan dạ, vừa lạc quan, yêu đời đã sản sinh một kho tàng văn nghệ dân gian đặc sắc. Những khúc hát thoát thai từ đồng ruộng, núi non, từ sông thuyền, biển cả ấy vừa in đậm nỗi nhọc nhằn, vừa phản ánh đời sống tâm hồn phong phú, lãng mạn lẫn nét hào hoa, duyên dáng của cư dân bao đời. Đó là những di sản văn hóa truyền thống có giá trị, bồi đắp cho tâm hồn nhiều thế hệ người Hà Tĩnh.
Một buổi sinh hoạt định kỳ của CLB ca trù Nguyễn Công Trứ |
Nổi bật nhất trong thời gian qua là sự kiện dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là một hình thức văn nghệ tự túc, hình thành từ trong những công việc hàng ngày của nhân dân. Những câu hát đơn sơ, mộc mạc, đầy cảm xúc được cất lên từ những tâm hồn mộc mạc mà tinh tế, sâu sắc, đã dần dần định tính, định hình thành thể hát dân ca sinh hoạt trữ tình, trường tồn cùng thời gian.
Ngày nay, sức sống của dân ca ví, giặm được thể hiện bởi sự ra đời của nhiều CLB dân ca ở cả 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, các CLB này cũng đã xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các thôn, làng… Ông Nguyễn Cảnh Thụy - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Chúng tôi luôn nỗ lực để bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca ví, giặm dưới nhiều hình thức. Hiện nay, Hà Tĩnh có 50 CLB dân ca ví, giặm và nhiều hoạt động lưu giữ, phát triển như đưa dân ca ví, giặm vào trường học, sáng tác lời mới… Và điều đáng mừng là ngày càng có nhiều người dân biết, thuộc và yêu thích các bài dân ca ví, giặm”.
Có giá trị không kém là làn điệu ca trù trên miền đất hát Nghi Xuân. Sau khi huyện Nghi Xuân và ngành văn hóa khôi phục phong trào hát ca trù với sự ra đời của 2 CLB, nhiều lớp học đã được tổ chức và thu hút học sinh mọi lứa tuổi. Năm 2009, ca trù được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của ca trù Cổ Đạm, đồng thời, là động lực để ca trù Cổ Đạm được phát huy giá trị trong đời sống hiện đại.
Hà Tĩnh - dòng sông hiền hòa đã và đang lặng lẽ hòa vào dòng chảy chung của dân tộc bằng những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản dưới nhiều hình thức đã góp phần tô đậm thêm sự phong phú trong truyền thống văn hóa của người Việt và bồi đắp tâm hồn, nhân cách sống cho thế hệ trẻ…
(Còn nữa)