Toàn cảnh Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn

Theo chương trình kỳ họp thứ 3, từ 15h5’ ngày 13/6 và nửa đầu buổi sáng ngày 14/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Không để Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được

Sáng 14/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao đổi làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến Quy hoạch khu du lịch Quốc gia Sơn Trà, do kết thúc phiên làm việc chiều qua, một số đại biểu băn khoăn về vai trò của Chính phủ đối với quy hoạch này.

“Nếu Chính phủ để cho Đà Nẵng tự quyết thì đã không có câu chuyện làm quy hoạch về Sơn Trà với số phòng 300 hay 1.600 và những dự án Đà Nẵng đã cấp phép với quy mô 5.000-7.000 sẽ phòng tiếp tục được triển khai bình thường”, Phó Thủ tướng nêu giả thiết và nhấn mạnh “Chính phủ không để Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được. Không phải như vậy”.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn UBND TP. Đà Nẵng chủ động hơn trong việc tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp về Sơn Trà.

Lý do thứ nhất là vấn đề Sơn Trà cần có sự thống nhất trong đảng bộ chính quyền, và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng.

“Tất cả chúng ta đều yêu mến Sơn Trà như đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói, đều hy sinh vì nó và đều muốn bảo vệ Sơn Trà, nhân dân Đà Nẵng chắc chắn cũng như vậy. Không ai có thể nói là nhân dân Đà Nẵng không yêu mến, không hy sinh để bảo vệ Sơn Trà và nhân dân Đà Nẵng cũng có đầy đủ trí tuệ để đóng góp với chính quyền, với Chính phủ để bảo vệ Sơn Trà tốt hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai, khi chưa có quy hoạch du lịch, UBND TP. Đà Nẵng, theo thẩm quyền của mình, đã cấp phép các dự án với nhà đầu tư phát triển du lịch ở Sơn Trà. Nhưng bây giờ có quyết định khác ảnh hưởng đến nhà đầu tư thì UBND TP. Đà Nẵng phải chủ động làm việc với các nhà đầu tư.

“Khi UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ VHTTDL để thống nhất quy hoạch phát triển du lịch ở Sơn Trà ở mức 1.600 phòng thì thành phố cũng đã chuẩn bị và có bước làm việc với các nhà đầu tư. Bây giờ chúng ta giữ quy mô ở mức nào, 300 phòng hay bao nhiêu thì Đà Nẵng cũng cần làm việc với các nhà đầu tư bởi theo pháp luật các quyết định sau khi ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp thì đều phải có giải pháp với doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng phân tích.

“Sau khi có ý kiến cuối cùng của Đà Nẵng, của tất cả các bên, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định. Trong trường hợp chúng ta không phát triển du lịch ở Sơn Trà nữa mà là bảo tồn thì đưa Sơn Trà ra khỏi danh mục 47 khu du lịch quốc gia thì cũng phải do Thủ tướng ký ban hành quyết định”, Phó Thủ tướng khẳng định một lần nữa và tin tưởng “khi UBND TP. Đà Nẵng chủ động hơn vào cuộc thì chúng ta sẽ tìm được một giải pháp, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước".

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này trên tinh thần phát triển nhưng phải bền vững và những yếu tố bền vững mà chưa chắc chắn thì chúng ta để lùi lại đến khi có đủ điều kiện. Để làm phát triển bền vững cần có kinh nghiệm, tri thức và trong nhiều trường hợp là suất đầu tư lớn hơn”, Phó Thủ tướng nói. Sau khi Phó Thủ tướng phát biểu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải đáp phần tranh luận của ông. Ông nói: Cử tri hoan nghênh việc Phó Thủ tướng đi thị sát ở bán đảo Sơn Trà. Hôm nay, câu trả lời của Phó Thủ tướng giúp tôi thấy yên tâm. Có lẽ, nhiều cử tri trên cả nước cũng sẽ yên tâm khi Đà Nẵng cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có giải pháp tối ưu để khai thác các sản phẩm du lịch.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tiếp đó, Bộ trưởng trả lời các đại biểu: Trương Trọng Nghĩa (TPHCM); Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp); Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn); Bùi Ngọc Chương (Cà Mau);... về giải pháp đổi mới quản lý cấp phép ca khúc; bảo tồn phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; quản lý việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích; xử lý cán bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn; giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ; giải pháp ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật; quản lý các hoạt động vui chơi giải trí sau 0 giờ; vấn đề quản lý các hoạt động liên quan đến nghệ thuật truyền thống; quản lý du lịch; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, nghệ thuật...

Tạo thuận lợi cho văn nghệ sỹ sáng tác

Cụ thể, về cấp phép ca khúc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau khi những sự việc xảy ra, Bộ VHTT&DL đã yêu cầu các cục, vụ liên quan rà soát lại những thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép này.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các thủ tục liên quan đến cấp phép những vụ việc vừa qua. Tinh thần của Bộ là giảm cấp phép, giảm xin - cho để tạo điều kiện, tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tác của văn nghệ sỹ. Bộ sẽ tìm phương cách quản lý mới phù hợp với tình hình hiện nay, cũng như với quá trình hội nhập quốc tế.

Các lễ hội phản cảm đã giảm bớt

Về tình trạng lễ hội còn nội dung phản cảm, xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, bạo lực, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, Bộ VHTT&DL được giao quản lý nhà nước giúp cho Chính phủ ban hành những văn bản QPPL liên quan đến tổ chức lễ hội.

Chính quyền địa phương đóng vai trò quản lý, đảm bảo trật tự đối với hoạt động lễ hội.

Sau khi lễ hội năm 2015 kết thúc, Bộ đã quán triệt các địa phương với tinh thần tổ chức lễ hội giữ được nét đẹp văn hóa. Ban Bí thư cũng ban hành chỉ thị về tổ chức lễ hội, Thủ tướng cũng ban hành công điện và chỉ thị về vấn đề này; Bộ cũng có văn bản có liên quan. Có thể nói rằng, trong năm 2017, mùa lễ hội vừa rồi, các lễ hội phản cảm đã giảm bớt, lễ hội Đền Hùng, Lễ Hội Đền Trần đã được tổ chức tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời rõ chức năng quản lý nhà nước về lễ hội nhưng cho đến nay mới dừng ở công điện, chỉ thị, thiếu nghị định quản lý nhà nước về lễ hội. Do vậy Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Bộ VHTT&DL cần lưu ý và sớm trình Chính phủ Nghị định về quản lý nhà nước về lễ hội.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cam kết sẽ tiếp thu vấn đề này.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trả lời câu hỏi về giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ, sau khi được QH phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ VHTTDL, “tôi luôn lo lắng và suy nghĩ” về việc này. Năm 2016, khách du lịch đến Việt Nam khoảng 10 triệu, Thái Lan khoảng 32 triệu, Sigapore khoảng 16 triệu, Philippines khoảng 6 triệu…

Như vậy, khoảng cách về lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta so với Thái Lan và Malaysia vẫn còn khá xa, Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, điều đáng mừng là tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch nước ta thời gian qua, năm 2016 là 27%, năm nay khoảng 30%. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 08 về phát triển kinh tế mũi nhọn. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Du lịch để tạo khả năng tăng trưởng trong thời gian tới. Chúng ta phải phát triển du lịch rất nhanh, tốc độ cao. Thủ tướng yêu cầu tăng từ 30 - 50% trong năm nay. Sau 15 năm du lịch của Việt Nam và Thái Lan sẽ gặp nhau với tốc độ tặng trưởng của Việt Nam là 20%, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Bảo tồn văn hóa truyền thống phải nằm trong sự đa dạng và thống nhất

Tham gia trả lời chất vấn liên quan đến văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu rõ, việc bảo tồn, giữ gìn tiếng nói, chữ viết, điệu múa, dân ca... của đồng bào các dân tộc thiểu số trước hết thuộc trách nhiệm tự thân của mỗi dân tộc, sau đó mới là sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, cộng đồng và xã hội. Thực tế đang có Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, các Ngày hội văn hóa các dân tộc và nhiều làn điệu dân ca của dân tộc thiểu số đã được công nhận là di sản văn hóa.

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số đã được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị quan tâm, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Về tình trạng có sự giao thoa giữa các dân tộc được các ĐBQH phản ánh, nêu quan điểm cá nhân, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho rằng, việc giao thoa giữa các dân tộc để học tập các điểm tiến bộ là việc làm tốt. Việc bảo tồn văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc phải nằm trong sự đa dạng và sự thống nhất của cộng đồng 54 dân tộc trên cả nước. Đây sẽ là trụ cột chính trong suốt quá trình thực hiện. Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến mong muốn, bà con dân tộc thiểu số đồng lòng đoàn kết, chung sức phát huy phát huy các giá trị tốt đẹp của mình, để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp.

Bộ trưởng rất chủ động, nghiêm túc, trách nhiệm

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đã có 32 ĐBQH đặt câu hỏi, 11 ĐBQH tranh luận. Có 25 ĐBQH đăng ký nhưng không đủ thời gian chất vấn và những vấn đề chưa được trả lời tại hội trường Bộ trưởng sẽ tiếp tục trả lời bằng văn bản. Đồng thời, văn bản trả lời của Bộ trưởng sẽ gửi đến UBTVQH qua Tổng Thư ký QH để tổng hợp theo dõi, Chủ tịch QH yêu cầu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, xây dựng. Các ĐBQH đã đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực, làm rõ vấn đề. Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nhưng đã nỗ lực quán xuyến, điều hành nắm tình hình công việc của Bộ, của ngành và thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ trưởng cũng rất chủ động, nghiêm túc, thẳng thắn, nhận trách nhiệm về những tồn tại, yếu kém thuộc lĩnh vực phụ trách của mình trong thời gian gần đây và những tồn tại chung của ngành. Tuy nhiên, việc trả lời một số vấn đề chưa rõ, chưa thỏa mãn yêu cầu của ĐBQH cho nên có phần tranh luận cũng khá sôi nổi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, văn hóa, thể thao, du lịch là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế - xã hội, liên quan đến đời sống tinh thần của con người và xã hội. Thời gian qua, lĩnh vực này đã có những chuyển biến tích cực, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã được đề cao và phát huy, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở đã có nhiều tiến bộ. Môi trường du lịch được quan tâm đầu tư, thu hút khách du lịch ngày càng cao, đã kết hợp bảo tồn phát triển văn hóa với du lịch. Bên cạnh những mặt đạt được, có nhiều tồn tại, hạn chế đã được nhiều ĐBQH quan tâm chất vấn như, công tác quản lý và cấp phép hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn có những sai sót, gây dư luận không tốt; việc quản lý lễ hội có tình trạng buông lỏng, dẫn đến bị lợi dụng để trục lợi, gây phản cảm, lãng phí nguồn lực xã hội; việc quản lý khai thác các công trình văn hóa thể thao kém hiệu quả. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được coi trọng, tình trạng còn nhiều di tích bị xuống cấp, nhiều nhà văn hóa, thư viện thiếu trang thiết bị; đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử bị suy giảm, chưa có giải pháp khắc phục rõ nét. Công tác quy hoạch và quản lý du lịch còn nhiều bất cập. Cơ chế chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu và tiềm năng, lợi thế. Sự phối hợp giữa các ngành trong quản lý du lịch còn kém hiệu quả. Quản lý du lịch còn nhiều bất cập, cơ chế thu hút xã hội hóa đầu tư, phát triển du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu và tiềm năng, lợi thế. Sự kết hợp giữa các Bộ trong quản lý du lịch vùng kém hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Chính phủ, Bộ trưởng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế này. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề lớn sau đây:

Rà soát, sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm, cấp phép biểu diễn nghệ thuật bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật. Đánh giá hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao để phát huy hiệu quả của các thiết chế này.

Có biện pháp cụ thể trong sử dụng các công trình văn hóa, thể thao, trong đó quan tâm đến việc phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường, nâng cao sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong hoạt động tổ chức lễ hội, sớm tham mưu Chính phủ ban hành văn bản về quản lý và tổ chức lễ hội, nghi thức, nghi lễ tổ chức hội nghị ngay trong năm 2017.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong các hoạt động văn hóa, đặc biệt tổ chức lễ hội, hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tiếp tục công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, phát huy mọi nguồn lực để làm tốt công tác bảo vệ, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, di sản văn hóa, lịch sử.

Triển khai hiệu quả đề án nâng cao tầm vóc, sức khỏe người Việt Nam; chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, nhất là cho thế hệ trẻ. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, về lòng tự hào, tôn vinh lịch sử văn hóa dân tộc. Nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong việc nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sai trái về tư tưởng chính trị, vi phạm những chuẩn mực, đạo đức, lối sống.

Sớm triển khai các quy định của Luật Du lịch sau khi được Quốc hội thông qua; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch làm tốt công tác quản lý hướng dẫn du lịch bảo đảm hiệu quả, an ninh, an toàn. Chú trọng việc lập, thẩm định, phê duyệt công bố và quản lý cũng như tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch.

Đối với quy hoạch Bán đảo Sơn Trà, trên cơ sở cân nhắc mọi mặt đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo và sớm có giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật và quy hoạch phát triển của cả nước để cử tri, nhân dân cả nước yên tâm.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói